Châu thổ Cửu Long: Quẫn trí vì sinh kế

31/05/2017 - 14:17

PNO - Chạy cũng vì manh áo, ở cũng vì miếng cơm. Cư dân vùng sạt lở bây giờ quay cuồng với con sóng đang dồn đuổi trên bờ, làm gì để kiếm sống, khi bị sông lắc đầu dung chứa.

Bán ghe, phơi lưới, tính đường trôi dạt, nhưng cũng cố thủ phập phồng chờ phép màu níu họ lại với sông, với lộ. Hình như với họ, đến giờ thì cái ăn cần hơn cái ở, cũng chính là lúc mới thấy số phận của dân vùng châu thổ đối diện ráo riết với sinh tồn đến bật máu, mang trong lòng khát vọng sống bình yên.

Tiếng vọng cho lời khẩn cầu của họ, không đến từ trời, từ sông, mà là từ nhà chức trách. Đừng để họ chờ nữa, bởi thêm ngày, trí não họ thêm một ngày bị quần đảo vì 

Chau tho Cuu Long: Quan tri vi sinh ke
Họ đang bối rối rồi sẽ làm gì để sống.

Miếng cơm bế tắc

Tôi ghé nhà ông Trần Văn Thum ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình khi ông đang ký giấy bán ghe. Một đời xuôi ngược sông nước, giờ thì đành chia tay với sông. Nghe ông nói với người mua “đưa trước 1 triệu, còn lại mấy tháng sau trả cũng được”, tưởng như thấy cánh tay ông thõng ra, buông chèo thua trắng. “Bán chứ  để làm chi. Nhà này tôi xây năm 2011, biết thế này đã không làm”, bà vợ ông xen vào, không giấu được ức tiếc.

Ông khua tay: “Nó lở quá nhanh. Xóm này bà con giăng câu lưới đang lo lắm, mấy người hỏi coi vùng nào không lở, không có nước xoáy thì chạy về đó làm lưới, bàn đi qua ngõ Campuchia để làm ăn, nhưng cũng khó. Ghe tôi bao năm nay chở hàng, chở vật, kiểu này sao neo đậu?”. Ông nhẩm tính, phân nửa trong số 230 hộ nằm trong vùng cảnh báo sạt là làm lưới.

Mùa nước bình thường, con cá đã ít, giờ thêm cuộn xoáy, nó động dễ gì lai vãng. “Bán rồi vợ chồng bác tính sao?”. “Chưa biết”. Anh Vương Cường, một người không có nhà, phải thuê nhà một chủ đang làm ăn ở Bình Dương, tặc lưỡi: “Số mình xui thiệt, mới vay năm kia mua cái ghe đi lưới, giờ không lẽ phơi luôn, mà đi chỗ khác thì con cái không học được, nhưng không đi thì lấy gì mà sống?”. “Nhưng đi thì đi đâu?”. “Nghĩ chưa ra, khó quá, nhiều người đang bàn…”.

Chau tho Cuu Long: Quan tri vi sinh ke
Nhà mới của dân sạt lở chợ Mỹ Hội Đông đang xây, nhưng ở cuối đường, không dễ buôn bán.

Bàn gì, anh chẳng nói thêm. Bế tắc. Hôm qua ở An Giang, người ta nói bà Nguyễn Thị Sầm, người trong clip nhà trôi huơ tay kể phút kinh hoàng ấy, đã về Sa Đéc ở với người thân, bởi không thể chịu nổi cảnh ngồi ở đây nhìn nhà cửa của mình nằm dưới sông đó mà mình mang thân ở đậu. Chưa rộ lên, nhưng rồi sẽ có người đi nữa, vì cái bụng réo gào.

Bao năm bình yên, giờ thì sóng đã bủa tứ bề trong nỗi lo cơm áo. Thở dài cạnh xe nước mía, bà Tám Hương than: “Giờ ra đi chắc cô lên Sài Gòn quá”. Qua tuổi 60 rồi, không có ruộng, phải nuôi hai đứa con đang học, bà lên thành phố thì làm được gì? Cạnh nhà bà là quán nước của bà Nguyễn Thị Thẩm. Bà u sầu: "Tôi thì chẳng biết rồi sẽ làm gì mà thêm vợ chồng thằng con nữa, làm điện, sửa xe như nó, xóm này cũng có mấy đứa, không bám lộ mở tiệm, nhất định đói. Cả tháng, ngó sông lở tối mắt, bụng như đốt lửa, nghĩ có ngày sẽ ngửa tay xin cứu trợ, mình không có ruộng, chẳng phải tật nguyền mà không làm ra đồng bạc để sống, nghĩ bức lắm luôn...".

Hình như, bây giờ đất và sông không nghe lời thở than nữa. Từ năm kia, khi hạn mặn tấn công, bao làng quê miền tây đã vắng càng thêm vắng, giờ thêm sạt lở rùng rùng, thì rồi đây, những dòng người mang ý nghĩ như bà Tám Hương, sẽ đổ về thành phố, bỏ lại những đứa trẻ thiếu mẹ cha, sống lay lắt suy dinh dưỡng, bỏ học, bị xâm hại, dính tệ nạn, những cô gái thương gia đình, quờ quạng tìm tương lai xứ người, trôi dạt tấm thân, còn những ai lên thành phố kiếm sống, sẽ sung vào đội quân nhập cư với bao nhiêu hệ lụy, khiến sự ngột ngạt càng thêm bức bối. Nhưng biết làm sao. Càng ngày càng thấy, một tiếng động ở biển, cũng đủ làm tán lá trên núi cao rung nghiêng.

Tôi nhớ hôm qua, chị Nguyễn Thị Liễu ở Mỹ Hội Đông (An Giang), bỏ dở nồi cháo đang bán, trần tình xong rồi dẫn tôi ra sông, để mục sở thị căn nhà đã bao năm nuôi mẹ con chị. Không được ở nữa, chị thuê chỗ bán cháo, tiền ở đậu một tháng 500 ngàn. Chị Liễu nói: “Nhà em đây”. Chị thả người cái bịch xuống thềm nhà trống hoác. Nhà mình bây giờ như người dưng. Xót xa đang dâng lên mắt.

“Lúc ở đây thu nhập được lắm, nhưng một tháng rồi, em không làm chi được. Đang làm ăn ngon lành, giờ góp lượm mấy đồng bạc lẻ, bữa có bữa không, cứ cái kiểu này, tiền đâu làm nhà mới, con cái sống ăn học sao đây?”. Kẻ có nghề cũng than, người không nghề càng khóc. Bà Nguyễn Thị Loan cứ hết dở ra rồi đội vào cái nón lá, nhưng cố giãn đi nỗi âu lo đang kéo co: “Vợ chồng cô không miếng đất chọi chim, làm mướn, chỗ ở không có, hết ngày lại đêm cứ nghĩ thà nó lở luôn nhà mình khi mình ở trong đó, chết cho khỏe xác”.

Dân đầu nguồn sông Hậu sông Tiền cuống cuồng lo, nhưng cuối nguồn ở miệt biển, nào có thua gì. Tôi ra bãi tắm Cồn Ngoài ở ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, nơi hai tháng trước, triều cường cao hơn 4m phá tan tành đê biển, nhà dân. Đắp lên đắp xuống bao lần, và nói như chủ tịch xã Trần Văn Lâm, là vô phường Nhà Mát ở Bạc Liêu học mô hình kè biển về kè giữ hai mố cầu số 1 dài 160m, tiền là 8 tỷ, sau một đêm, sóng phá nát 70m, mà  cũng ngày đó, cái kè mà tụi tôi tham quan học hỏi đó, cũng trôi ra biển.

Chỉ một đêm, 5ha dưa hấu, củ cải, hai trụ điện trung và hạ thế,  hai ngôi nhà, chôn hết dưới bùn. Cảnh tượng đá gạch trộn bùn bày ra trước mắt. Bà Nguyễn Thị Phương cắp nón lá le te chạy đến. Nhà bà bây giờ như bị pháo dội, lở lói, trơ gạch và mấy cái dầm. Hai giờ sáng, sóng đánh. May mà đêm đó sợ quá, nên ở nhờ, sáng ra nhìn nhà mà tay chân cứng đơ không thốt nổi một tiếng kêu.

Nhà bà là quán nhậu, tính rằng làm hết năm này là trả nợ xong 30 triệu cho ngân hàng, giờ biết làm sao? Cả gia đình phải ở nhờ nhà người thân. Ngồi trên đống gạch đổ, dưới chân là bùn, mắt ngóng ra biển, vô vọng, giấc mơ hồi sinh biết bao giờ trở lại nơi bà, nơi những người dân châu thổ như sẻ đàn tan nghé trong nỗi dập vùi của nước. 

Chau tho Cuu Long: Quan tri vi sinh ke
Đây là chỗ ở đậu của bà Huỳnh Thị Sẩm ở Mỹ Hội Đông, An Giang sau khi bà mất nhà

Sự im lặng chết chóc

Dưới kia, mặt sông im, lục bình lững lờ. Nhưng đáy sông cuộn xoáy. Sự im lặng chết chóc đang dồn đuổi họ. Và bây giờ, sóng trên bờ đang len vô từng giấc ngủ, mâm cơm bấp bênh của từng gia đình. Tôi rà lại những chỉ thị của cấp trên, câu chuyện sinh kế của dân, chỉ khoanh vùng rằng, lo tính mạng và chỗ ở của dân. Chấm hết. Trả lời tôi qua điện thoại, ông Vũ Minh Thao, Phó chủ tịch huyện Chợ Mới thiệt lòng: “Xã huyện chỉ lo nổi chỗ ở thôi em, đảm bảo tính mạng cho bà con, tầm mình chỉ tới đó”.

Chưa thấy một phương án nào tính giúp họ, nếu như phải chạy lở, mất hết  công ăn việc làm, thì cơ hội nào sẽ đến để họ bấu víu cho miếng cơm từng bữa không phập phù? Họ phải tự bơi. Ông Trần Thanh Phong, Chủ tịch xã Mỹ Hội Đông rầu rầu: “16 hộ nhà sụp, đã được cấp đất làm, còn lại xã đang thi công khu tái định cư, chừng hai tháng nữa những hộ còn lại sẽ có nhà. Nói thiệt, khó lắm sinh kế, bà con ở đó buôn xi măng, lò heo, tiệm ăn, bán bánh tét bao năm qua, rồi như cửa hiệu xe máy Vũ Linh hàng trăm chiếc, giờ bỏ hoang, ổng phải thuê chỗ đất rộng mà bán. Phải gầy dựng lại hết. Quỹ đất của xã ở chợ không còn, nên bà con phải xuống cuối lộ, lâu dài đường mở, họ mới có thể làm ăn được, thời buổi buôn bán, mất đi thương hiệu dễ hơn làm nên…”. 

Tôi lội về đó, gạch đá ngổn ngang, ai cũng gấp rút làm, chứ mưa bắt đầu rồi. Chị Nguyễn Thị Thu Loan đang coi thợ xây, chồng đi làm công nhân ở Bình Dương. “Hết chừng 150 triệu, cũng vay chứ không đủ, hy vọng nhà nước sau này cho vay tiếp, chứ tụi tôi buôn bán ở chợ, mà giờ xuống đây là thua rồi”. Chị muốn vay để đi tìm nguồn hàng mới, làm mới  hơn, chứ ở chợ trên, người ta buôn bán ê hề ra đó, mình không làm khác đi, ai đến nữa, khi khách quen giờ mất rồi.

Cạnh nhà chị là nhà bà Lê Thị Tình. Bà nói như cầu ước: “Tôi có nói với khách quen, là tôi sẽ mở tiệm cơm lại, nghe xã nói đây là đường chính trong tương lai, còn bao giờ đông đúc, thì làm sao tôi biết”. Những tiếng thở dài nối nhau. Mất nhà thì mất miếng ăn. Cho nên, không trách họ… cố thủ, khi câu chuyện sinh kế của dân, chính quyền cũng bối rối, nói gì chuyện ngăn sông lở.  

Còn dân “bám trụ” ở Đồng Tháp cũng giăng ra cho chính quyền bài toán hóc búa. Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó chủ tịch xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp nói ngay: “Lo lắm, ở sông thì không giăng câu lưới, ở lộ thì mất buôn bán, lên cụm dân cư là thua luôn, nhưng không thể ở đó được. Đứa em của em nói ngồi giặt đồ mà nghe nước róc róc dưới chân, rầy nó thì nói cố thủ…”.

Ai mà không sợ chết, nhưng chưa chết thì chưa đi, bởi bám một ngày thì còn có miếng ăn, vô khu tái định cư, dân buôn bán, làm lưới, đất không có, sống bằng gì? Thúc thủ. Những người tôi gặp ở  đấy đều nói “để coi”.  Ông Năm Vui nói cứng: “Tôi tin nhà nước làm được, vì đây là đường huyết mạch lên biên giới, đâu có dễ dàng bỏ nó, nên tụi tôi cứ bám, bao giờ nhà nước kêu đi thì đi. Nhưng nói thiệt, mình tự lo kiếm ăn thôi, mạnh ai nấy tính à. Giờ thì chưa sụp, còn nằm được, còn làm ra tiền, nên cứ chờ, chỉ mong là không đi…”.  Chỉ có ông chủ quán cà phê là trào lộng: “Đi đâu cũng uống cà phê”. Một người bác: “Vô khu dân cư, mặt bằng đâu mở quán?”. “Để rồi coi”. 

Tôi nhìn ông, không nghĩ đó là quyết tâm nói chơi, mà đó là chuyện sinh-tử họ tự xử. Bị dồn đuổi tới nơi rồi, sống chết cũng phải bám. Các chuyên gia cảnh báo: mùa mưa đã tới, sạt lở sẽ nghiêm trọng hơn. Đi về đâu, áo cơm? Riết róng những cái nhìn bó gối dọc theo con nước. Những vùng tôi đi qua từ đầu nguồn đến cuối sông, chính quyền và bà con đều mong, làm sao kè đê vững bền để ở yên mà làm ăn.

Một cán bộ sở GTVT tỉnh Đồng Tháp khái toán: “1 km, tốn chừng 90-100 tỷ, đó là ở vùng có dòng xoáy ở dưới…”. Có bao nhiêu dòng xoáy theo suốt chiều dài gần 900km bờ biển đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở với hàng triệu người đang sống ở đó? Mà đâu chỉ dân chạy tán loạn tìm đất tìm kế sinh nhai, lở đất khiến hạ tầng vùng châu thổ bị đảo lộn nghiêm trọng. Giữ đất mới giữ được dân. Đây là câu chuyện chính trị chứ đâu đơn thuần là dân sinh. Bài toán chống sạt lở vẫn chưa có lời giải. Dân thì ngóng chờ một phép màu giải cứu không phải ra đi khỏi đất quê chốn cũ, bởi nói như  bà Thẩm là “nếu kè được sông, dân mở tiệc ăn mừng”. Có người bạn hỏi, về miền tây có bao giờ nhậu châu chấu rang giòn chưa? Chưa, chỉ nhớ thơ Nguyễn Quang Thiều: “Nghe vọng lại mùa châu chấu đói - xòe cánh bay qua vòm họng người nghèo”… 

Ông Trần Thanh Phong, chủ tịch xã Mỹ Hội Đông cho biết: mỗi hộ sụp nhà, mất nhà được hỗ trợ 40 triệu đồng. Đất nền bán giá 35 triệu, 5 năm đầu không phải trả, từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm trả 7 triệu. Ai trả tiền liền, được hạ xuống 21 triệu/nền.

Tại xã Bình Thành, mỗi nền nhà giá 226 ngàn/m2, tùy theo diện tích, trả chậm trong vòng 10 năm. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó chủ tịch xã thì các khu tái định cư đang được thi công, nhưng tiến độ chậm vì nguồn cát thiếu hụt, do việc khai thác cát đang bị siết chặt, dù địa phương hợp đồng mua có địa chỉ rõ ràng.

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI