Chỉ đường cho hươu...: Dạy em… “có được thiên hạ”

22/05/2023 - 06:10

PNO - Em con lành tính, hay bị bắt nạt. Con chẳng thể theo bảo vệ em mãi được. Phải rèn thế nào để em đến lớp mẫu giáo được an toàn, vui vẻ?

Con được gia đình giao trọng trách “quyền huynh thế phụ” với cậu em 2 tuổi rưỡi, thay cha mẹ đang có chuyến công tác xa. Em rất bám con và nhất nhất tuân lệnh anh Hai.

Em con lành tính, hay bị bắt nạt. Con chẳng thể theo bảo vệ em mãi được. Phải rèn thế nào để em đến lớp mẫu giáo được an toàn, vui vẻ?

Nguyễn Hoài N.

(sinh viên năm nhất Đại học Quốc gia TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Một người cha có cậu con trai được nhiều người tấm tắc khen “kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt” (từ câu thành ngữ cổ “Thức thời vụ giả vi tuấn kiệt”) bởi từ lúc sinh ra đến giờ, chàng thiếu niên chưa làm mất lòng ai; ai cũng là bạn, là ân nhân của cậu.

Hỏi kinh nghiệm, phụ huynh chia sẻ: “Từ hồi con còn chưa biết mặt chữ, cha đã nhiều lần kể chuyện Chú ốc sên bé nhỏ, cho con xem phim Vương quốc xe hơi và phân tích điều hơn lẽ thiệt. Có lẽ điều đó đã ảnh hưởng đến tính cách cậu bé sau này”. 

Qua những trò chơi, người cha dẫn dắt con tự rút ra bài học: "Nổi dễ hớt, chìm khó mò”, truyền “binh pháp”: đánh thắng đã khó, đánh hòa khó hơn, đánh "thua" còn khó nữa. Chẳng thế mà 2 anh em nhà hàng xóm cứ chơi với nhau là loạn, khóc um nhà nhưng có cậu sang chơi cùng thì chỉ nghe tiếng cười rinh rích.

Ngày đầu đi học mầm non, cậu nhìn theo bóng mẹ khuất ở góc phố mà rơm rớm nước mắt. Cô giáo nói: “Vào lớp nào!”. Biết đây là lệnh, giờ có gào khóc, mẹ cũng chẳng có ở đây để cứu mình nên cậu bé lau nước mắt, vào lớp chơi ngoan cùng các bạn.

2 cô giáo rất quý cậu trò nhỏ. Cô đến lớp, bé lũn cũn ra xách đôi dép của cô đặt vào giá kèm câu nói: “Mẹ cháu dặn phải để dép đúng chỗ”; giờ trưa, cậu không quậy phá, chọn nằm cạnh 2 cô, ngủ thẳng một giấc; tầm 3 giờ rưỡi chiều, thu xếp đồ chơi mình đang chơi, cất đúng vị trí và ngồi ngóng bà đến đón. 2 cô cưng bé còn hơn trứng mỏng.

Cậu là “đệ tử ruột”, được bác T. “béo” - một trong những “hung thần” khét tiếng hay dọa trẻ con trong xóm - bảo trợ. Thu phục “hung thần” sao cho không phải khúm núm, nịnh bợ? Cậu chỉ ngoan, chỉn chu, biết điều. Một hôm đang được bác T. bế, bỗng cậu nói: 

- Bác cho cháu về nhà, “ngáo ộp” H. sắp sang tới nơi rồi, cháu sợ.

- Ở yên đấy. Nó sang đây dọa, bác kéo tai nó ra nhảy dây ngay. 

Là đệ cưng của “ông kẹ”, cậu không hề ngông nghênh. Dù ngồi ở đâu, thấy hung thần H. bước ra cửa, cậu lập tức kiếm cớ đau bụng, đi tè, khát nước… để rút về hậu cứ an toàn. Cẩn trọng vậy mà vẫn “có biến” - lần hung thần H. xuất hiện đúng lúc vắng bác T. 

Biết chạy đằng trời không thoát, cậu dõng dạc: "Cháu chào ông H. ạ".

- À, thằng này được, chào hỏi rõ ràng. Nào, vào đây ông mua cho cái kẹo và gói bim bim.

Từ đó trở đi, mỗi lần ra đường, cậu luôn quan sát trước sau, những nơi thiếu an toàn… 

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Gần đây, người cha “phỏng vấn”: 

- Cha hỏi thật, hồi mẫu giáo con có bị kẻ nào bắt nạt không?

- 2 cô đều quý con, “trùm” trong lớp là bạn thân của con… 

- Con thân với “trùm”?

- Dạ. Tên này hay giở nắm đấm nếu ai tranh giành với nó. Bạn nào cương, nó đấm ngay. Biết vậy, đang chơi thấy nó đến là con bỏ đi chơi trò khác. Cả lớp ai cũng né nên “đại bàng” không chơi được những trò cần có 2 người. Lúc đó, con bảo: “Tôi chơi cùng bạn nhé!”, thế là thân nhau. Trên có 2 cô, dưới có “đại ca” nhưng con không “cậy thế làm càn” mà hòa đồng với các bạn trong lớp.

Có câu: “Khéo ăn khéo nói có được cả thiên hạ”, một quốc gia nhỏ bên cạnh các nước lớn phải có lối bang giao hòa hiếu. Cậu bé cứ nhẹ nhàng đi giữa nơi “đao quang kiếm ảnh”, không bắt nạt ai mà cũng chẳng để ai bắt nạt mình.

Hy vọng câu chuyện trên đem lại vài kinh nghiệm giúp cháu dạy em.

Bác sĩ HOA TIÊU

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI