Bộ Nông nghiệp nhận khuyết điểm với bà con

08/06/2022 - 14:26

PNO - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan trả lời chất vấn của đại biểu về giá vật tư, nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao trong phiên chất vấn sáng ngày 8/6.

Bộ trưởng cho rằng, đây là vấn đề thị trường. Thị trường luôn biến động. Trong thời gian qua, Bộ đã phối hợp với Bộ Công thương triển khai siết chặt công tác quản lý thị trường, tránh tát nước theo mưa, hàng gian hàng giả.

Đồng thời, chỉ đạo các hệ thống, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh vật tư đầu vào ngành nông nghiệp, góp phần giảm thiểu đà tăng giá.

“Việc tăng giá theo quy luật thị trường. Chúng ta chỉ giảm thiểu mà thôi”, bộ trưởng Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh: Quochoi.vn

Bộ NN&PTNT cũng phối hợp với hệ thống nông nghiệp, các cơ quan chuyên môn trực thuộc các sở NN&PTNT ở các địa phương vào cuộc cùng với Cục Quản lý thị trường để tăng cường kiểm tra, giám sát.

“Dẫu vậy, đây vẫn là một câu chuyện nhức nhối. Xét ở mặt nào đó, ta vẫn còn khuyết điểm với bà con, quản lý thị trường chưa tốt”, cá nhân bộ trưởng nhận trách nhiệm phần nào về mình.

Theo người đứng đầu Bộ NN&PTNT, “chúng ta phải thay đổi”. Ông Hoan dẫn ra những mô hình làm nông nghiệp ở Đồng bằng Sông Cửu Long, bà con tiết kiệm được 30 - 40% chi phí đầu vào nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất từ việc sử dụng phân vô cơ sang hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Đại diện Bộ NN&PTNT thông tin, Bộ sẽ cung cấp mô hình này đến bà con trong thời gian tới.

“Bộ sẽ tổng kết từng mô hình, đánh giá, so sánh chi phí giữa mô hình sản xuất truyền thống và mô hình mới. Đồng thời kiến nghị với Chính phủ những điều kiện để bà con tiếp cận mô hình mới. Từ mô hình cũ sang mô hình mới, ít nhất phải có cơ chế để hỗ trợ, tạo động lực cho bà con thay đổi”, bộ trưởng Hoan diễn giải.

Tại phiên chất vấn, ông Hoan chia sẻ một lời nhắn nhủ của một nhà tài trợ quốc tế: “Mọi sự thay đổi đều là khó khăn. Nếu không thay đổi sẽ khó khăn hơn nữa. Chúng ta cân nhắc quá nhiều về cái giá cho sự thay đổi nhưng ít cân nhắc về cái giá cho sự không thay đổi”.

Theo đó, xu thế tiêu dùng bắt buộc chúng ta phải cho ra những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường, hay còn gọi là chuẩn sinh thái. Việc chuyển từ nông nghiệp truyền thống, không chất lượng sang chuẩn chuẩn sinh thái là điều sớm muộn cũng phải làm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, Bộ sẽ minh bạch danh mục giá phân, thuốc, sẽ công bố những doanh nghiệp làm ăn không chân chính trong thời gian qua.

Bộ cũng khuyến khích những doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng kinh doanh những mặt hàng liên quan đến nông nghiệp, cùng chung tay với nhà nước chuyển đổi mô hình, chuyển đổi thiết chế.

“Từ đầu vào, sẽ quyết định đầu ra. Khi đầu ra chuẩn rồi, thị trường đỡ đứt gãy hơn”, ông Hoan nói.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết Chính phủ sẽ rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, từ đó quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi, từng bước tự chủ nguồn cung, giảm nhập khẩu để không bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới, góp phần ổn định và giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để có sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao.

Qua số liệu thống kê, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu 60%. Năm 2021, nhập khẩu 22,3 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giá trị nhập khẩu gần 10 tỉ USD, trong đó có hơn 10 triệu tấn ngô, 5 triệu tấn khô dầu đậu tương. Phân bón nhập khẩu khoảng 42% nhu cầu, năm 2021 nhập khẩu khoảng 4,5 triệu tấn, giá trị 1,4 tỉ USD; giống cây trồng vật nuôi nhập khẩu là chủ yếu. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Nông sản, nhất là rau quả, vẫn chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tình trạng được mùa mất giá, ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc xảy ra thường xuyên hằng năm, gây thiệt hại nhiều mặt về kinh tế - xã hội.

Đ.Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI