Ngày đầu tiên đến trường đại học dự lễ khai giảng, tôi háo hức vô cùng. Xung quanh tôi là những người bạn cùng trang lứa từ mọi miền đất nước. Có một bạn gái gây nhiều sự chú ý, vì bạn được “hộ tống” bởi người mẹ già, các anh chị em và cả một đàn cháu gần chục đứa. Tôi hỏi tại sao quê tận biên giới phía Bắc lại chọn thi đại học trong Nam, Hiên nói bởi vì có má và anh chị em “ở trong này”.
Thời trẻ, bố Hiên là bộ đội tập kết ra Bắc, để lại ba đứa con cho vợ hiền chăm lo. Mấy năm sau, bố nhận được thư ông bà nội, bảo cả gia đình đều chết trong một trận bom. Ông bà cũng qua đời vài năm sau đó. Chiến tranh kết thúc, bố ở lại miền Bắc lập nghiệp, nhà nghèo nên chưa một lần thu xếp được chuyến trở về quê hương. Rồi bố kết hôn với mẹ, sinh ra Hiên.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Lúc Hiên bốn tuổi, gia đình trong Nam bất ngờ liên lạc được với bố. Thì ra vợ con của bố chỉ di cư đến nơi khác để tránh vùng chiến tuyến. Ông bà cũng chạy loạn, xa quê một thời gian dài. Từ đó mọi người mất hẳn tin tức của nhau. Khi biết vợ con đều bình an. Bố bị giằng xé nội tâm một thời gian dài, nửa muốn hồi hương, nửa không thể rời mẹ con Hiên.
Họ hàng đều không muốn gia đình Hiên tan vỡ. Mọi người nói quá khứ nên cất vào một góc, hiện tại và tương lai quan trọng hơn. Bây giờ bố là chồng hợp pháp của mẹ, là cha của Hiên. Mẹ có quyền bảo vệ gia đình của chính mình. Bằng mọi cách, mẹ phải ngăn cản bố hồi hương. Trong trường hợp không thể, mẹ cần bắt bố cam kết đó chỉ là chuyến đi ngắn thăm nom con cháu rồi quay trở về với gia đình hiện tại. Mẹ có đủ lý do để giữ bố, nhất là lúcHiên còn quá bé bỏng, trong khi các anh chị ở miền Nam hầu hết đã trưởng thành. Nhưng mẹ đã không nghe theo những lời khuyên đó, chính mẹ đã vay mượn mua sắm mọi thứ, kể cả vé tàu và quà mừng cho các con lớn của bố. Sợ bố không đồng ý, mẹ đợi cận kề ngày lên tàu mới nói bố biết. Mẹ ép bố trở về quê nhà.
Những năm tháng khó khăn ấy, chiếc vé tàu đi xa là cả một gia tài. Mẹ biết, một khi đã vào đến miền Nam, dù bố có muốn quay lại với mẹ con Hiên cũng không dễ. Từ đó, Hiên lớn lên không có bố bên cạnh, chỉ có những bức thư bố thường xuyên gửi ra thăm hai mẹ con. Thỉnh thoảng má lớn và các anh chị cũng hỏi thăm và gửi quà cho Hiên trong dịp lễ tết.
Bố qua đời. “Má lớn” đi bộ ba cây số để đến trạm bưu điện gọi báo tin cho mẹ Hiên. Đó là lần đầu tiên hai người vợ nói chuyện với nhau. Cước điện thoại lúc đó không rẻ. Cả hai đều bỡ ngỡ với điện thoại, lúng túng không biết nói gì, chỉ cùng nhau khóc.
“Má lớn” và các anh chị khuyên Hiên nên thi đại học trong Nam. Má cũng gợi ý mẹ Hiên chuyển vào Nam sống, nhưng mẹ chỉ thích ở lại quê cha đất tổ. Mẹ ủng hộ con gái vào Nam để gần gũi gia đình lớn và được các cháu hỗ trợ. Hầu hết các cháu đều bằng tuổi hoặc lớn hơn Hiên, đang là sinh viên ở TP.HCM. Đó là lý do Hiên được “cả họ” tháp tùng trong ngày khai giảng.
Sau này trở thành bạn thân, tôi mới biết Hiên được “má lớn” cưng chiều. Lúc nào Hiên nghỉ học vài ngày là má giục các cháu đưa cô út về nhà. Có lần má còn tiết lộ đã để cho Hiên một phần tài sản như các anh chị, khi má trăm tuổi. Vợ chồng anh Hai ra Bắc công tác cũng đến nhà thăm mẹ Hiên, lễ phép và hiếu thảo. Để tiết kiệm, hai người mẹ sắp xếp bảo anh chị đến ở cùng mẹ Hiên. Anh chị đều gọi mẹ Hiên là mẹ, dù chỉ nhỏ hơn vài tuổi.
Tôi nói với Hiên, có lẽ vì hai người phụ nữ thấy có lỗi với nhau, nên mới bù đắp cho nhau nhiều như thế thông qua con cháu. Hiên đồng ý, nhưng cho rằng đó chỉ là một phần nhỏ lý do. Điều cốt lõi là, hai mẹ của Hiên đều rất yêu bố, và bố cũng yêu cả hai, vừa tình vừa nghĩa, rất khó so sánh. Tình nghĩa đã để lại trong lòng bố những ray rứt khó tả, kéo dài đến cuối đời. Không ai nỡ trách bố, mọi người chỉ cố gắng sống với nhau thật tốt để phần nào làm cho bố thanh thản.
Chia xa người vợ đầu để ra Bắc, buông tay người thứ hai để trở lại với vợ con sau nhiều năm nghĩ họ đã từ giã cõi đời. Hai cuộc chia ly chẳng những không có oán trách giận hờn mà còn được sự đốc thúc, ủng hộ từ chính người bị bỏ lại. Thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ đến hai mẹ của Hiên. Họ cho tôi những cảm xúc đẹp dù chỉ là những người phụ nữ giản dị bình thường.
Quỳnh An