Chân dung giáo sĩ đứng sau cuộc đảo chính và mối thù lâu năm với tổng thống Erdogan

16/07/2016 - 16:23

PNO - Giáo sĩ Hồi giáo lưu vong, từng là đồng minh thân cận và cũng là người có mối thù lâu năm với Tổng thống Erdogan , bị cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành nhằm lật đổ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc đảo chính do một nhóm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tối 15/7 ở thủ đô Ankara và thành phố lớn nhất Istanbul nổ ra bất ngờ, nhưng đã nhanh chóng thất bại.

Hãng tin nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu cho rằng, lãnh đạo chủ chốt trong cuộc đảo chính bất thành này là Đại tá Muharrem Kose, mới bị sa thải hồi tháng 3 với cáo buộc cấu kết với phần tử của phong trào của Giáo sĩ Fethullah Gulen chống chính phủ.

Tổng thống Erdogan cũng nói rằng, cuộc đảo chính cho thấy phong trào Gulen là một tổ chức khủng bố có vũ trang, và cáo buộc nhóm đảo chính nhận lệnh từ Fethulla Gulen, giáo sĩ dẫn đầu phong trào Gulen.

Tình bạn tan vỡ dẫn tới sự bài trừ lẫn nhau

Fethullah Gulen (75 tuổi) sống lưu vong tại vùng núi Poconos ở Saylorsburg, bang Pennsylvania (Mỹ) từ năm 1999 và bị buộc tội phản quốc, sau khi rời bỏ Thổ Nhĩ Kỹ giữa lúc bị cáo buộc có các hoạt động Hồi giáo cực đoan dù trước đó từng là đồng minh của ông Erdogan.

Mặc dù sống ẩn dật nhưng ông ta vẫn có mối liên hệ sâu xa với tình hình chính trị, quân sự, tư pháp, truyền thông ở Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Hồi giáo khác trên toàn thế giới.

Chan dung giao si dung sau cuoc dao chinh va moi thu lau nam voi tong thong Erdogan
Giáo sĩ Fethullah Gulen, hiện sống lưu vong tại bang Pennsylvania (Mỹ)

Gulen là người đứng đầu phong trào tôn giáo và xã hội xuyên quốc gia mang tên ông. Phong trào này được cho là đã lan rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới, với nguồn kinh phí hoạt động lên tới một tỷ USD.

Theo AFP, ông Gulen là kẻ thù chính trị lớn nhất của Tổng thống Erdogan, dù từng là đồng minh của Tổng thống Erdogan, hỗ trợ ông ngồi vào ghế thủ tướng, sau đó là tổng thống. Ông Erdogan từng ngầm thỏa thuận với Gulen để phong trào này hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ, đổi lại Gulen sẽ sử dụng tiếng tăm, nguồn lực của mình hậu thuẫn cho ông Erdogan trên con đường chính trị.

Trong thời kỳ đó, phong trào Gulen thu hút được sự ủng hộ của nhiều người, kể cả các quan chức cấp cao trong lực lượng cảnh sát và tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ. "Cuộc tình" giữa hai người kết thúc khi ông Erdogan dần cảm thấy bất an với quyền lực ngày càng lớn của phong trào Gulen.

Chan dung giao si dung sau cuoc dao chinh va moi thu lau nam voi tong thong Erdogan
Ông Gulen và Tổng thống Erdogan chuyển bạn thành thù khi những bất an về quyền lực trỗi dậy .

Năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ mở một cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào ông Erdogan, khi đó là thủ tướng, và những phụ tá của ông. Erdogan tố cáo ông Gulen đã dàn xếp vụ bê bối này.

Sự bất hoà kéo dài nhiều năm giữa 2 người được mở rộng ra sau khi chính phủ của ông Erdogan tiến hành một loạt cuộc phản công, ra kế hoạch bãi bỏ các trường dự bị tư nhân, gồm cả các trường thuộc phong trào giáo dục và văn hoá Hizmet của ông Gulen.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa nhiều trường học thuộc Hizmet và sa thải 2.000 cảnh sát ủng hộ giáo sĩ Gulen. Ông Erdogan còn thông báo kế hoạch cho phép chính phủ giám sát chặt chẽ hơn đối với các thẩm phán chịu sự ảnh hưởng của ông Gulen.

Khoảng 1.800 người có liên quan đến ông Gulen đã bị bắt trong chiến dịch đàn áp hai năm qua, trong đó có 750 sĩ quan cảnh sát, 80 binh sĩ. 280 người trong số này vẫn đang phải ngồi tù.

Chan dung giao si dung sau cuoc dao chinh va moi thu lau nam voi tong thong Erdogan
Tổng thống Erdogan và các quan chức chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen chỉ đạo vụ đảo chính ngày 15/7

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ còn huỷ hộ chiếu của ông Gulen vì những mối thù với Tổng thống Erdogan. Ông Erdogan và đảng AK cầm quyền còn cáo buộc ông Gulen cố thành lập một nhà nước tại Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi dẫn độ giáo sĩ này về từ Mỹ.

Năm 2015, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiếp quản 22 công ty trong đó có 2 đài truyền hình thuộc công ty Koza Ipek, có liên quan với ông Gulen. Đầu năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ cũng kiểm soát luôn tờ báo Zaman vì báo này bị cáo buộc trung thành với ông Gulen.

Hồi tháng 10/2015, các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị toà tối cao ra phán quyết tù chung thân đối với ông Gulen. Ông Erdogan hồi tháng 5 còn thông báo đưa phong trào của ông Gulen vào danh sách khủng bố, theo hãng thông tấn Anadolu.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ Gulen âm mưu thiết lập một "nhà nước trong nhà nước", song ông Gulen phủ nhận và cho biết chỉ muốn cải cách dân chủ, đối thoại giữa các tôn giáo với nhau. Ông nói rằng, ông cũng giống nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ, đã trải qua nhiều cuộc đảo chính và cảm thấy "bị xúc phạm" khi bị cáo buộc có liên quan.

Minh Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI