Cảm hứng Việt Nam trong tranh in khắc gỗ

25/03/2021 - 06:56

PNO - Từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành thiết kế nội - ngoại thất, nhưng cô gái trẻ Mai Trần lại quyết tâm theo đuổi bộ môn tranh in khắc gỗ.

Ngủ cũng mơ thấy đang khắc gỗ

Cuối năm 2015, Mai Trần du học ở Mỹ, tiếp xúc nhiều ngành mỹ thuật và hiểu hơn về tranh in khắc gỗ. Chuyển hướng sang học ngành in (Printmaking) của cô gái trẻ cho rằng đó là quyết định… sửa chữa sai sót của bản thân. Đam mê hội họa và mơ ước trở thành họa sĩ, nhưng Mai lại không quyết tâm thi vào trường vẽ, mà chọn học thiết kế nội - ngoại thất. Tuy nhiên, “con đường nào cũng dẫn đến La Mã”, Mai tự ví quyết định chuyển sang làm tranh in khắc gỗ của cô là tiếp duyên với hội họa.

“Mình muốn thử cảm nhận của người xưa khi họ tạo ra một tác phẩm. Đồng thời việc sử dụng một kỹ thuật cổ đại để tạo ra một tác phẩm đương đại khiến mình cảm thấy rất thú vị” - Mai chia sẻ.

Mày mò nghiên cứu, cô thấy có sự khác nhau rõ rệt giữa tranh của Việt Nam và nước ngoài. Tranh in khắc gỗ Việt Nam sử dụng loại gỗ cứng để làm bản in. Kỹ thuật in khắc gỗ cổ điển của Việt Nam khá giống kỹ thuật Mokuhanga của Nhật Bản. Ở Mỹ (và một số nước phương Tây), họ thường sử dụng loại gỗ mềm và màu dầu (oil ink). Cách tạo ra một bản in cũng hơi khác. Hiện tại, Mai đang dùng cách của phương Tây.

Các bước để làm ra tranh khắc gỗ tương đối đơn giản gồm vẽ lên tấm gỗ, khắc, cán mực, rồi in lên giấy. Thế nhưng, quá trình khắc miếng gỗ gian nan và dễ gây nản lòng những người mới bắt đầu. Dù bạn khắc lên loại gỗ mềm đến đâu, thì chuyện đau nhừ bàn tay và các ngón tay bị đơ cứng là chuyện người họa sĩ phải chịu đựng. Những lúc như vậy, tay sẽ không đủ lực để kiểm soát mũi dao khắc nên dễ bị trượt, và sẽ làm mất một số nét trên tấm gỗ. Nhưng nếu may mắn, thì điều đó có thể sẽ tạo ra nét thú vị riêng của tác phẩm.

“Để theo ngành này, bạn buộc phải có tính kiên nhẫn, gọn gàng và tỉ mỉ, nếu không sẽ thấy mọi thứ rất phức tạp. Có nhiều bản khắc gỗ, mình dành rất nhiều tâm huyết cả về mặt hình ảnh và vật liệu sử dụng, nhưng đến lúc in ra không giống như tưởng tượng ban đầu, vậy là suy sụp mấy ngày” - Mai tâm sự.

Lan truyền văn hóa Việt

Cảm hứng sáng tác trong tranh của Mai Trần thường là những hình ảnh quen thuộc trong đời sống của người Việt, như áo dài, cà phê phin, dưa hấu, nón lá hoặc các truyền thuyết… là tấm “căn cước” văn hóa trong hội họa của cô gái trẻ nơi đất khách quê người.

Khách hàng chủ yếu của Mai là người nước ngoài. Sống và làm việc trong môi trường đa văn hóa, đa sắc tộc, Mai không gặp khó khăn khi mang hình ảnh đất nước mình ra thế giới. Trái lại, họ thích câu chuyện đằng sau mỗi tác phẩm, sự đa dạng văn hóa và kỹ thuật khắc gỗ của Mai.

Melon Man - bức tranh lấy cảm hứng từ  sự tích quả dưa hấu
Melon Man - bức tranh lấy cảm hứng từ sự tích quả dưa hấu

“Tây nhìn sẽ thấy nó Tây, còn Ta nhìn sẽ thấy cái thuộc về ta. Ví dụ như bức Melon Man, người Việt nhìn vào sẽ thấy đó là một người đàn ông Việt bên ruộng dưa hấu. Khung cảnh mùa đông tuyết phủ cùng với cây thông, tháp đồng hồ đằng xa miêu tả cụ thể cảnh quang ở Mankato thời điểm hiện tại. Tháp đồng hồ đó là biểu tượng của trường đại học mình đang theo học. Ruộng dưa hấu với tuyết phủ là hình ảnh ẩn dụ của thời gian khác biệt giữa hai vùng. Mùa dưa hấu cộng với áo dài gắn với hình ảnh tết ở Việt Nam, nhưng ở đây thời điểm đó là giai đoạn tuyết lạnh khắc nghiệt. Có thể hiểu như hai thế giới song song giao nhau. Nhìn tổng thể bức tranh giống như mô phỏng theo bìa truyện tranh phổ biến của phương Tây ngày trước”- Mai giải thích

Tác phẩm khiến cô trăn trở nhất chính là Hallucination (ảo giác), nằm trong một dự án tranh gồm nhiều bức mô tả về sự giao thoa và hội nhập văn hóa của một người Việt sống ở thành phố Mankato (tiểu bang Minnesota, Mỹ). Hình ảnh người phụ nữ trên tranh lấy cảm hứng từ những bức hình của người mẹ lúc còn trẻ. 

Hallucination - niềm tự hào của cô gái trẻ
Hallucination - niềm tự hào của cô gái trẻ

“Mẹ mình rất đam mê thời trang, nên mình tưởng tượng nếu thời đó bà cũng chạy xe Mobylette, chắc là… ngầu lắm! Mẹ cũng như phụ nữ Việt Nam nói chung, rất thời thượng khi họ có điều kiện. Xe Mobylette chắc cũng được ưa chuộng tại Mỹ giai đoạn đó. Rồi mình còn tưởng tượng tới chuyện mẹ đi du học tại Mankato những năm 70 đó thì không biết sẽ như thế nào”- Mai tâm sự.

Ngoài việc cố gắng hài hòa hai yếu tố Việt và phương Tây, Mai mong muốn công việc của mình sẽ giúp người trẻ hiểu và trân quý hơn các giá trị văn hóa của dân tộc. Mai cũng đang ấp ủ một dự án về cổ phục Việt Nam. Cô cho biết cuộc sống bình dị của người Sài Gòn, những thói quen, lối sống, cảnh sắc Sài Gòn ngày và đêm… là những cảm hứng chính của cô hiện tại. 
Giờ đây, với Mai Trần, tranh in khắc gỗ không chỉ giúp cô nhiệt tâm với đam mê hội họa, mà hạnh phúc hơn là cô gái trẻ còn có thể mang hình ảnh đất nước mình đến với bè bạn năm châu. 

Một số tác phẩm khác của Mai Trần:

Cà phê cóc đường phố Sài Gòn
Cà phê cóc đường phố Sài Gòn

 

Mục đồng
Mục đồng

 

Vương quốc dưa hấu
Vương quốc dưa hấu

 

Kato Here I Come lấy cảm hứng từ sự tích dưa hấu
Kato Here I Come lấy cảm hứng từ sự tích dưa hấu

 

Sơn Tinh
Sơn Tinh

Tấn Đồng

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI