Các lãnh đạo thế giới bị sốc khi hay tin Điện Capitol bị người biểu tình xâm nhập

07/01/2021 - 08:01

PNO - Các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới đã lên án vụ “tấn công” tòa nhà Quốc hội Mỹ của những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump hôm 6/1 và bày tỏ sự choáng váng trước những hỗn loạn đang diễn ra ở một quốc gia họ từng coi là lãnh đạo toàn cầu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson phản đối vụ những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump “tấn công” tòa nhà Quốc hộ Mỹ vào thời điểm ở đó đang diễn ra quá trình kiểm phiếu đại cử tri đoàn để chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden - Ảnh: AP
Thủ tướng Anh Boris Johnson phản đối vụ những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump “tấn công” tòa nhà Quốc hộ Mỹ vào thời điểm ở đó đang diễn ra quá trình kiểm phiếu đại cử tri đoàn để chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden - Ảnh: AP

“Những cảnh đáng hổ thẹn trong Quốc hội Hoa Kỳ”, Thủ tướng Boris Johnson của Anh, một đồng minh gần gũi của Mỹ qua nhiều thế hệ, viết trên Twitter. Ông cho biết, "Hoa Kỳ đại diện cho nền dân chủ trên toàn thế giới và điều quan trọng bây giờ là phải có một sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và có trật tự”.

Các đồng minh khác của Mỹ cũng kinh ngạc trước những gì họ mô tả là “một cuộc tấn công vào nền dân chủ Mỹ”, mặc dù một số người nói rằng họ tin rằng các thể chế dân chủ của Mỹ sẽ chống chọi được với tình trạng hỗn loạn. Một số nhà lãnh đạo đã dùng những lời gay gắt chỉ trích Tổng thống Mỹ Trump, người được cho là đứng sau diễn biến này.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas viết trên Twitter: “Ông Trump và những người ủng hộ ông ấy cuối cùng nên chấp nhận quyết định của cử tri Mỹ và ngừng chà đạp lên nền dân chủ”. Ông nhấn mạnh: "Từ những lời nói kích động đến hành động bạo lực, sự khinh thường đối với các thể chế dân chủ có những tác động tai hại”.

"Đó là vẻ đẹp của nền dân chủ?", ông Bashir Ahmad, trợ lý riêng của Tổng thống Nigeria, người đã chứng kiến ​​một số cuộc đảo chính kể từ khi độc lập, thốt lên hài hước trên Twitter.

Tổng thống Chile Sebastián Piñera và Tổng thống Colombia Iván Duque nằm trong số các lãnh đạo Mỹ Latinh lên án những người biểu tình hôm 6/1 ở Washington, nhưng cả hai nói rằng họ tin tưởng “nền dân chủ Mỹ và pháp quyền sẽ chiến thắng”.

“Trong tình tiết đáng buồn này ở Mỹ, những người ủng hộ chủ nghĩa phát xít đã thể hiện bộ mặt thật của họ: phản dân chủ và hiếu chiến”, Luis Roberto Barroso, thẩm phán Tòa án tối cao Brazil viết. Ông nói rằng ông hy vọng “xã hội và các thể chế của Mỹ phản ứng mạnh mẽ trước mối đe dọa đối với nền dân chủ”.

Venezuela, quốc gia đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, cho biết các sự kiện ở Washington cho thấy rằng Hoa Kỳ “đang phải gánh chịu những gì họ đã tạo ra ở các quốc gia khác với nền chính trị hiếu chiến của mình”.

Ở Puerto Rico, nhiều người đã lên mạng xã hội và nói đùa rằng lãnh thổ này không còn muốn trở thành tiểu bang của Hoa Kỳ nữa. Họ nói rằng nền độc lập lần đầu tiên sau nhiều thập niên “trông thật hấp dẫn”.

Người Ý bàng hoàng theo dõi các sự kiện ở Washington, họ luôn coi Hoa Kỳ là hình mẫu của nền dân chủ và là quốc gia đã giải cứu nước Ý trong Thế chiến thứ hai.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli, người đứng đầu một trong những cơ quan lập pháp lớn nhất thế giới, cũng phê phán cảnh tượng ở Điện Capitol. Liên minh châu Âu đã trải qua bốn năm khó khăn để đối phó với chính quyền Trump, và các quan chức hàng đầu của EU đã nhiều lần nói rằng họ mong muốn có một mối quan hệ tốt hơn dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden.

“Đây là sự nổi dậy, không hơn không kém ở Washington”, cựu thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt viết trên Twitter.

Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh NATO đôi khi có mâu thuẫn với Washington, bày tỏ lo ngại về hình ảnh những người ủng hộ Trump cố gắng ngăn cản việc chứng nhận ông Biden là tổng thống mới. Sự hỗn loạn buộc các nhà lập pháp phải vội vã rời khỏi tòa nhà. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi tất cả các bên ở Hoa Kỳ thể hiện “ôn hòa và lương tri”. Tuyên bố của Bộ cũng kêu gọi công dân Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ tránh xa các đám đông và biểu tình.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết đất nước của ông "vô cùng lo lắng và đau buồn" trước các sự kiện ở Mỹ, một đồng minh và láng giềng thân cận nhất của Canada. Ông viết trên Twitter: “Bạo lực sẽ không bao giờ thành công trong việc chế ngự ý chí của người dân, nền dân chủ ở Mỹ phải được duy trì và nó sẽ như vậy”.

Volkan Bozkir, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc gồm 193 thành viên, cho biết ông rất buồn trước những diễn biến ở Washington. Tuy nhiên, ông cho biết: "Tôi tin rằng hòa bình và tôn trọng các quy trình dân chủ sẽ chiếm ưu thế ở nước Mỹ vào thời điểm khó khăn này”.

Trong một diễn biến mới nhất, các nhà lập pháp Mỹ cho biết công việc chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tiếp tục vào tối nay (theo giờ địa phương).

Bất chấp bạo lực và hỗn loạn bất thường xảy ra ở Điện Capitol hôm 6/1, các nhà lập pháp ở cả hai đảng và cả hai viện cho biết Quốc hội sẽ tiếp tục công việc chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden vào cuối buổi tối.

Hình ảnh “đáng xấu hổ” trước nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1 - Ảnh: The Hill/Getty Images
Hình ảnh “đáng xấu hổ” trước nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1 - Ảnh: The Hill/Getty Images

Dân biểu đảng Dân chủ James Clyburn khẳng định họ “không nhụt chí và tối nay Quốc hội sẽ tiếp tục công việc xác nhận phiếu bầu cử tri đoàn”.

Thượng nghị sĩ (TNS) Cộng hòa Kevin Cramer cho biết Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell cũng nói các nghị sĩ mong đợi quá trình sẽ tiếp tục vào tối thứ Tư. "Chúng tôi sẽ hoàn thành tối nay. Mọi người cam kết ở lại để hoàn thành công việc của mình", TNS Dân chủ Joe Manchin tuyên bố.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sau đó đã xác nhận quyết định của mình, bà mô tả những gì đã xảy ra tại Điện Capitol là "một cuộc tấn công đáng xấu hổ" đối với nền dân chủ, nhưng điều đó không thể "ngăn cản chúng tôi thực thi trách nhiệm xác thực cuộc bầu cử của ông Joe Biden”.

Hoàng Diệu (theo AP, The Hill)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI