Bộ y tế đánh giá mức độ dịch COVID-19 của địa phương dựa vào số ca nặng và tử vong

25/11/2021 - 10:45

PNO - Bộ Y tế cho biết sẽ dựa vào số ca nặng và tử vong để đánh giá mức độ dịch của các địa phương.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết điều trị COVID-19 sáng 25/11
Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết điều trị COVID-19 sáng 25/11

Sáng 25/11, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết điều trị COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Trong đó, công tác hướng dẫn, điều trị COVID-19 đã có nhiều thay đổi. Việt Nam đã thử nghiệm lâm sàng nhiều loại thuốc, nhiều biện pháp điều trị COVID-19 và rút ra được một số điểm quan trọng.

Thứ nhất, ngành y tế đã xây dựng được gói thuốc A ở TPHCM như thuốc hạ nhiệt, ho, thuốc bổ…  để cấp cho các F0 điều trị tại nhà. Gói thứ 2 là kháng viêm, kháng đông. Gói thứ 3, chúng ta đã áp dụng thành công Molnupiravir thí điểm trong cộng đồng có kiểm soát. “Dù thí điểm nhưng hiện Việt Nam đã cấp gần 250.000 liều và kết quả sơ bộ hết sức khả quan. Tỷ lệ âm tính sau khi dùng Molnupiravir sau 5 ngày là từ 72 - 93%. Tỷ lệ tử vong giảm khoảng 50% so với nhóm không dùng Molnupiravir”, Thứ trưởng thông tin.

Bên cạnh đó, các loại thuốc tốt nhất, đánh giá hứa hẹn trong điều trị COVID-19 đã được đưa vào sử dụng ở các trung tâm điều trị, cũng đã đem lại thành công.

Từ ngày 1/10, Việt Nam trở về tình trạng thích ứng linh hoạt, trong giai đoạn đầu có nhiều khả quan như tỷ lệ mắc COVID-19 ở các địa phương giảm nhiều, tỷ lệ tử vong giảm, có lúc giảm xuống dưới 3 con số.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, kết quả này có sự đóng góp, nỗ lực của ngành y và cụ thể là chiến lược thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19, trong đó có Molnupiravir, góp phần làm giảm số ca trở nặng và tử vong.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, tới cuối tháng 11 này, sẽ có một số điều chỉnh trong công tác phòng chống COVID-19, hiện Bộ Y tế đang giao cho Cục Môi trường Y tế phối hợp một số cục vụ để xây dựng chiến lược tổng thể. Đến ngày 30/11, cơ bản sẽ hoàn thành tiêm vắc xin COVID-19 cho 75% người trên 18 tuổi (kể cả trên 65 tuổi).

Về số ca mắc/100 ngàn dân/tuần, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định trong thời gian tới sẽ không chú trọng. “Chúng ta khuyến khích người dân tự phát hiện, khi có triệu chứng cần đến cơ sở y tế để tiếp cận. Do đó, xu hướng của chúng ta là sẽ đánh giá tỷ lệ nhập viện, số ca bệnh trở nặng và tử vong”, Thứ trưởng nói. Đồng thời cho rằng, trong thời gian tới, nếu có sự thay đổi thì sẽ dựa vào số ca nặng và tử vong để đánh giá mức độ dịch.

Lãnh đạo ngành y tế cũng khuyến khích các địa phương, khi đánh giá mức độ dịch càng chia nhỏ càng tốt, có thể theo cụm dân cư, tổ dân phố… để có biện pháp nhỏ gọn, hiệu quả, đặc biệt làm sao để chăm sóc y tế tiếp cận được người dân.

“Để làm được điều đó, cần nỗ lực cung ứng thuốc, đặc biệt là thuốc gói C, trong đó có Mulnopiravir. Ngày hôm nay 25/11, chúng ta đã nhập Avigan của Nhật để cấp cho các địa phương”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin.

Hôm nay, Việt Nam nhập khẩu Avigan của Nhật điều trị COVID-19 và cấp cho các địa phương
Hôm nay, 25/11, Việt Nam nhập thuốc điều trị COVID-19 Avigan của Nhật và cấp cho các địa phương

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết, hiện tình hình dịch bệnh trên thế giới và tại Việt Nam vẫn vô cùng phức tạp. Dù đã vượt giai đoạn gay cấn nhất của làn sóng dịch COVID-19 thứ tư, nhưng chúng ta không được lơ là, chủ quan mà cần chuẩn bị sẵn sàng để có thể ứng phó nếu các làn sóng COVID-19 mới xuất hiện.

Bộ Y tế cho biết, hiện đang có 95.932 trường hợp F0 điều trị tại nhà (chiếm 51,9%), 10.491 ca đang ở khu cách ly (5,68%), 78.406 ca đang điều trị tại bệnh viện (42,42%).

Về công tác tiêm chủng, hiện có gần 68 triệu người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin COVID-19, hơn 45 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI