Những lựa chọn bắt nguồn từ trái tim

Chỉ cần một cuộc gọi, lập tức lên đường

27/02/2021 - 07:29

PNO - Rạng sáng, các y, bác sĩ trong đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy khẩn trương lên đường đến Gia Lai theo lệnh điều động. Đây là một trong những chương trình hành động “khi đất nước cần, ta biết nói xung phong” nhằm ứng phó với dịch COVID-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Nghề nào trên đời cũng tốt đẹp, cần thiết và xứng đáng được trân trọng, tôn vinh. Nhưng nghề y thật sự nhọc nhằn. Nhọc nhằn không hẳn là những đêm thức trắng, những lúc căng thẳng trong phòng mổ hay cấp cứu hồi sức mà đó là sự trăn trở, là tình yêu thương khi mỗi ngày, họ phải trực tiếp chứng kiến những cơn đau, những căn bệnh và cả sự ra đi của biết bao phận người. Trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, y, bác sĩ chính là đội ngũ luôn tiên phong trên tuyến đầu, sẵn sàng đối diện hiểm nguy để giữ bình an cho cộng đồng…

Chỉ có hai giờ để thu xếp

Những ngày đầu tháng 2/2021, giáp tết, trời Gia Lai lạnh lẽo. Nhưng địa phương này lại đang “nóng” hơn bao giờ hết với hơn mười ca nhiễm COVID-19 xuất hiện trong cộng đồng. Kế hoạch ứng phó với dịch COVID-19 đã có, nhưng do lần đầu có dịch nên mọi người vẫn lúng túng, hoang mang. 

Ngày 3/2, đoàn công tác hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đã đến Gia Lai. Cũng trong hôm ấy, từ TP.HCM, rạng sáng, thạc sĩ, bác sĩ (BS) Võ Ngọc Anh Thơ - Phó khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Chị cùng hai đồng nghiệp là tiến sĩ, BS Phùng Mạnh Thắng (Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn) và BS Nguyễn Lý Minh Duy (Khoa Hồi sức cấp cứu) nằm trong đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy khẩn trương lên đường đến Gia Lai theo lệnh điều động.

Lệnh điều động dựa trên danh sách những cá nhân đã đăng ký sẵn sàng lên đường trong hai giờ. Đây là một trong những chương trình hành động “khi đất nước cần, ta biết nói xung phong”, nhằm ứng phó với dịch COVID-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy.

“Trong hai giờ đó, chúng ta sẽ chuẩn bị được gì khi phải gác lại mọi thứ cho một chuyến công tác không hẹn ngày về?” - tôi ái ngại hỏi. BS Thơ nhẹ nhàng: “Chủ yếu là tâm thế sẵn sàng lúc đặt bút ghi danh: không rời khỏi thành phố, chỉ cần một cuộc gọi điều động là lập tức lên đường”.

 

Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng vào tháng 8/2020
Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng vào tháng 8/2020

Cũng với tinh thần ấy, sáng 4/2, đang trong giờ trực, thạc sĩ điều dưỡng Vương Thị Nhật Lệ - Phó trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy - nhận lệnh tham gia một cuộc họp. Cuộc họp kết thúc, chị lập tức về nhà, gói vội hai bộ đồ để tham gia đội phản ứng nhanh số 2, lên đường chi viện cho tỉnh Gia Lai. Ê-kíp số 2 này gồm bốn người; ngoài chị, còn có BS Trần Thanh Linh - Phó khoa Hồi sức tích cực, thạc sĩ Lê Hữu Hoàng - Phó khoa Sinh hóa - và kỹ thuật viên Nguyễn Công Doanh của Khoa Huyết học. 

Trở về từ chuyến công tác, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, các thành viên của cả hai đội đều không một lời nhắc về những khó khăn khi thực thi nhiệm vụ dù thời điểm đó, mỗi ngày, Gia Lai đều có thêm nhiều ca nhiễm mới, bệnh viện đa khoa tỉnh phải phong tỏa. BS Thơ nói rằng, chuyến công tác chỉ đơn giản là thực hiện những đầu việc theo một kế hoạch, lộ trình bài bản và chu đáo đã được định sẵn.

Đối diện tôi là một thái độ cho thấy những hiểm nguy đến tính mệnh, nếu có, cũng là sự thường tình. Khi nghe hỏi về sự hiểm nguy, nhọc nhằn, BS Thơ, điều dưỡng Lệ chỉ nhẹ nhàng nói “quen rồi”, “bình thường thôi”. Ngay cả hôm nay, khi chủng vi-rút có những biến thể mới, tốc độ lây nhiễm cao, họ vẫn làm việc với một thái độ lặng lẽ cùng quyết tâm chiến thắng, không hoang mang, không hoảng sợ. 

Chiều 28 tết Canh Tý, BS Thơ cùng đồng đội ở Bệnh viện Chợ Rẫy trở thành những người đầu tiên ở Việt Nam chứng thực vi-rút SARS-CoV-2 xuất hiện. Bấy giờ, khi dịch COVID-19 chỉ được biết đang hoành hành ở Trung Quốc thì ông Li Ding, 66 tuổi, xuất hiện ở Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, không tự đi được. Đi cùng ông là cậu con trai 28 tuổi cũng có những triệu chứng tương tự. Vị bệnh nhân số 1 ấy đã vùng vẫy, kịch liệt phản đối do thiếu sự tin tưởng vào nền y học của Việt Nam. Trong tình huống đó, lực lượng y, bác sĩ của bệnh viện phải vừa tập trung chữa trị cho cha con ông, vừa ngăn chặn sự lây nhiễm. 

Cho chúng tôi xem tấm ảnh với lời giới thiệu “chưa từng công bố”, BS Thơ khẳng định: “Tết này dễ chịu hơn tết năm ngoái”. Tấm ảnh ghi lại thời khắc của năm ngoái, chị khoác lên mình bộ đồ bảo hộ nóng bức, kín mít, khởi đầu cho một chặng đường đến nay chưa dừng lại trong công tác chữa trị cho bệnh nhân COVID-19.

Vừa dự nhiều cuộc họp tìm phác đồ điều trị cho bệnh nhân đầu tiên, chị vừa cùng đồng đội thuyết phục vị bệnh nhân số 1 chấp nhận bản thân đã nhiễm bệnh. Năn nỉ có, cứng cỏi có, quyết liệt có. Rồi vừa vui khi sức khỏe ông đang ổn định, bỗng tất cả hoang mang do bệnh tình ông Li Ding trở nặng bất ngờ. Để rồi, ngày ông Li cúi đầu “cảm ơn Việt Nam” đã cho thấy sự hiệu quả của ngành y Việt Nam. Và giờ đây, mọi khó khăn, nguy hiểm ngày đó của các y, bác sĩ được chính họ kể lại chỉ như một nỗ lực thường tình.

Điều dưỡng Lệ cũng “bật mí”, trong suốt một năm qua, Bệnh viện Chợ Rẫy mấy lần ngỡ sẽ “vỡ trận”. Hàng trăm bệnh nhân nội và ngoại trú cùng lực lượng y, bác sĩ bao phen căng mình trước thông tin có bệnh nhân vào bệnh viện khám chữa, sau đó trở thành đối tượng nằm trong diện truy vết, được xét nghiệm và dương tính với SARS-CoV-2. “May mắn, lần nào cũng bình yên vô sự. Nhưng bệnh viện luôn sẵn sàng ứng phó trong tình huống xấu nhất bằng các kế hoạch cụ thể. Từ đầu mùa dịch đến nay, lực lượng y, bác sĩ đều không lơi lỏng tinh thần ứng biến trước sự cố phải đóng cửa bệnh viện, cách ly trong bệnh viện, nếu có” - điều dưỡng Lệ chia sẻ. 

Đội phản ứng nhanh số 4 của Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên đường đến Đà Nẵng để hỗ trợ các đồng nghiệp chống COVID -19
Đội phản ứng nhanh số 4 của Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên đường đến Đà Nẵng để hỗ trợ các đồng nghiệp chống COVID -19

Phía sau những tuyến đầu

Ngày 27/2/2020, toàn ngành y tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch mới bùng phát. Họ không có lễ kỷ niệm trong ngày của ngành, nhưng năm 2020 hay tới đây sẽ là những tháng ngày đáng nhớ, không chỉ đáng nhớ trong từng dấu ấn của nghề, mà còn ghi nhắc trong niềm vui được cả thế giới tôn vinh. Mỗi ngày dịch bệnh được kiểm soát, không ca nhiễm công bố đồng nghĩa với cái thở phào nhẹ nhõm. Rồi, họ dành cho người thân, gia đình, cho mình một bữa cơm gia đình, một cái ôm con trẻ, sự chia sẻ cùng người bạn đời những khoảnh khắc vốn từ lâu trở nên xa xỉ sau chặng đường dài toàn tâm chống dịch.

BS Thơ bộc bạch, trong một năm đằng đẵng và vất vả vừa qua, ai trong ngành cũng có những nỗi niềm của riêng mình khi mọi nhu cầu đều gác lại để sẵn sàng xung trận, hồi hộp đợi chờ từng diễn biến dịch bệnh. Người ta có thể chọn quay đi, rời bỏ nghề nghiệp trước một mối nguy hiểm, nhưng điều đó đã không xảy ra. Đợt dịch thứ ba bùng phát trong những ngày nhà nhà sửa soạn đón năm mới. Các y, bác sĩ lại chọn lên đường, chọn không có tết. 

Điều dưỡng Lệ cho hay, sáng 4/2, chị về nhà để gom vài bộ đồ. Các con chị mừng rỡ reo lên: “Mẹ không phải đi làm, mẹ được về nhà”. Cơn háo hức đợi mong một chuyến cùng mẹ mua sắm cuối năm, được ở gần mẹ nhiều hơn của bọn trẻ tan tành bằng câu đáp khẽ khàng, đầy ái ngại của chị: “Mẹ về lấy đồ rồi đi công tác luôn”. Hai đứa trẻ 13 và 9 tuổi rơm rớm nước mắt. Các con đã quen với những chuyến công tác xa nhà của mẹ, nhưng thật khó để sẵn lòng cho một cái tết không có tết, không có mẹ. Chị gọi cho chồng cũng đang trong chuyến công tác ở tỉnh xa, nhanh chóng thông báo tình hình rồi kịp cùng đồng đội lên đường. Gửi lại hai con về quê Long An đón tết với ông bà, gửi lại căn nhà chưa mua được một quả dưa, cái bánh hay nhành cây trang trí, chị bước vào nhiệm vụ. 

Điều dưỡng Lệ chia sẻ: “Khi được thông báo, ông xã chỉ động viên cố gắng làm tốt”. Tháng năm cùng nhau trong cuộc sống, anh thấu hiểu và dành sự ủng hộ, động viên cho vợ. Chính chồng chị đã mua đủ thực phẩm để cùng vợ tự cách ly tại nhà sau chuyến công tác tại vùng dịch của chị.

Nhân viên y tế tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 dọn dẹp đón tết cổ truyền - Ảnh: Phạm An
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 dọn dẹp đón tết cổ truyền - Ảnh: Phạm An

Hôm Viện Pasteur TP.HCM điều động vợ - BS Linh - lên hỗ trợ tỉnh Gia Lai, anh Nguyễn Văn Tân Minh đáp lại lời thông báo của vợ bằng lời hứa sẽ tròn vai hậu cứ. Những ngày đó, giáp tết, anh không khỏi lúng túng khi hai đứa con mới 9 và 4 tuổi đã nghỉ học, anh phải tự mình lo mua sắm quần áo cho các con, chuẩn bị cửa nhà để đón tết. Nhưng với anh, tình huống đó cũng đã thành thường tình. Tháng 7/2020, TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trở thành ổ dịch, vợ anh được điều động lên đường nhằm hỗ trợ đào tạo, sắp đặt, bố trí những phòng xét nghiệm chuẩn cho các địa phương này. Ngày chị trở về, căn phòng trên tầng lầu trở thành nơi tự cách ly của chị. Anh vui vẻ nhận nhiệm vụ nấu ăn, mang thức ăn đến cửa phòng cho chị. Anh cũng nhận phần vỗ về, an ủi hai đứa trẻ.

Tôi lục xem những tấm ảnh về hàng loạt chuyến lên đường chi viện cho tỉnh bạn phòng, chống COVID-19 của các y, BS TPHCM trong suốt một năm qua. Trong mỗi tấm ảnh là những con người nhỏ bé với hành trang ít ỏi, thuận tiện nhất cho sinh hoạt đang chuẩn bị lên đường. Trong họ là tấm lòng và trái tim quả cảm. Thành công trong phòng, chống dịch của Việt Nam đã được quốc tế thừa nhận. Lô vắc-xin đầu tiên cũng đã cập bờ đất nước. Nhưng, như một BS thổ lộ, cho đến khi đất nước chưa công bố hết dịch, ngành y vẫn chưa thể thong thả, các y, BS vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng ở tuyến đầu. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI