BV Bưu Điện TP.HCM: 15 bệnh nhân nằm chung một giường

14/06/2014 - 15:05

PNO - PNO - Ngày 13/6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, tiến hành bắt giữ Trương Anh Kiệt, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bưu Điện TP.HCM (còn gọi là BV Bưu Điện II), theo điều 281 Bộ luật Hình sự về hành vi “lợi dụng chức vụ,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Liên quan đến vụ án, CQĐT cũng khởi tố 2 bị can là ông Phạm Văn Sửu, Trưởng phòng Kế toán và bà Trương Bích Nguyệt, Trưởng phòng Kế hoạch, nhưng cho tại ngoại để điều tra.

BV Buu Dien TP.HCM: 15 benh nhan nam chung mot giuong

Nguồn ảnh: Internet.

Không kê giường nhưng vẫn kê người bệnh

Theo thông tin ban đầu, trong thời kỳ đương nhiệm, lợi dụng chủ trương của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về việc hỗ trợ kinh phí điều trị cho cán bộ, nhân viên, ông Trương Anh Kiệt cùng hai bị can trên đã chỉ đạo các phòng, ban lập khống hồ sơ bệnh án, nâng khống số ngày điều dưỡng, điều trị nội trú tại bệnh viện nhằm quyết toán khống 23,1 tỉ đồng tiền hỗ trợ của Tập đoàn. Bước đầu, CQĐT làm rõ, ông Kiệt đã hưởng lợi bất chính gần 118 triệu đồng; ông Sửu hơn 76 triệu đồng, và bà Nguyệt hưởng lợi hơn 77 triệu đồng.

Trong thời gian qua, dư luận cũng xôn xao trước những vấn đề bất thường tại bệnh viên này: có những đơn vị thành viên của ngành bưu điện bỗng dưng “bệnh hàng loạt” và kéo nhau nằm điều trị ở bệnh viện này dài ngày; có những khoa không có giường bệnh thực kê hoặc chỉ có vài giường nhưng mỗi ngày trong hồ sơ vẫn báo cáo có đến hàng chục bệnh nhân nằm điều trị nội trú. Điển hình là khoa Phục hồi chức năng- Liên chuyên khoa (PHCN-LCK) của bệnh viện không có giường thực kê nhưng trong hồ sơ lúc nào cũng có bệnh nhân điều trị nội trú.

Theo tài liệu điều tra, ngày 5 và ngày 7/3/2013, có hơn 50 bệnh nhân là nhân viên của ngành bưu chính, viễn thông tỉnh B... nhập viện điều trị ở khoa PHCN-LCK của Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện TP.HCM. Sau điều trị 15 ngày, hơn 50 nhân viên này được cho xuất viện. Khi số lượng lớn nhân viên ở tỉnh này chưa xuất viện thì ngày 12/3/2013, hơn 40 nhân viên khác cũng ở tỉnh B.... được nhập viện vào khoa PHCN-LCK để điều trị. Ngày 27/3, tức 15 ngày nằm điều trị tại đây, số bệnh nhân này cũng được xuất viện.

Tiếp đó, trong ngày 23/5/2013, có 20 nhân viên của ngành bưu điện ở tỉnh B.T cũng được nhập viện vào khoa PHCN- LCK để điều trị 15 ngày.

Khoa Nội - Lão khoa của bệnh viện này có 18 giường thực kê nhưng trong các ngày từ mồng 3 đến mồng 10 và 13,14, 22,23,24 và 26/5 tiếp nhận tới 250 bệnh nhân là cán bộ công nhân viên ngành bưu điện ở tỉnh Đ... vào điều trị. Tiếp đó, ngày 5/9/2013, toàn bệnh viện có 221 bệnh nhân, riêng ở khoa Nội - Lão khoa có 127 bệnh nhân nằm điều trị, hầu hết đều bị… suy nhược cơ thể. Đáng chú ý là đến ngày 6/9, khi Thanh tra Tập đoàn Bưu chính Viễn thông vào làm việc thì số bệnh nhân ở khoa Nội - Lão khoa đột ngột giảm còn… 17 người.

Trước đó, ngày 7/6/2012, nơi đây có 4 nhân sự nhưng số phải theo dõi cho 273 bệnh nhân điều trị, tương đương một người phải lo cho gần 70 bệnh nhân và với số thực kê 18 giường, tính ra có hơn 15 bệnh nhân nằm chung… một giường.

Phân công hộ lý, lái xe đi đo huyết áp

Trong tờ trình thành lập đoàn khám sức khỏe cho cán bộ nhân viên Công ty NLSG, ông Trương Anh Kiệt đã duyệt “phân công” cho tài xế P.H.C và hộ lý P.T.L làm nhiệm vụ đo huyết áp, chiều cao, cân nặng.

Đáng chú ý hơn, lãnh đạo Bệnh viện Bưu Điện II còn phân công cho kỹ thuật viên B.L.H lên làm “bác sĩ” đọc kết quả giải phẫu bệnh. Một bác sĩ bệnh viện bức xúc, mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 5.000 bệnh nhân trong và ngoài ngành bưu điện đến thăm khám và làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung (còn được gọi là xét nghiệm PAPSMEAR). Đây là xét nghiệm khá quan trọng với mục đích phát hiện sớm các thay đổi ở tế bào cổ tử cung để phát hiện sớm ung thư. Hồi trước, Bệnh viện đa khoa Bưu Điện II đã thuê một thạc sĩ - bác sĩ công tác ở Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM đọc kết quả.

Tuy nhiên, sau đó, để “tiết kiệm” kinh phí, Bệnh viện đa khoa Bưu Điện II đã giao cho kỹ thuật viên B.L.H đọc kết quả.

Khi phát hiện ra sự việc, tháng 3/2013, các bác sĩ bệnh viện này yêu cầu chấn chỉnh nhưng kiến nghị trên vẫn không được ban giám đốc bệnh viện lưu tâm. Vì vậy, trong hàng nghìn bệnh nhân thực hiện khám chữa bệnh nơi đây đều chỉ nhận kết quả “bình thường” hoặc bị “viêm” không rõ lý do. Đến nay, lợi nhuận từ viêc làm này cũng không biết chảy vào túi ai?.

Vinh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI