Cách nào trị bệnh cảm kéo dài dai dẳng?

25/11/2022 - 06:33

PNO - Thời gian gần đây, cảm cúm đang có chiều hướng tăng, lan rộng và dai dẳng. Rất nhiều người thậm chí còn cảm thấy kiệt sức. Tình trạng này kéo dài cả tháng không dứt.

Hoàng kỳ, vị thuốc giúp tăng cường sức đề kháng
Hoàng kỳ, vị thuốc giúp tăng cường sức đề kháng

 Theo đông y, bệnh cảm cúm và cảm nói chung được xếp vào chứng ngoại cảm, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do các yếu tố của thời tiết bất thường. Cụ thể gồm phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng), thấp (ẩm thấp), táo (khô), hỏa (nhiệt); gọi chung là tà khí gây bệnh.

Đáng lo ngại, khi bị cảm cúm, đa phần mọi người tự mua thuốc uống, thường gồm cả kháng sinh, kháng viêm, giảm ho và các loại vitamin. Trong khi đó, ngành y tế đã khuyến cáo, với vi rút, dùng kháng sinh không những không có tác dụng mà lạm dụng sẽ dẫn đến nguy cơ bị lờn, chưa kể sẽ gây hại cho gan, thận. Kháng viêm, giảm ho cũng chỉ có tác dụng trị triệu chứng tức thời chứ không xử lý được gốc của bệnh.  

Thông thường, nếu sức đề kháng tốt, bệnh cảm cúm sẽ tự lui dần trong khoảng từ 5-7 ngày, hoặc 2 tuần. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp mắc cúm bị biến chứng (chiếm khoảng 15%) như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản… Đông y vốn có thế mạnh trong việc phòng và trị bệnh ngoại cảm. Nếu áp dụng thì có thể vừa giải quyết tận gốc bệnh vừa tăng cường chính khí của cơ thể, tránh tình trạng tà khí lưu cữu gây bệnh dai dẳng.  

- Khi vừa có dấu hiệu bị cảm, áp dụng phương pháp xông và ăn bát cháo hành là bệnh nhanh chóng lui ngay. Nồi xông nên dùng các loại thảo dược: kinh giới, é tía (hương nhu), tía tô, hoắc hương, đại bi, ngũ trảo, lá chanh, lá cam… Trước và sau khi xông cần uống ly nước mật ong gừng ấm nóng. Ăn cháo để vừa bổ sung tân dịch, vừa làm nóng cơ thể, cho mồ hôi thoát ra, thêm một lần đẩy tà khí ra ngoài. Nấu cháo loãng, cho lòng đỏ trứng gà vào khuấy tan; cho gừng tươi, hành lá, tía tô, ngò gai thái nhuyễn vào, ăn nóng.   

- Nếu bệnh đã có nhiều triệu chứng, ngoài xông, ăn cháo, cần uống thêm thuốc. 
 


Nếu sốt cao, không có mồ hôi, đau đầu cứng gáy, mỏi lưng, tứ chi rã rời, sợ lạnh, thích uống nước nóng, dùng Ngoại cảm hiệp phương thang: ngũ trảo, từ bi, kinh giới, lức cây, lá tía tô, cù đèn, cỏ bắc, mỗi vị 8g; hoắc hương, mọi lựu, hậu phác, mỗi vị 4g; cam thảo nam, mần ri, mỗi vị 12g. Tất cả vị thuốc dùng toàn cây, bỏ rễ. Sắc uống nóng, mỗi ngày 1 thang, 2 nước. Lưu ý: nếu tự cơ thể đã bị đổ mồ hôi nhiều thì không dùng.

Nếu bị sốt, đau đầu, cứng gáy, mỏi lưng, mồ hôi ít, sợ đau, người mệt mỏi, ăn kém, tứ chi uể oải, dùng Lục vị ngoại cảm thang: kinh giới, ngũ trảo, từ bi, mỗi vị 12g; tô diệp, hoắc hương, lức cây mỗi vị 8g. Hoặc bài thuốc Hoắc hương chính khí: hoắc hương 12g, đại phúc bì 12g, phục linh 12g, bán hạ chế 12g, đại táo 12g, trần bì 6g, bạch chỉ 8g, tía tô 8g, hậu phác 8g, cát cánh 8g, sinh khương 4g, cam thảo 4g. Người có chính khí suy yếu (lớn tuổi, có bệnh nền…) nên kết hợp dùng thêm thuốc Nhân sâm bại độc (khương hoạt, độc hoạt, sài hồ, tiền hồ, phục linh, xuyên khung, cát cánh, chỉ thực, nhân sâm, cam thảo). 

- Để phòng ngừa cảm cúm, nên nấu nước tía tô, hương nhu (hoặc hoắc hương), uống liên tục 3 ngày. Nên xông hoặc ăn cháo theo hướng dẫn ở trên 1 lần/tuần. Hoặc hãm các vị sau uống thay nước mỗi ngày: hoàng kỳ sống 10g, quế chi 5g, bạch thược sao 8g, ngũ gia bì 6g, gừng tươi 2 lát. Các vị thái vụn hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày. 

Hà Nguyễn (Hội Đông y quận Phú Nhuận)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI