Campuchia truy tìm hành khách từ tàu Westerdam, kinh tế Nhật Bản và Singapore tổn thương vì dịch bệnh

17/02/2020 - 20:09

PNO - Holland America Line cho biết họ đang làm việc với các chính phủ và chuyên gia y tế để theo dõi những hành khách rời khỏi tàu du lịch Westerdam ở Campuchia, sau khi một hành khách người Mỹ dương tính COVID-19 ở Malaysia.

Hồi chuông báo động coronavirus từ những tàu du lịch

Hãng tàu, thuộc sở hữu của công ty du lịch khổng lồ Carnival Corp, cho biết không ai trong số 1.454 hành khách còn lại và thủy thủ đoàn 802 người xuất hiện triệu chứng đáng quan tâm.

Những hành khách đã trở về nhà sẽ được bộ phận y tế địa phương liên hệ và cung cấp thêm thông tin.

Rất nhiều hành khách từ tàu Westerdam đã rời khỏi Campuchia để trở về nhà.
Rất nhiều hành khách từ tàu Westerdam đã rời khỏi Campuchia để trở về nhà.

Vụ việc đặt ra câu hỏi về cách các công ty và quốc gia nên xử lý việc theo dõi và kiểm dịch đối với những người có thể đã tiếp xúc với virus, vì người phụ nữ đã vượt qua thời gian ủ bệnh thường được cho là 14 ngày.

Số hành khách từ tàu Westerdam được chính quyền Campuchia cho phép lên đất liền, trở về nhà sau đợt kiểm tra sức khỏe khi con tàu cập cảng hôm thứ Năm 13/2. Con tàu đã trải qua hai tuần trên biển sau khi bị Nhật Bản, Đài Loan, đảo Guam, Philippines và Thái Lan từ chối cho cập cảng.

Nhưng vào hôm thứ Bảy 15/2, Malaysia cho biết hành khách nữ người Mỹ đến Kuala Lumpur bằng máy bay thương mại đã thử nghiệm dương tính với chủng coronavirus mới. Riêng chồng của bệnh nhân có kết quả âm tính.

Khoảng 137 trong số 145 hành khách trên cùng chuyến bay với nữ bệnh nhân đã rời Malaysia để đi đến quốc gia khác kể từ Chủ nhật 16/2, sau khi không có dấu hiệu bị bệnh. Hàng chục hành khách của Westerdam cũng đã bay sang Thái Lan để bắt chuyến bay đi các nước khác.

Hãng Holland America cho biết, ít nhất 236 hành khách và 747 thành viên thủy thủ đoàn vẫn ở trên tàu ngoài khơi thành phố cảng Sihanoukville, của Campuchia. Những người khác ở lại khách sạn tại thủ đô Phnom Penh.

40 hành khách người Mỹ dương tính COVID-19 từ tàu Diamond Princess đã được giữ lại Nhật Bản để chữa trị.
40 hành khách người Mỹ dương tính COVID-19 từ tàu Diamond Princess đã được giữ lại Nhật Bản để chữa trị.

Trong một diễn biến khác, những hành khách mang quốc tịch Mỹ đã được đưa ra khỏi tàu du lịch Diamond Princess tại cảng Yokohama (Nhật Bản) vào Chủ nhật 16/2 để bay về nhà sau khi bị cách ly hai tuần. Mười bốn hành khách đã thử nghiệm dương tính với coronavirus trong quá trình sơ tán, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Bên cạnh 14 người Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính trong khi được sơ tán, 40 ca bệnh nhân người Mỹ từ tàu đã được đưa đến bệnh viện ở Nhật Bản. Khoảng một nửa số khách còn lại trên tàu là từ Nhật Bản.

Hôm 17/2, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết chính phủ cũng sẽ sơ tán hơn 200 công dân nước mình khỏi tàu.

Nguy cơ suy thoái cho Nhật Bản, Singapore

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, Trung Quốc khẩn trương trở lại làm việc, nhưng có một đề xuất trì hoãn việc mở phiên họp quốc hội thường niên, dự kiến ​​vào ngày 24/2. Một số thành phố vẫn bị phong tỏa, đường phố vắng tanh, nhân viên lo lắng, lệnh cấm du lịch và lệnh kiểm dịch được thực hiện trên khắp đất nước.

Nhiều nhà máy vẫn chưa mở lại, làm gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc và xa hơn cho tất cả mọi người từ các nhà sản xuất điện thoại thông minh đến các nhà sản xuất xe hơi.

Singapore đối mặt suy thoái vì hoạt động thương mại quốc tế ngưng trệ do dịch bệnh COVID-19.
Singapore đối mặt suy thoái vì hoạt động thương mại quốc tế ngưng trệ do dịch bệnh COVID-19.

Tại Nhật Bản, tác động của virus dự kiến ​​sẽ xuất hiện trong quý đầu năm 2020, làm dấy lên nỗi sợ suy thoái. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã bị thu hẹp với tốc độ nhanh nhất kể từ quý hai năm 2014, kèm theo đó là dự báo về khoản thâm hụt 1,3 tỷ USD từ ngành du lịch.

Theo ước tính sơ bộ của Văn phòng Nội các Nhật Bản, tổng sản phẩm quốc nội hiện đang trên đà giảm với tốc độ là 6,3%/năm kể từ quý IV năm 2019. Các nhà kinh tế cho rằng sự suy giảm nêu bật tác động bất lợi của việc tăng thuế tiêu dùng, nhu cầu toàn cầu yếu, gián đoạn từ thiên tai và ảnh hưởng dịch bệnh.

Tương tự, Singapore, đất nước phụ thuộc vào thương mại đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 và chuẩn bị công bố các biện pháp nhằm giảm bớt ảnh hưởng từ nỗi sợ hãi về sức khỏe.

Hôm 14/2, Thủ tướng Singapore Lý Hiễn Long nói rằng suy thoái kinh tế là điều có thể xảy ra, với việc chính phủ hạ mức dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xuống mức thấp nhất là 0,5%, so với mức tăng trưởng từ 0,5% đến 2,5% trước đây.

Tấn Vĩ (Theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI