Cần hoàn tất chủng ngừa bại liệt trước 12 tháng tuổi

09/06/2014 - 11:56

PNO - PN - Trước thông tin bệnh bại liệt có nguy cơ quay trở lại, PV Báo Phụ Nữ đã phỏng vấn bác sĩ Phan Công Hùng, Phụ trách Khoa Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM về công tác phòng bệnh bại liệt cho các tỉnh/thành phía Nam.

edf40wrjww2tblPage:Content

* Việc chủng ngừa vắc-xin phòng bệnh bại liệt được thực hiện ra sao, thưa ông?

Bác sĩ Phan Công Hùng: Năm 1997, trường hợp bại liệt cuối cùng được xác định là do vi-rút Polio hoang dại ở tỉnh Phú Yên và đến 30/9/2000, Việt Nam chính thức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận đã loại trừ được bệnh bại liệt. Để duy trì thành quả này, Việt Nam vẫn thường xuyên thực hiện việc tiêm chủng hàng năm cho trẻ với tỷ lệ uống vắc-xin OPV (phòng bại liệt) đủ ba liều cho trẻ dưới một tuổi. Ngoài ra, Việt Nam còn tổ chức chiến dịch uống vắc-xin OPV bổ sung hàng năm cho những vùng nguy cơ cao như: nơi có tỷ lệ trẻ uống vắc-xin OPV thấp, vùng giáp ranh biên giới… Riêng khu vực phía Nam cũng đã tổ chức chiến dịch uống bổ sung vắc-xin OPV cho trẻ dưới năm tuổi của bảy tỉnh/thành: TP.HCM, Long An, Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Bình Phước, Kiên Giang trong năm 2011và 14 tỉnh/thành khác trong năm 2012.

Can hoan tat chung ngua bai liet  truoc 12 thang tuoi
Trẻ em vùng sâu, vùng xa được huy động uống vắc xin ngừa bại liệt

* Theo ông, dịch có thể lây lan từ các nước vào Việt Nam không?

- Hiện bệnh bại liệt chưa được loại trừ trên toàn thế giới, trong khi việc giao thương rộng rãi, du lịch phát triển... thì việc lây lan mầm bệnh là điều rất có thể.

* Ngành y tế có phát động chiến dịch để người dân chủng ngừa vắc-xin bại liệt nhắc lại không, thưa ông?

- Việc tạo miễn dịch cộng đồng vững chắc là yếu tố rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh lây lan. Để đạt được mục tiêu đó, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, cần có sự quan tâm của chính quyền các cấp đối với chủng ngừa; đặc biệt là sự hưởng ứng của người dân, nhất là các phụ huynh có con trong độ tuổi chủng ngừa. Theo lịch tiêm chủng của Chương trình tiêm chủng mở rộng, mỗi trẻ sẽ được uống ba liều cơ bản vắc-xin phòng bại liệt khi trẻ tròn hai tháng, ba tháng và bốn tháng tuổi. Nếu trẻ chưa chủng ngừa trong độ tuổi nêu trên (do trẻ bệnh ngay thời điểm cần chủng ngừa, cha mẹ quên…) thì cần cho trẻ chủng ngừa ngay sau khi có thể và nên hoàn tất lịch chủng ngừa cơ bản trước 12 tháng tuổi. Ngoài ra, trẻ còn được uống bổ sung vắc-xin trong các chiến dịch khi có chỉ định; kể cả trẻ dưới năm tuổi cũng được uống nhắc lại vắc-xin ngừa bại liệt trong những chiến dịch do Chương trình tiêm chủng mở rộng tổ chức khi cần thiết. Tôi nhắc lại, chủng ngừa là biện pháp phòng bệnh chủ động rất hiệu quả.

* Vừa qua, khi một số dịch bệnh bùng phát, người dân đã ý thức đến việc chủng ngừa nhưng nhiều loại vắc-xin thiếu hụt kéo dài. Vậy đối với vắc-xin bại liệt, liệu ngành y tế có cung ứng đủ?

- Việt Nam đã sản xuất được vắc-xin bại liệt từ năm 1962 do Trung tâm Khoa học sản xuất vắc-xin Sabin bào chế. Suốt thời gian dài, vắc-xin bại liệt được đưa vào sử dụng đã chứng minh sự an toàn và hiệu quả.

* Xin cảm ơn ông.

 Văn Thanh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI