Đồng bằng sông Cửu Long: Mỗi năm sạt lở hơn 500 ha đất

29/05/2017 - 15:00

PNO - Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 406 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 891km; trong đó, sạt lở nguy hiểm là 17 đoạn.

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 406 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 891km; trong đó, sạt lở nguy hiểm là 17 đoạn. Đặc biệt, tình trạng sạt lở có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư, tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

Dong bang song Cuu Long: Moi nam sat lo hon 500 ha dat
Những ngôi nhà chỉ còn nền lở lói ở Mỹ Hội Đông (Chợ Mới, An Giang).

14 nhà dân, 108 hộ dân đã được sơ tán khẩn cấp sau khi xảy ra hai vụ sạt lở bờ sông Vàm Nao, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang ngày 22/4. Thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở ở các tỉnh ven sông Tiền và sông Hậu đã đẩy hàng ngàn hộ dân vào cảnh tan cửa nát nhà.

UBND tỉnh An Giang cho biết, hiện toàn tỉnh có 51 đoạn có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài hơn 160km (chiếm 40% đường bờ sông trên địa bàn). Trong đó, 15 đoạn dài 30km nằm trong tình trạng sạt lở nguy hiểm, uy hiếp hơn 20.000 hộ dân, tạo nhiều áp lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Riêng hai năm 2015 và 2016, An Giang có 38 vụ sạt lở bờ sông, cuốn trôi 142 căn nhà, thiệt hại trên 100 tỷ đồng. 

Tại Đồng Tháp, chuyện sạt lở cũng đang gây cảnh điêu đứng cho rất nhiều người dân ở những xóm làng ven sông. Thời gian gần đây, sạt lở xảy ra liên tiếp tại 45 xã, phường. Từ đầu tháng Tư đến nay, tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình đã xảy ra bốn vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng với chiều dài khoảng 2.300m, ăn sâu vào đất liền, gây ảnh hưởng đến 200 hộ dân và một số kho bãi.

Nguyên nhân sạt lở được xác định là do bờ phải thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang bồi lắng; khu vực sạt lở nằm ngay ngã ba Cồn Én của huyện Thanh Bình; đoạn sông cong, dòng chảy đâm thẳng vào bờ phía xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, kết hợp nền đất yếu nên gây sạt lở xoáy hàm ếch, độ sâu nơi sạt lở đo được hơn 10m. Trước diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp, UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu người dân nhanh chóng di dời đến nơi an toàn. Theo nhận định của ngành chức năng, sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.

Từ đầu năm đến nay, tình hình sạt lở ở Bạc Liêu tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó tuyến kè Gành Hào (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) đã bị sạt lở hơn 94m, diện tích sạt lở 940m2, gây nguy cơ vỡ đê kè rất cao, uy hiếp trực tiếp 1.000 hộ dân sinh sống trong khu vực lân cận. UBND tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ 340 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa các trọng điểm sạt lở.

Trung bình mỗi năm khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở hơn 500ha đất. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khiến nhiều người không khỏi giật mình, bởi một ngày không xa, khu vực này sẽ trở 
thành… biển. 

Thủy điện thượng nguồn: thủ phạm gây sạt lở

Sạt lở diễn ra ở cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay được xác định do nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân tại chỗ là do các hố xoáy, lưu thông đường thủy, khai thác cát, xây dựng khu dân cư hạ tầng kiên cố tạo lực ép lên bờ sông… Bên cạnh đó, nguyên nhân quan trọng khác là do thủy điện gây mất cân bằng hệ thống. Việc xây dựng 11 đập thủy điện từ thượng nguồn sông Mê Kông đã chặn cát và phù sa mịn lưu thông đổ về đồng bằng. 

Trước năm 2009, ước tính mỗi năm nguồn cát và phù sa mịn đổ về đồng bằng khoảng 160 triệu tấn/năm. Cát là vật chất để giữ các bờ sông và bờ biển tại Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, phù sa mịn sẽ kiến tạo các bờ biển, bãi bùn tại Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Khi 11 đập thủy điện ở thượng nguồn xây xong, lượng cát và phù sa đổ về đồng bằng chỉ còn 40 triệu tấn/năm và sẽ tiếp tục giảm dần sau đó.

Ông Nguyễn Hữu Thiện

(chuyên gia nghiên cứu sinh thái đồng bằng sông Cửu Long)

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI