Câu chuyện tình yêu: Lòng an, đâu cũng là nhà

31/07/2022 - 06:00

PNO - Vì cảm mến sự hiền lành, ấm áp của anh nhân viên Võ Bá Nhật, sau vài năm làm việc chung, bà chủ Lê Thị Túy “hốt” luôn anh về làm chồng. Hiện tại, đời sống hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ luôn bình thản, tự tại và hài hòa.

Có nhà hay không, không quan trọng 

Lâu lắm rồi tôi mới gặp lại vợ chồng anh Nhật và chị Túy kể từ lần đầu gặp nhau dưới vòm cây đầy ánh sáng ở Nguyệt Biều (ngôi làng cổ nằm phía tây nam thành phố Huế với đặc sản bưởi thanh trà nổi tiếng).

Câu chuyện ngày gặp lại loanh quanh trước hết ở chuyện nhà cửa vì dù gì, với bất kỳ đôi vợ chồng nào ở ngưỡng 40 mà chưa có một nơi chốn để định cư, một mái nhà cũng là nỗi niềm đau đáu.

Vợ chồng anh Nhật - chị Túy và con trai
Vợ chồng anh Nhật - chị Túy và con trai

 

Lần ấy, anh chị vừa mới cưới, đang ở nhờ căn nhà của ba mẹ chị Túy. Ở giữa vườn bưởi xanh mát, hai vợ chồng cải tạo ngôi nhà, dựng thêm vài chiếc chòi lá rồi mở một nhà hàng chay nho nhỏ. Khách của quán không nhiều, hầu như chỉ xoay vòng một vài bạn bè thân quen thích ẩm thực chay và những khách Tây ghé thăm ngôi làng cổ vào mùa du lịch.

“Vợ chồng mình không chạy quảng cáo, không nôn nóng, không quan tâm nhiều đến việc truyền thông. Khách ít nhưng ổn định là bọn mình sống được. Vợ mình vẫn luôn vui vẻ, chăm chút từng bữa ăn khách đặt. Mình thì càng có điều kiện hơn trong việc giúp vợ chọn nguồn nguyên liệu xịn, hữu cơ. Bọn mình không có nhu cầu xài tiền nhiều nên khá tự tại, bình an” - anh Nhật chia sẻ.

Đắm mình trong không gian rộng thoáng, nhiều cây xanh và rộn tiếng chim, được bước đi trên những tấm thảm xơ dừa đan thủ công, kích thước lớn vận chuyển bằng máy bay từ miền Tây ra Huế, tôi cảm nhận được sự đầu tư của anh chị cho hai chữ thanh bình. “Huế thuộc dải đất miền Trung, vào mùa hè nắng khô như chảo lửa, bọn mình nghĩ rất lung mới tìm được thứ vật liệu giảm bức xạ nhiệt vừa trang nhã vừa bảo vệ môi trường như những tấm xơ dừa này. Khách đến quán, ăn chay tịnh, ngồi trong không gian thơ mộng thì mọi chi tiết đều phải thơ mộng, thân thiện.

Khách không thể dẫm lên cỏ tươi, càng không thể ngồi trên những thảm cỏ nhân tạo. Bọn mình không xài hoang phí nhưng thứ gì dù tốn nhiều tiền mà cần thiết cho cộng đồng và môi trường, bọn mình sẽ cố xoay xở” - chị Túy tiếp tục câu chuyện.

Kiến tạo không gian sinh sống và làm ăn ở ngôi làng cổ được gần bốn năm thì gia đình bên ngoại phát sinh công chuyện nên vợ chồng anh Nhật và chị Túy phải chuyển chỗ, tìm về phố thuê nhà.

Nơi ở hiện tại của họ là một căn nhà nhỏ nhưng khá mới và xinh đẹp, nằm cuối một con hẻm nở đầy hoa. Anh chị ngăn nhà thành hai phần: nửa trước đặt vài chiếc bàn bán thực phẩm chay, nửa sau dùng để ở.

Chị Túy tâm sự: “Hiện tại, vợ chồng mình chưa đủ điều kiện để xây nhà riêng nhưng chúng mình đã nghĩ về nó. Xây nhà không phải là câu chuyện cày cuốc sấp mặt để trả nợ lãi ngân hàng sau khi đã vay mượn, thuê người xây lên những hộp bê tông vô hồn vía, người sống trong đó đầy lo lắng, ưu tư và ngột ngạt. Nhà của chúng mình phải là một nơi đi về an ổn, gắn bó. Mọi ngóc ngách trong căn nhà ấy đều phải xứng đáng để mình nâng niu, yêu thương. Với vợ chồng mình, nhà to hay nhỏ, có hay chưa không quan trọng bằng sự yên bình trong lòng. Chỉ cần tâm an thì đâu cũng là nhà, chuyện gì cũng sáng tỏ”.

Chị Túy luôn gửi yêu thương vào từng món ăn
Chị Túy luôn gửi yêu thương vào từng món ăn

Yêu thương cũng cần sáng tạo 

Có lẽ vì hơn tuổi chồng nên trong cách cư xử, chị Túy luôn khéo hơn anh Nhật. Với chị, việc giữ “lửa yêu” trong đời sống vợ chồng không cần đao to búa lớn mà thông qua những chăm chút, “nâng cấp” nhỏ mỗi ngày.

Chị bảo: “Chỉ riêng việc xưng hô với bạn đời, cũng đã có đến bốn, năm cách khác nhau để thay đổi. Có thể gọi “chồng ơi”, “mình ơi”, “anh ơi”, “Nhật ơi” hay “ba Ca ơi” (họ có một đứa con trai bốn tuổi tên Ca). Việc thay đổi cách xưng hô thoạt nghe chẳng có gì to tát nhưng nếu áp dụng mỗi ngày sẽ tạo ra sự lãng mạn, tươi mới đầy ngọt ngào cho phía người nghe”. 

Chị Túy quan niệm, đâu phải chỉ giới nghệ sĩ mới cần sáng tạo, bay bổng. Người bình thường khi yêu thương cũng rất cần sự sáng tạo. Đó là sáng tạo trong cách xưng hô; trong mua sắm vật dụng, sắp xếp nơi ở, cách nấu nướng mỗi ngày…

Là một phụ nữ Huế, mỗi ngày, chị Túy đều dành yêu thương cho chồng con thông qua đường bao tử. Anh chị ăn chay trường, nhưng những bữa ăn gia đình luôn đa dạng, hấp dẫn, đủ chất dinh dưỡng. Chị dành thời gian và công sức để đi về tận những khu chợ đầu mối hoặc chợ làng nằm cách xa trung tâm thành phố để mua được những mớ rau củ tươi ngon, ít sử dụng hóa chất phun xịt hay chất bảo quản độc hại. 

Chị kể: “Ngày nay, vì bận rộn công việc, vì thói quen nên nhiều phụ nữ không tự tay nấu bữa sáng cho gia đình nữa. Với riêng tôi, chỉ cần năm, mười phút biến tấu đã có một bữa sáng ngon lành cho chồng con. Những bữa ăn đó vừa an toàn, vừa tiết kiệm được hơn nửa chi phí so với ăn bên ngoài, vừa tạo nên năng lượng gắn kết để khởi đầu ngàymới đầy yêu thương”.

Khu vườn đầy nắng giữa lòng ngôi làng cổ
Khu vườn đầy nắng giữa lòng ngôi làng cổ

Chị nhắn nhủ thêm: “Thử quan sát sẽ thấy một người chồng được ăn cơm vợ nấu sẽ đối xử với gia đình khác hẳn so với một người chồng chỉ ăn cơm hàng quán. Một đứa con được mẹ gửi sự quan tâm, chăm sóc qua nguồn thức ăn mẹ nấu cũng khác với đứa con mỗi ngày hai bữa cháo dinh dưỡng mua từ quầy”. “Vậy theo chị, sáng tạo trong nấu nướng được hiểu như thế nào?” - tôi hỏi.

“Đó chính là sự tìm tòi, học hỏi những công thức chế biến khác nhau dựa trên một loại nguyên liệu. Như với rau khoai, ta có thể luộc, nấu canh, xào mè, xào kiệu… Nếu sống chậm, quan sát nhiều, ta sẽ nhận ra rau khoai mùa hè luộc sẽ ngon hơn. Còn mùa đông, vì có nhiều mưa nên rau xanh và mọng nước, nấu canh sẽ ngọt hơn” - chị Túy chia sẻ. 

Có lẽ cuộc sống hôn nhân cũng cần sự sáng tạo như việc tìm ra bí kíp để biến tấu món rau khoai trở nên ngon và hấp dẫn hơn. Tất nhiên người muốn sẽ tìm cách, người không muốn sẽ tìm lý do. Chỉ cần đủ yêu thương và muốn đối phương hạnh phúc, mỗi người sẽ tìm được hơn một “công thức” sẻ chia, trao - nhận.

Trong tương lai gần, vợ chồng anh Nhật và chị Túy muốn “đi thật xa để trở về”. 

“Đi thật xa” tức khởi xướng, thành lập một cộng đồng có “nền kinh tế chia sẻ” hướng tới việc trao đổi thực phẩm sạch, đồ đạc cũ người mới ta… ngay tại địa phương mình đang sống.

“Trở về” là quay lại những điều nguyên sơ, căn bản nhất giúp cuộc sống con người luôn bình an và khỏe mạnh. Đó là sự thanh sạch, hài hòa, tối giản; là thời gian và tình yêu thương.

Con đường đó tuy còn dài, khác biệt và nhiều gian khó nhưng với sự can đảm và tình yêu lớn dành cho người thân, cộng đồng, tôi tin anh chị sẽ tạo ra những giá trị mới có ý nghĩa trong cuộc sống đầy vội vã này. 

“Chỉ cần tâm an thì mọi chuyện đều sáng tỏ”, tôi ghi nhớ lời này của anh chị trước khi rời con hẻm đầy hoa. 

Diệu Thông

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI