Bộ Y tế vào cuộc vụ không đi test, vẫn được cấp giấy xét nghiệm âm tính

10/07/2021 - 17:19

PNO - Chiều 10/7, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết vừa có công văn khẩn gửi Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng và Sở Y tế các địa phương về việc xử lý thông tin phản ánh trên báo chí và tăng cường giám sát xét nghiệm COVID-19.

Trước đó, ngày 9/7, một số cơ quan báo chí có phản ánh thông tin không đi test vẫn được cấp giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Trong các thông tin này có nêu về công nhân một công ty tại Khu công nghiệp Tân Hương (Tiền Giang) được phát một tờ giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 dù không đi xét nghiệm, lấy mẫu.

Ngoài ra, có thông tin phản ánh giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 giả Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Tiền Giang, Sở Y tế Long An, Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng khẩn trương xác minh thông tin báo chí nêu và có biện pháp xử lý nghiêm, công khai thông tin cho cơ quan truyền thông được biết. Báo cáo kết quả về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trước ngày 12/7/2021 để kịp tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.

Bộ Y tế cũng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hoặc báo cáo UBND cấp tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi giả mạo kết quả xét nghiệm COVID-19, quy định phòng chống dịch trên địa bàn.

Bộ Y tế yêu cầu lên các phương án để không xảy ra thiếu thuốc trong tình trạng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp
Bộ Y tế yêu cầu lên các phương án để không xảy ra thiếu thuốc điều trị COVID-19 

Dịch COVID-19 phức tạp, Bộ Y tế yêu cầu không được đầu cơ, đẩy giá thuốc

Ngày 10/7, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn về việc đảm bảo cung ứng, bình ổn giá thuốc phòng, chống COVID-19. Theo đó, hiện nay tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đặc biệt là TPHCM và một số tỉnh, thành đang diễn biến rất phức tạp.

Để đảm bảo việc bình ổn giá thuốc và ổn định thị trường thuốc trong nước, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ, kịp thời các thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu điều trị cho người bệnh mắc COVID-19, đặc biệt với các thuốc khan hiếm nguồn cung, ít hoặc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam mà được khuyến cáo sử dụng trong điều trị COVID-19.

Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về quản lý giá thuốc như niêm yết giá thuốc và bán theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá kê khai, kê khai lại đã công bố.

Bộ Y tế đặc biệt nhấn mạnh: “không được lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao. Các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở kinh doanh rà soát năng lực bảo quản, vận chuyển, tiếp nhận vắc xin COVID-19 phục vụ chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 toàn quốc, sẵn sàng tham gia khi được yêu cầu.

Đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ, phải triển khai kế hoạch dự trữ thuốc để đảm bảo sẵn sàng cung ứng thuốc, tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân đặc biệt là bệnh nhân COVID-19, thực hiện đúng các quy định về quản lý giá.

Đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo nguồn cung thuốc phòng và điều trị COVID-19, đảm bảo cung ứng thuốc theo các hợp đồng đã ký với các cơ sở khám chữa bệnh. Đảm bảo việc tồn trữ thuốc, nguyên liệu làm thuốc, giữ ổn định hệ thống phân phối, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Các đơn vị này cần xây dựng các kịch bản cụ thể hóa biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nhằm hạn chế đến mức thấp nhất lây lan dịch bệnh tại nhà máy, công sở, đảm bảo sức khỏe, an toàn vệ sinh lao động cho người lao động.

Đối với các đơn vị có kho bảo quản lạnh 2-8 độ C hoặc âm sâu, Bộ Y tế đề nghị rà soát năng lực bảo quản các sản phẩm lạnh, sắp xếp lại và dành dung tích tối đa có thể bảo quản vắc xin COVID-19 khi được yêu cầu phục vụ chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 toàn quốc.

Trường hợp giá nguyên vật liệu đầu vào của các thuốc hoặc giá thuốc nhập khẩu tăng, đề nghị công ty nghiên cứu xem xét giảm các chi phí không cần thiết khác như: chí phí bán hàng, chi phí quản lý...để thực hiện việc bình ổn giá trong thời gian dịch bệnh COVID-19.  Đối với trường hợp thuốc hiếm nguồn cung, Cục Quản lý Dược sẽ ưu tiên giải quyết nhanh về việc cấp giấy đăng ký lưu hành, cấp giấy phép nhập khẩu để kịp thời có thuốc cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh khi có đề nghị của các đơn vị.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI