Thư của con

Cảm ơn ba đã gọi con

08/01/2022 - 10:21

PNO - Ba ơi, thật ra con muốn viết “ba thương yêu của con”. Ước gì con có thể viết như thế nhưng kỳ thực, sinh ra là con trai, lại là trai miền Trung, con đã được học cách nén cảm xúc của mình trong bất cứ việc gì. Thói quen không bộc lộ cảm xúc có vẻ như đã ngấm vào máu con rồi.

Chiều nay, TP.HCM trở lạnh, lạnh như từ trong xương hay cơn mưa trắng trời Bình Định con đang nhìn thấy qua ti vi đã thật sự lùa vào tận đây. Sáng nay, con gọi má, má than lạnh và mưa lớn. Con hỏi ba đâu, má nói ba nằm ngoài hiên trước. Con lại càu nhàu ba đây. Hiên nhà mình mùa hè thì mát nhưng mùa đông gió lùa rất lạnh, sao ba không vô nhà cho ấm?

Ba còn nhớ có lần ba đi đâu về và phát hiện ra ông nội đang trèo cây hái mít không? Khi đó, ba lo lắm nhưng không dám từ dưới đất gọi với lên vì sợ ông nội giật mình té. Ba kêu con trèo lên cây nhẹ nhàng gọi ông nội xuống. Bữa đó, ông nội bị “la” một trận tơi bời. Đến một độ tuổi nào đó cha thành con, con thành cha thì phải?

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Trước tết năm ngoái, con gọi về dặn ba rằng cái gì cần bưng, kê, sắp xếp… thì đợi con về làm. Ba ừ à cho qua chuyện rồi nói “ba làm được mà”! Y như rằng, con về thì bắt gặp ba đang một mình chuyển mấy chậu mai nặng trịch. Quẳng mớ hành lý vào góc nhà, con nhào vô khiêng phụ, mặc cho ba xua tay, kêu con mau tắm rửa nghỉ ngơi. “Ba làm chút xíu xong liền” - ba nói. Sao ba không nhận ra rằng mình đã lớn tuổi, cái lưng, nhất là cột sống, nếu không cẩn thận là “tiêu”? Có lẽ ba vẫn chưa đủ già để thành con trẻ thơ ngây và con cũng chưa đủ chín để… “thành cha”.

Đúng là thật khó để nói cho một người đã, đang và vẫn là trụ cột gia đình rằng họ đã già. Một phần vì không nỡ, một phần vì không dám… Tự nhiên con nhớ lại lần ông nội trèo cây. Có lẽ ông nội cũng như ba bây giờ: không nhận ra mình đã già hoặc thỉnh thoảng quên rằng mình đã già. Ba đừng buồn con nhé: cũng có người không dám đối diện với sự thật rằng mình đã già. 

***

Sáng nay má hỏi: “Tết này con có về không?”, con đã thành thật nói với má rằng con không biết, con không tính toán được gì vào giai đoạn dịch bệnh này. Chắc con làm má lo lắng lắm phải không ba? Vậy nhưng không hiểu sao, ở thời điểm này, con cảm nhận rằng càng không biết trước điều gì sẽ tới vào ngày mai ngoài sự mong manh và bất trắc, chúng ta - những người trong gia đình - lại càng nên thành thật với nhau. Con hiếm khi nào gọi ba. Bình thường, con chỉ gọi má và hỏi thăm ba. Thậm chí ngay cả khi ba nằm viện, con gọi khắp cả Quy Nhơn tìm bác sĩ quen để “gửi gắm” ba mà vẫn không gọi ba. Ba cũng không gọi con. Có một lần ba gọi, con biết ngay là nhà mình có chuyện.

Hôm đó, ba má cãi nhau gay gắt đến mức ba gọi con chỉ để nói rằng “ba mệt mỏi quá”. Có lẽ đó là lần đầu tiên ba bộc lộ cảm xúc của mình. Có lẽ ba mệt thật và cần một chỗ dựa. Cảm ơn ba đã gọi con. Đó là lần đầu con có cảm giác mình trưởng thành, được ba xem là người lớn. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Ba nhớ lần đầu con ngồi uống rượu với ba không? Dù ba cho phép nhưng con vẫn cảm thấy không thoải mái. Con thích ngồi uống với ba vài chén rượu, nghe vài câu chuyện cũ nhưng có lẽ cũng như ba, con không dám đối diện với sự thật rằng cây cột chống nhà ta đã già. Đến con còn khó chấp nhận sự thật đó, huống chi ba. Con vẫn quen với hình ảnh người đàn ông to lớn vững chãi, đen như cột nhà cháy, tính tình nóng nảy.

Hồi đó, dù đang chơi trò gì, nghe tiếng xe ba về, cả đám quăng hết, ba chân bốn cẳng ngồi vô bàn học. Chỉ có bàn học, phòng học là nơi chốn bất khả xâm phạm. Không bao giờ ba rầy la khi thấy lũ con đang học bài hay đọc sách. Thỉnh thoảng, con cũng giật mình không thể tưởng tượng mình đã ngoài 40 tuổi và ba, người dạy con nhảy điệu tango lả lướt ngày nào, giờ đã hơn 70 tuổi.

Mới tết này, khi cả nhà đi ăn, con định chở ba vì sợ trời tối ba không thấy đường nhưng ba đã lắc đầu đòi để ba chở má. Má nói dạo này má không dám để ba đi đâu vì mắt ba yếu hẳn. Hôm con cùng mấy người bạn về thăm nhà, ba lôi cây đàn ra dạo lại. Ba bấm bấm vài phím rồi đưa lại cho con vì “tay ba cứng quá” nhưng lâu rồi con mới thấy ba vui như thế. Cũng lâu lắm má không còn gọi con than phiền: “Ông già mày muốn uống cho chết hay sao mà uống chung với đám thanh niên ai bao nhiêu ổng bấy nhiêu”. 

Con ước có thể ngồi xuống nói lòng vòng chuyện nọ xọ chuyện kia với ba như lúc say nhưng rồi con không nói được, cũng không thích mượn rượu nói. Tại sao những điều quan trọng trong đời ta lại cứ phải nhờ đến rượu bia, sao không thể nói bên tách cà phê hay trà, ba nhỉ? Thảo nào phụ nữ thường chê chúng ta yếu đuối. Con nhớ từng nghe câu này: “Đàn ông yếu đuối nhất khi phụ nữ dựa vào anh ta và nói: “Anh là người mạnh mẽ nhất”. 

***

Ai cũng có một tuổi trẻ “lừng lẫy” theo kiểu của mình. Càng có nhiều điều chưa kịp làm có lẽ người ta lại càng không chịu già vì tiếc nuối, phải không ba? Đàn bà thì đi căng da, nhuộm tóc, tiêm thuốc… để níu kéo thanh xuân. Đàn ông có níu kéo không? Chắc là có, nhưng thế hệ của ba níu theo cách khác. Hay ba bắt đầu tập Suối nguồn tươi trẻ? Thời sinh viên đi làm thêm ở nhà sách, con thấy rất nhiều người lớn tuổi tìm mua cuốn sách này. Ba tập, thay vì bày trận nhậu, cố gánh những công việc nặng nhọc, những hành động chứng tỏ nam tính…

Con biết chứ, tuổi trung niên sung mãn đầy những gánh nặng lo toan. Con cái vừa chớm trưởng thành thì phụ huynh bước vào tuổi chớm già, tránh làm sao khỏi nuối tiếc. Mà chắc ba cũng đồng ý với con rằng càng tiếc nuối càng phát hiện ra mình lún sâu vào vũng già lúc nào không biết. Con nghĩ tóc ba vẫn đen nhánh bởi ba luôn sẵn có một trái tim và một cái đầu rộng mở để chấp nhận và không tiếc nuối. Chỉ là thỉnh thoảng ba quên mất thôi, phải không ba?

Ba con mình may mắn được nhìn thấy ông nội già đi. Nhìn một người già đi, con hiểu thêm nhiều lẽ. Một trong những điều đó là dũng cảm chấp nhận tuổi già. Con nhìn ba già đi và học được cách trải qua tuổi trung niên. Con không biết mình thế nào khi già đi, có lẽ con sẽ học cách trải qua tuổi già từ ba. Ôi, có phải con vừa quàng thêm cho ba một gánh nặng nữa? Thôi thì ba dạy con cả đời, vậy hãy dạy cho con lần nữa, ba nhé!

Con cũng đã có thể “tỏ tình” dù chỉ là qua thư nhưng như vậy cũng tốt rồi ba nhỉ? 

Trần Lê

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI