Chân cầu liên miên gây họa, dân kêu hoài không ai nghe

05/10/2016 - 09:50

PNO - Đầu tháng Chín vừa rồi, một em học sinh chạy xe đạp ngang qua cũng bị té đập mặt xuống đường. Có hai cha con đi xe máy cũng bị té, con bị chấn thương đầu rất nặng, cha thì máu me khắp người.

“Chứng kiến hàng chục vụ tai nạn giao thông ở chân cầu này, chúng tôi đau xót vô cùng. Vậy mà nhiều tháng nay, chúng tôi phản ánh nhiều nơi nhưng không thấy ai giải quyết. Nếu không cơ quan nào đứng ra sửa chữa chân cầu này, bà con ở đây sẵn sàng hùn tiền đổ bê tông, miễn sao đừng ai làm khó”, bà Nguyễn Thị Sáu, 67 tuổi, sống cạnh chân cầu Phú Thuận, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM bức xúc nói.

Đếm không xuể người bị tai nạn

Gia đình bà Sáu gồm chị em bà và con cháu sống cạnh chân cầu Phú Thuận (hướng từ đường Huỳnh Tấn Phát vào đường Phú Thuận). Hơn một năm nay, từ khi chân cầu bị sụt lún, tạo khe hở từ 5 - 15cm giữa mặt đường và dốc cầu thì không biết bao nhiêu lần, bà Sáu và các con cháu phải cùng nhau sơ cứu, gọi xe cấp cứu đưa người bị nạn đến bệnh viện.

Dẫn chúng tôi đi xem những vết nứt, lún ở giữa chân cầu Phú Thuận, bà Sáu bức xúc nói: “Khổ lắm, cứ cách một hai ngày lại có người bị té, thậm chí có ngày xảy ra hai - ba vụ, bất kể giờ giấc nào, nạn nhân phần đông là phụ nữ, học sinh, không thể nào đếm xuể. Có người ngã sóng soài, được chúng tôi dìu vào nhà ngồi hơn nửa tiếng vẫn không thở nổi; có người xây xát, máu me khắp thân thể, người thì giập môi, gãy răng, cắn lưỡi.

Mới tối hôm kia (26/9), một người đàn ông đi xe đạp bị té xây xát hết mặt mày, tét mí mắt, máu chảy đầm đìa. Đầu tháng Chín vừa rồi, một em học sinh chạy xe đạp ngang qua cũng bị té đập mặt xuống đường. Sau đó vài ngày, có hai cha con đi xe máy cũng bị té, con bị chấn thương đầu rất nặng, cha thì máu me khắp người, chúng tôi đã giữ giúp xe, hỗ trợ đưa hai cha con đi cấp cứu, không biết đứa bé giờ sao rồi”.

Nạn nhân gần đây nhất mà nhiều người nhắc đến là hai cha con anh Lê Duy Hoài (H.Nhà Bè), đã hơn ba tuần trôi qua nhưng vết thương trên trán bé Lê Bảo Duy (bảy tuổi) vẫn còn gây đau âm ỉ. Chỉ vào vết sẹo hằn sâu do phải khâu hơn 10 mũi từ đỉnh đầu đến mí mắt con trai, anh Hoài đau xót: “Đến giờ bé vẫn sợ ra đường, mỗi khi đội mũ bảo hiểm là nó ôm chặt lấy tôi”.

Chan cau lien mien gay hoa, dan keu hoai khong ai nghe
Bé Lê Bảo Duy (bảy tuổi) lúc bị té và chấn thương phần đầu

Nhớ lại vụ tai nạn xảy ra tối ngày 4/9, anh Hoài chưa hết bàng hoàng kể: tối hôm đó, anh đón con đi học về, hướng từ đường Huỳnh Tấn Phát về Phú Mỹ Hưng, xe chạy với tốc độ chỉ khoảng 28km/g, đến chân cầu Phú Thuận thì bị nạn do độ chênh giữa cầu và đường.

Toàn thân và đầu anh Hoài bị xây xát, phải khâu sáu mũi, cháu Duy bị đập đầu xuống đường, chảy máu rất nhiều. “May là chúng tôi vẫn giữ được mạng sống, nhưng không hiểu sao đến giờ vẫn chưa có đơn vị nào sửa lại mặt đường ở mố cầu”, anh Hoài chưa hết bàng hoàng.

Vì sao chậm sửa chữa?

Theo quan sát của chúng tôi, tại đây, ngoài việc chân cầu bị xuống cấp, ban đêm đèn đường trên cầu còn tắt ngủm, càng làm tăng thêm nguy cơ mất an toàn cho người đi đường. Vì sao chi phí sửa chữa khiếm khuyết dưới chân cầu không lớn (chỉ là dặm vá) mà đã hơn một năm qua, đơn vị quản lý không chịu khắc phục?

Theo nhiều người dân, có thể do sự đùn đẩy trách nhiệm của các đơn vị quản lý. Anh Nguyễn Hùng Tài, chủ quán cơm cạnh chân cầu này cho biết, đoạn đường Phú Thuận dài chưa đầy một cây số nhưng thuộc sở hữu của nhiều đơn vị, “ông” thì quản lý cây cầu, “ông” thì quản lý đường bên này cầu, “ông” khác lại quản lý đường bên kia cầu.

Do vậy, chân cầu phía bên kia cũng hư hỏng nhưng đã được sửa chữa, còn bên này thì không. Cả đèn chiếu sáng cũng vậy, bên thì có, bên thì không. Cuối cùng, người dân phải lãnh hậu quả.

Chan cau lien mien gay hoa, dan keu hoai khong ai nghe
Mặt đường ở chân cầu sụt lún, nhấp nhô là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn cho người dân

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đoạn đường Phú Thuận hiện do Công ty TNHH Riviera Point (Q.7) quản lý, riêng cầu Phú Thuận vừa được Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt bàn giao cho Sở Giao thông Vận tải TP.HCM mà trực tiếp là Khu quản lý giao thông đô thị số 4 (gọi tắt Khu 4) quản lý. Như vậy phần chân cầu hư hỏng thuộc trách nhiệm của ai?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Vinh - Giám đốc Khu 4 cho biết, theo bản vẽ thì vị trí hư hỏng thuộc phần đường Phú Thuận do Công ty TNHH Riviera Point quản lý; cầu Phú Thuận đã được bàn giao cho Khu 4 nhưng hệ thống chiếu sáng vẫn chưa được bàn giao nên không thể xử lý được. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người dân, Khu 4 sẽ hỗ trợ dặm vá các khiếm khuyết ở chân cầu trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, ngày 9/9, UBND Q.7 đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Riviera Point khắc phục ngay các hư hỏng trên đoạn đường Phú Thuận, trong đó yêu cầu công ty này phải dặm vá, sửa chữa các hư hỏng mặt đường, vận hành hệ thống đèn chiếu sáng công cộng và liên hệ Sở GTVT để nghiệm thu, bàn giao tuyến đường Phú Thuận. Thế nhưng đến nay, đoạn đường ở chân cầu vẫn còn là cái bẫy đối với người đi đường.

Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI