Cháy rừng tái bùng phát dữ dội ở California

28/09/2020 - 08:20

PNO - Một đám cháy rừng hôm 27/9 bị gió mạnh thổi bùng lên dữ dội ở trung tâm vùng trồng nho và sản xuất rượu vang Napa Valley phía bắc California. Đám cháy lan rộng hơn 1.000 mẫu Anh, buộc một số cộng đồng địa phương và một bệnh viện phải sơ tán khẩn cấp.

Cháy rừng lan nhanh hôm 27/9 đã bùng phát dữ dội ở vùng trồng nho Napa Valley ở tiểu bang California - Ảnh: Reuters
Cháy rừng lan nhanh hôm 27/9 đã bùng phát dữ dội ở vùng trồng nho Napa Valley ở tiểu bang California - Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters cho biết, đám cháy có tên Glass Fire đã bùng phát ở phía đông Calistoga, cách thành phố San Francisco khoảng 120 km về phía Bắc, và di chuyển nhanh về phía hai thị trấn liền kề là Deer Park và St. Helena. Ngọn lửa tiến sâu chỉ còn cách Bệnh viện Adventist Health ở thị trấn St. Helena khoảng một dặm.

Toàn bộ 55 bệnh nhân có mặt tại bệnh viện vào thời điểm đó đã được sơ tán an toàn bằng xe cứu thương và máy bay trực thăng trong vòng 5 giờ, bắt đầu từ 7 giờ sáng. Phát ngôn viên của bệnh viện cho biết, đây là lần sơ tán thứ hai trong vòng một tháng của bệnh viện 151 giường do nguyên nhân cháy rừng. Lần sơ tán thứ nhất là cháy lớn do sét gây ra ở số hạt phía bắc Vịnh San Francisco.

Theo Cục Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California (CalFire), lệnh sơ tán cũng được công bố hôm Chủ nhật (27/9) đối với một số khu vực lân cận ở hạt Napa. CalFire cho biết, đến 1:30 chiều (giờ địa phương), ngọn lửa bốc lên bởi gió mạnh và giật đã thiêu rụi khoảng 1.200 mẫu sườn đồi trồng nho. Chưa có báo cáo về thương vong.

Công ty Điện và Khí đốt Thái Bình Dương thông báo tạm thời ngừng cung cấp điện cho các đường dây tải điện ở các khu vực của 16 hạt trên khắp miền Bắc và miền Trung California – có thể ảnh hưởng đến 65.000 hộ gia đình và cơ sở kinh doanh trong khu vực - để đề phòng nguy cơ cháy rừng tăng cao do điều kiện khô nóng và gió Santa Ana thổi mạnh.

Thung lũng Napa - nổi tiếng thế giới là một trong những khu vực sản xuất rượu vang hàng đầu của California - đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi một loạt vụ cháy rừng bùng phát trong khu vực Vịnh trong vài năm qua.

Thiệt hại khủng khiếp

Những đám cháy khổng lồ từ đầu năm 2020 thiêu trụi mọi thứ trên đường đi ở California, khiến bầu trời đỏ quạch lạ lùng, khói bụi bao trùm khắp nơi, chất lượng không khí độc hại. Hỏa hoạn khiến trên 64.000 người đã phải sơ tán và 33 người đã thiệt mạng.

Kênh truyền hình CNBC dẫn ra những con số “ấn tượng”: Hơn 17.000 lính cứu hỏa chiến đấu với 25 trận cháy rừng lớn chỉ tính riêng ở California, và hơn 3,3 triệu mẫu Anh đã bị thiêu rụi trên toàn tiểu bang từ đầu năm đến nay. Hỏa hoạn đã gia tăng kể từ ngày 15/8 ở California, riêng thời gian này có 25 người chết và hơn 4.200 công trình kiến ​​trúc bị phá hủy.

Ở tiểu bang láng giềng Oregon, hơn 940.000 mẫu Anh đã bị các đám cháy rừng thiêu rụi, ít nhất 10 người chết, còn ở tiểu bang Washington, ngọn lửa đã thiêu cháy hơn 600.000 mẫu Anh. Tổng cộng, đám cháy đã thiêu rụi một khu vực rộng hơn tiểu bang New Jersey.

Nguyên nhân cháy rừng mỗi năm càng nghiêm trọng ở California (và các tiểu bang Bờ Tây nước Mỹ) được xác định là do hai yếu tố cơ bản. Thứ nhất là do biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Earth’s Future (Tương lai Trái Đất), diện tích rừng hàng năm ở California bị cháy tăng gấp 5 lần tính từ năm 1972, mà một phần nguyên nhân là do khí hậu ấm lên. Yếu tố thứ hai khiến California dễ cháy rừng hơn là do quản lý rừng yếu kém. Theo các nhà khoa học, trong thập niên 1990, ngành lâm nghiệp California thường khai thác trắng rừng, tức là khai thác toàn bộ, trong khi trong tự nhiên, rừng có nhiều loại cây đa dạng, xen kẽ cây bụi và cây to, khiến đám cháy tự nhiên dễ bị gián đoạn.

'Cháy do khí hậu'

Nguyên nhân lớn nhất của cháy rừng là biến đổi khí hậu. Không phải ngẫu nhiên có nhà khoa học gọi cháy rừng là “Cháy do khí hậu”. Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ nóng hơn và đất khô hơn, tuyết tan sớm và hạn hán kéo dài, tất cả đều là điều kiện để những đám cháy rừng vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Cháy rừng luôn là một phần của cuộc sống ở khu vực Bờ Tây nước Mỹ, đặc biệt, nơi các khu đô thị và rừng nằm sát nhau và khí hậu trong đất liền khô cằn. Khi nhiệt độ ấm lên và điều kiện khô hạn hơn – do biến đổi khí hậu - đã làm cho mùa cháy rừng kéo dài và khốc liệt hơn, với hậu quả ngày càng tàn khốc.

Jennifer Balch, Phó giáo sư địa lý tại Đại học Colorado Boulder, cho biết: “Khoa học cho thấy rõ ràng rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa sự nóng lên và sự bốc cháy nhiều hơn. Nếu chúng ta không coi trọng khoa học, về cơ bản chúng ta đang đặt mạng sống và ngôi nhà của mình trước nguy cơ to lớn”.

Rachel Cleetus, giám đốc chính sách của Chương trình khí hậu và năng lượng tại Liên minh các nhà khoa học quan tâm (UCS), cho biết thêm: “Dấu vết của biến đổi khí hậu là tất cả những gì chúng ta đang thấy ở California, Oregon và Washington. Đây là thời điểm gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về biến đổi khí hậu”.

Hoàng Diệu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI