Chấn thương phần mềm, nên chườm nóng hay chườm lạnh?

26/01/2021 - 06:03

PNO - Trong 3 - 5 ngày đầu, khi vết thương đang ở giai đoạn cầm máu, nên chườm lạnh để mạch máu co lại. Sau đó, mới chườm nóng để làm giãn mạch.

* Ba tôi bị té cầu thang làm chân bầm, sưng tấy. Má tôi lấy dầu nóng và thuốc rượu thoa cho ba tôi cách mỗi hai tiếng, nhưng chân của ba càng sưng và đau nhức hơn. Tôi ngăn không cho má dùng cách này, và lấy nước đá chườm vào vết thương. Tuy nhiên, má tôi la “xưa nay toàn trị sưng đau bằng dầu nóng, có ai bị gì đâu?”. Nhờ bác sĩ tư vấn, khi bị chấn thương phần mềm thì nên xử lý như thế nào và nên chườm nóng hay chườm lạnh? 

Ngô Ngọc Thủy (tỉnh Kiên Giang)

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trả lời: Người dân thường có thói quen sử dụng một số phương pháp dân gian như dùng mật gấu, dầu nóng, bó thuốc… để điều trị chấn thương. Những cách này không có tác dụng giảm sưng mà còn có thể gây phỏng da, khiến vết thương sưng, phù nề nhiều hơn.

Chấn thương phần mềm (cơ, dây chằng, gân, da và các mô bao quanh…) là chấn thương thường gặp do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, té ngã… Chấn thương này gây bầm, phù nề, sưng đau… Nếu được xử lý ban đầu đúng cách, triệu chứng giảm tức thì sẽ giúp tổn thương nhanh hồi phục. Ngược lại, điều trị sai cách có thể khiến vết thương nặng hơn, nhiễm trùng, ảnh hưởng đến chức năng của khớp, khó khăn trong điều trị và vận động, sinh hoạt.

Cách xử lý đúng là: ngay sau khi bị chấn thương, cần cố định vết thương, nghỉ ngơi, ngưng vận động để giảm tổn thương mô. Có thể sử dụng túi chườm lạnh để giảm sưng đau, giúp vết thương không lan rộng. Nên băng ép đúng cách và gối cao bộ phận cơ thể bị thương để giảm phù nề. Trong khoảng 1 - 3 ngày, nếu tình trạng không được cải thiện, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Còn việc chườm nóng hay lạnh, thì trong 3 - 5 ngày đầu, khi vết thương đang ở giai đoạn cầm máu, nên chườm lạnh để mạch máu co lại, cô lập vùng chấn thương và giảm sưng. Sau khi chuyển sang giai đoạn sửa chữa, tái tạo mô thì mới chườm nóng để làm giãn mạch, tăng cường dòng máu tới phục hồi vết thương.

Khánh Phương (ghi)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI