Cát cháy ở Gành Cả

02/09/2017 - 07:30

PNO - Nắng đã lên cao. Cát như cháy dưới chân. Phận người đàn bà miệt biển, có khác chi cát đâu. Lầm lũi. Chịu đựng. Xát đắng.

LTS: Những người đàn bà ngồi trước biển, như muốn thâu hết tâm can từ ruột biển vào lòng. Đêm qua, ngày xuống, những đối thoại, độc thoại của họ không tan vào con sóng bạc đầu, mà nó lặn vào mắt họ, vào bước chân cứ bấm sâu vào cát. Phận đàn bà ở biển, như con ốc thu kín những thét gào, ở đó là khổ đau câm nín, là muối mặn đắng lòng, là lặng lẽ đi ngược gió để biển thấy mình không cô đơn. 

Những mất mát đau thương nơi bờ sóng hay bàn tay tảo tần nơi đảo xa của họ, khiến họ như là biển nơi phía mặt trời lên. Nếu thiếu vắng họ, biển khác chi bức vẽ dở dang. Bất chấp mưa nắng gian truân, nghe họ nói, nghĩ về họ, như thấy xanh kia thẳm xanh hơn. Muôn đời dải đất này, người đàn bà ở biển, như một tay chèo kiên gan…

“Anh xuống đầu xóm, hỏi nhà bà Nhị bán bánh xèo”. Người chỉ đường cho tôi là anh Ch., nguyên là trinh sát bộ đội biên phòng Quảng Ngãi, hơn 20 năm trước đã tham gia tiếp nhận việc ông Phạm Huy, chồng bà Nhị ở Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn bị Trung Quốc bắn chết khi đang đánh cá ở Hoàng Sa.

Cat chay o Ganh Ca
Một góc Gành Cả

Xe đổ dốc. Hết đường đá đến cát, đất, cỏ níu chân. Nắng chát chúa, thi thoảng có cơn gió như tay chèo siêu đẳng vặn mình qua những căn nhà sáng, xám,  mới, cũ, mang theo hơi nước rin rít, như càng phơi thêm nét hoang dại của làng biển vốn lọt thỏm như cái vũng cuối cồn cát. Ở đây có vũng tàu, nơi trú tránh của những con thuyền trên đường giao thương, nên giờ còn mấy xác tàu cổ ngâm dưới nước mặn, mà năm kia ồn ào khai quật.

Những người đàn ông ngồi cà phê thả khói thuốc phất phơ sau gương mặt đen như đá gành. Gọi là gành, vì đây có gành đá như những bước chân khổng lồ đen sì thời tiền sử, để lại dấu là những cồn đá nhấp nhô kéo dài hàng trăm mét, mà lúc sóng im, lại thấy giống như sống lưng trâu nằm thở vừa xong buổi cày. 

“Quán bà Nhị phải không chị?”. ”Đúng anh”. Hai cái bếp đỏ rực, mùi dầu như dội vào mái tôn ám khói đen sì. Vài ba khách là phụ nữ  và trẻ em. Một ngàn đồng 1 cái, đúng 1 con tôm trên nền bánh vàng rộm. “Anh ăn được không?”. Một phụ nữ đứng tuổi đang đúc bánh, hỏi thân thiện. Tôi cười. “Ai là bà Nhị hả chị?”. Một phụ nữ ngồi bên hỏi ngược: “Anh hỏi bà Nhị lớn hay Nhị nhỏ?”. “Bà có chồng bị Trung Quốc bắn”. “À, cách đây hai cái nhà”. 

“Anh hỏi ai? Tôi là Nhị đây”. Người phụ nữ gầy như mũi tên, như không bất ngờ mới sáng sớm mà có người hỏi. “22 năm rồi mà, hồi đó có ai biết đâu, gần đây thỉnh thoảng có cán bộ về hỏi”. Mắt chị chùng xuống, tay xoa xoa ly nước. “Chị không bán bánh xèo nữa?”. “Có chứ, mấy tháng mưa, bán thêm cháo, nhưng mùa này thì phụ ở bến cá, ngày kiếm mấy chục ngàn”.

Cưới nhau chưa được một năm, khi đang có thai được 3 tháng, một sáng tàu về, mang theo xác chồng đẫm máu. “Ngày đó không như bây giờ, chẳng ai nói chi được, mà có nói cũng có được chi”. Chị uống nước, như muốn nén nỗi buồn chực trào. Cả làng chết  lặng.

Cat chay o Ganh Ca
Chị Nhị như vẫn thảng thốt của câu chuyện 22 năm trước

Từ đó, ngoài sóng to gió cả, những ngư phủ một đời áo rách nước mặn còn có thêm nỗi kinh sợ hữu hình, đó là lũ cướp biển lân bang. Từ đó, tiếng súng, tiếng thét, những cơn cuống cuồng chạy thục mạng, những vết đạn, nhát chém vương trên những xác tàu chi chít, những người đàn ông mang thương tật, tay trắng sau một đời góp nhặt, thoáng chốc bị lũ ăn cướp cưỡng đoạt, dằng dặc những danh sách, mà như bất lực.

Từ đó, làng chài này rồi những chài miền trung, thêm những góa phụ thất thanh nhìn biển, nhìn xác chồng bị lũ cá mập nói tiếng người xâu xé. “Thì hai đứa con sinh đôi bao nhiêu tuổi, ảnh chết bây nhiêu năm. Tụi nó học hết 12, không dám đi biển, nhưng cực quá nên thằng anh chấp nhận phải đi để nuôi em ăn học, tôi nói con ráng, em học xong rồi, con kiếm nghề trên bờ”.

22 năm, gió, đêm, cát, nhọc nhằn không đủ sức phủ lấp hết nỗi kinh sợ ở chị. Mang tiếng là bà, nhưng chị mới 42 tuổi. Tuổi 20 vỡ tan  giấc mơ gia đình yêu thương. 

***

Nắng đã lên cao. Cát như cháy  dưới chân. Phận người đàn bà miệt biển, có khác chi cát đâu. Lầm lũi. Chịu đựng. Xát đắng.  Đi biển là chấp nhận rủi ro. Sóng cả gió to vô hình, chết vì bão tố tàu bè, thì tên gọi căn nguyên luôn ở cửa miệng, và câu hỏi vì sao chết luôn được gọi chính xác. Nhưng chết vì Trung Quốc bắn, vì sao, ai trả lời cho họ, những người đàn bà mà của nả mang theo cả một đời là cái nhìn rũ rượi như gió  hoang trong chiều trên bến vắng?

Tôi tìm chị Mai Thị Long, nhưng chị không có nhà. Cuối năm 2015, chồng chị là anh Trương Đình Bảy, khi đang phụ nấu cơm cho chủ tàu đánh cá Hoàng Sa, thì loạt đạn từ lũ cướp quốc tịch Hán làm anh ngã sập trên bếp, cháy mất luôn dự định anh nói với vợ là sau chuyến đi này, nghỉ luôn ở nhà phụ vợ xay cá nuôi ba đứa con đang tuổi lớn.

Nghe tin chồng qua Icom, chị gục mê, tỉnh dậy thì hỏi: Tại sao họ bắn chồng tôi? Không ai trả lời. Chỉ có cái nhìn vằn máu đăm đăm ra trùng khơi. 

Có người chồng không bị bắn, nhưng một đời ngang tàng trên biển, coi cái chết nhẹ như bọt nước, cuối cùng phải giã từ cuộc chơi sớm, khiến  vợ vừa mừng vừa… méo. Nhà ông Tiêu Viết Là ở đầu dốc. Dân đi biển phong ông là sói biển. Bốn lần tàu bị Trung Quốc bắn nát, bắt giam, đánh đập, một lần bị bão đánh chìm, một đống nợ nần, thương tật phủ lấy ông, để rồi bây giờ chỉ còn luỵch quỵch trên bờ phụ thằng con trai.

Vợ ông đang giữ cháu, trả lời bâng quơ là ông đi giữ thuyền cho con ở Tịnh Hòa - Sơn Tịnh. Anh con  trai là chủ tàu, nhưng vừa bị gãy chân, đành nằm bờ. “Ổng có làm chi đâu, 6 năm rồi, sau cái bữa bị đánh, bắt nhốt ở Hải Nam, nợ tùm lum, nghỉ luôn, giờ đã hết nợ đâu”. Con số tôi có được, là ở Bình Châu và Bình Hải có 2 người bị Trung Quốc bắn chết, 5 người bị đánh trọng thương khi đánh cá ở Hoàng Sa. Còn tàu thuyền bị bắn nát, phá lưới, cướp cá, máy móc, nhiều vô kể. 

Sao mà khi ông Võ Tấn Miên, trưởng thôn Châu Thuận Biển, nói rằng Gành Cả là làng giàu nhất xã, 250 hộ làm nghề biển, tôi vẫn nghe lạo xạo tiếng cát mài rát bươm tim, khi người ta nói đây là làng góa phụ, chồng chết do bị bắn, chết do đi lặn biển nhiều lắm, tính tới hàng chục.

Họ đi lặn hải sâm, một chuyến đi mấy tháng trời; trúng, là mỗi người nắm trong tay hàng trăm triệu, nhưng đó là đồng tiền đẫm máu, bởi phải lặn xuống cả trăm thước, vỡ mạch máu, là chết, không thì thương tật suốt đời, khi phương tiện chỉ là bình lặn thô sơ, là ống dây phập phù mặt nước.

Bà Vũ Thị Minh Thư đang ăn cơm với cháu nội. Con bà, Võ Văn Lan, sinh năm 1981, chết 2006 vì lặn hải sâm. Anh chết, lúc đứa con mới 8 tháng tuổi. 8 năm sau, mẹ đi lấy chồng, nó ở với bà nội. Bữa cơm trưa nghèo đơn sơ, chóng vánh. Và cả tiếng đũa va vào nồi, vào chén, cũng khẽ khàng, chỉ có tiếng mọt nghiến răng đâu đó trên xà nhà như muốn xé đi bầu không khí đặc quánh, la đà trên mặt người.

“Tôi chỉ ước có sức khỏe nuôi nó thôi”. Ước để sống cho trọn vẹn, đâu chỉ riêng bà, nhưng sao với người đàn bà vùng biển này, những người mà ngôi nhà bóng đàn ông lực lưỡng đã bị bẻ gập, tan tành đâu đó trên sóng, dưới cát, sự cầu nguyện cho yên ổn để đàn con bấu víu, nó thảm thương đến lạ lùng.

Cat chay o Ganh Ca
Bà Thư bây giờ chỉ còn mộ t chỗ bấu víu là cháu nội

Tôi ngó thằng nhỏ, nó đang học lớp 6, không biết rồi đây, những trai làng biển không cha như nó, nỗi sợ hãi  vì biển, vì cái chết bất thần, khiến nó ngoảnh lưng lại với sóng như hai đứa con chị Nhị, hay là như định mệnh trói buộc, nó phải bước lên thuyền, để rồi những sáng bình minh lăn nhoài trên cát, những người đàn bà bươn bả ra chân sóng, từ mũi thuyền, chồng cha mình nhảy xuống, rã rời sau một đêm thức trắng với sóng, để đổi lại ánh mắt ngời sáng vì hôm nay mâm cơm gia đình vẫn không khuyết đi một chỗ ngồi, hay là chiếc cáng cột vội những xác người mà đôi mắt không muốn nhắm.

Bà Thư kể một hơi: Bà Dục có chồng, con chết cách nhau mấy năm nè. Rồi con Thu, con Thảo, vợ thằng Cẩm, nhiều lắm! Bà nói như phân trần, như muốn xẻ bớt gánh nặng cô đơn, rằng ai ở đây cũng như vậy mà, như là kiếp phận, như là đương nhiên, để rồi chiều xuống đêm về, đánh bạn với sự im lìm của cát, tìm trong đó những vọng về thiết tha, để cái trở mình như thấy mình là cát. 

Ai đó có về làng biển, mùa gió, sẽ gặp không ít cái cảnh y như nhau, là những người đàn bà ngồi bên bệ cửa hay võng, như muốn cưỡng cơn gió bấc, đăm đăm nhìn ra biển, họ nhìn cũng để chỉ mà nhìn, mọi hy vọng đã tan như bọt sóng đầu ghềnh rồi, nhưng phải nhìn, để thấy mình đang sống với bóng hình của đời mình.

Đêm ở làng biển, thường không bao giờ ngủ. Kẻ trên thuyền xa khơi, sáng đèn đã đành, vợ con đất liền, đèn nào có dám tắt, ngủ mà tai dong lên, đón gió, ngóng điện thoại, chờ sáng ra, hú hồn, thế là yên...

Tôi ghé nhà Hai Bông, một tay đi biển lão luyện, anh vừa xong một phiên biển, nước mặn như còn vương trên mặt. Đẩy ly trà về phía tôi, anh lắc đầu: “Giờ cực gấp trăm lần 20 năm trước. Người ta bỏ thuyền, bỏ biển nhiều lắm, ngư trường cạn kiệt hết rồi”. Cạn kiệt cá. Cạn kiệt nguồn sống. Nhà Hai Bông cát vây bốn bề, như tường dựng, như tấm khiên che chở bao phận đời cát. 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI