Bộ trưởng Bộ Tài chính: "Muốn thay một bóng đèn bệnh viện cũng phải lập dự án"

31/10/2022 - 18:43

PNO - Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ ra nhiều bất cập trong luật khiến việc triển khai, thực hiện các dự án bị chậm trễ, vô hình gây ra thất thoát, lãng phí.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu ra nhiều quy định còn bất cập khiến việc triển khai dự án bị chậm, gây ra lãng phí, thất thoát

Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu ra nhiều quy định còn bất cập khiến việc triển khai dự án bị chậm, gây ra lãng phí, thất thoát

Chậm tiến độ vì loay hoay câu chuyện “quả trứng và con gà”

Chiều 31/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình ý kiến của nhiều ĐBQH về vấn đề tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tiêu cực.

Theo Bộ trưởng, công tác thực hành tiết kiệm trong nhiệm kỳ vừa qua năm 2016 - 2020 đã đạt được những kết quả rất tốt. Tuy nhiên, ông chỉ ra, Việt Nam là đất nước đang phát triển và đổi mới nên vấn đề quy định của pháp luật thường đi sau thực tiễn, như vậy cần phải được hoàn thiện một cách kịp thời và nhanh chóng, tạo đà cho việc phát triển và là nền tảng cho việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

“Chúng tôi rất mong Quốc hội hết sức thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ, hỗ trợ Chính phủ để hoàn thiện pháp luật một cách nhanh nhất, tạo ra 1 đường băng để cho kinh tế phát triển”, Bộ trưởng nói.

Ông chỉ ra, một số nguyên nhân tác động đến vấn đề thực hành tiết kiệm, vì phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương và nhiều đơn vị nên vấn đề về quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật cần phải được hoàn thiện, nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý và giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính nêu vấn đề thực tiễn: “Tôi lấy ví dụ Luật Đầu tư công quy định quả trứng và con gà, con gà có trước hay quả trứng có trước. Chính điều này cũng tác động đến tại sao giải ngân chậm, chậm tiến độ, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần hay các vấn đề liên quan. Trong Luật Đầu tư công quy định: "Dự án đầu tư phải được phê duyệt trước ngày 30/10 thì mới được bố trí vốn đầu tư công". Luật Đầu tư công cũng quy định phải bố trí vốn thì mới lập được dự án và thiết kế. Mà chưa có vốn thì không lập được dự án, không lập được dự án lại đòi hỏi có dự án mới được vay vốn...".

Hay ông chỉ ra câu chuyện Luật Đầu tư công quy định tiền sửa chữa các công trình như nhà ở, đường xá, xe đều phải đưa vào trong Luật, có nghĩa phải được ghi vào vốn của đầu tư công mới được triển khai: “Gần như các cơ quan, đơn vị rất bế tắc. Khi nhà bị hỏng, nhà bị sập, hàng rào sập cần phải xây lại, không có vốn thì rất bí. Muốn thay một bóng đèn của thiết bị bệnh viện cũng phải lập dự án. Chúng tôi thấy rất ách tắc trong Luật Đầu tư công, cho nên chúng tôi đã lấy ý kiến của 84 bộ, ngành, tức là gồm có 63 địa phương và lấy ý kiến của 21 bộ, ngành thì có 83 ý kiến đồng ý, một bộ, ngành không đồng ý. Chúng tôi đề nghị dưới 15 tỷ về vấn đề sửa chữa các công trình kiến trúc, nhà cửa… thì không phải thực hiện Luật Đầu tư công để trình Quốc hội kỳ này, mong Quốc hội chia sẻ và ủng hộ”.

"Sử dụng xe công 20 năm, tiền sửa chữa nhiều hơn mua mới"

ĐBQH Trần Đình Gia nêu việc sử dụng xe công tới 20 năm khiến tiền sửa chữa nhiều hơn mua mới
Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia nêu việc sử dụng xe công tới 20 năm khiến "tiền sửa chữa nhiều hơn mua mới"

Tại phiên thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, rất nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu vấn đề bất cập liên quan tới việc sử dụng xe công. ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho biết, hiện có quy định sử dụng trong 20 năm. Tuy nhiên, với thời gian này, xe ô tô công sẽ xuống cấp, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa "còn tốn kém hơn mua xe mới". Đây chính là quy định thực chất gây ra lãng phí.

Ông cũng cho rằng, định mức xe công cũng cào bằng, chưa sát thực tiễn. Cơ quan nhu cầu xe ít thì được bố trí nhiều, trong khi có địa phương quản lý địa bàn rộng, số lượng cán bộ đi công tác nhiều, thì chỉ được bố trí 1-2 xe. Có đơn vị thiếu xe phải thuê, mượn, ảnh hưởng đến nhu cầu công việc và phát sinh chi phí.

Cùng quan điểm trên, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu bất cập khi nhiều địa phương không được mua ô tô công mới mà phải dùng xe cũ do chưa hết hạn sử dụng, khiến chi phí sửa chữa rất tốn kém. Mỗi sở, ngành cấp tỉnh chỉ được sử dụng một xe công là bất cập. Cán bộ đi công tác phải thuê xe tư nhân, rồi hợp thức hóa chứng từ.

Theo ĐBQH, tiết kiệm và lãng phí luôn song hành, nhưng nội hàm khác nhau. Tiết kiệm chi trên các lĩnh vực, kể cả khu vực công và tư, là cần thiết để tích lũy đầu tư phát triển, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, không nên giảm chi tiêu những thứ cần thiết. "Những khoản đáng chi thì phải chi, nhằm mang lại hiệu quả, kích thích lao động sản xuất, tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho cán bộ, công chức, viên chức", ông nói.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ, Bộ Tài chính đang xây dựng các quy định về các định mức sử dụng xe ô tô. Hiện Bộ đã 2 lần công khai trên Cổng Thông tin điện tử và đã tổ chức họp hội thảo lấy ý kiến của 63 tỉnh thành, lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách, hiện nay đã được hoàn chỉnh.

"Có ý kiến cho rằng ở cấp huyện chỉ được một xe ô tô, hiện nay trong dự thảo của Nghị định 04 có 6 ô tô, tối thiểu 6 ô tô, còn lại nếu đạt được một trong ba tiêu chí thì được thêm một ô tô nữa, đạt 2 tiêu chí trở lên thì thêm 2 ô tô nữa, có thể nói là 8 ô tô…. Chúng tôi đã lấy ý kiến rất kỹ và cũng sẽ trình với Chính phủ để ban hành và sửa các luật, đảm bảo cho giải quyết các nút thắt hiện nay", Bộ trưởng thông tin tại nghị trường Quốc hội.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI