Bố mẹ lên rẫy, chị địu em vượt cái lạnh hân hoan đi tựu trường

05/09/2016 - 09:46

PNO - Chỉ mới đầu mùa Thu nhưng nhiều học sinh tại huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) đã mặc áo ấm địu em tới trường. Còn giáo viên vào nương rẫy vận động phụ huynh cho con đi học.

Học sinh vùng biên giới mặc áo ấm tới trường 

Không khí ngày khai giảng năm học mới đã về tới mỗi bản làng. Từ sáng sớm, khi sương mù vẫn còn giăng kín đường đi nhưng các em học sinh trường Tiểu học Nậm Cắn (Kỳ Sơn) đã có mặt tại trường. Khuôn mặt mỗi em hiện lên nét vui tươi, háo hức chờ đợi giờ vào lớp. Trên sân trường, từng nhóm học sinh “tụm ba, tụm bảy” chuyện trò, 3 tháng nghỉ hè đủ để các em kể cho nhau nghe những câu chuyện mới lạ. Ở mỗi góc sân, từng trò chơi tuổi thơ được tái hiện. Nhảy dây, chơi ô đếm đá, mèo vờn chuột... là trò chơi mà các em hứng thú nhất. Thầy giáo, cô giáo thì bận rộn sắp xếp lại những thiết bị cần thiết cho năm học mới. 

Bo me len ray, chi diu em vuot cai lanh han hoan di tuu truong
Bố mẹ lên nương rẫy, chị địu em tới trường.

Do đặc thù về độ cao, địa hình (cao 1000m so với mực nước biển) nên khi tiết trời sang Thu, Nậm Cắn chìm đắm trong sương mù. Tầm nhìn hạn chế chỉ trong vòng 5m, người đi xe máy phải bật đèn mới rõ đường. Nhiệt độ vào buổi tối giảm xuống ngưỡng 16 – 20 độ C. Điều này khiến cho học sinh tới trường phải mặc áo ấm. Nhiều em co ro chịu lạnh với manh áo cộc trên người. Thầy giáo Bùi Trung Sức (Phó Hiệu trưởng Tiểu học Nậm Cắn) cho biết: “Điểm trường tại bản Khánh Thành có 47 em học sinh, 100% các em là dân tộc Khơ Mú. Đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên việc thiếu ăn, thiếu mặc là không tránh khỏi”.  

Ngoài ra, một số học sinh phải địu em cùng đến lớp. Bởi bố mẹ ở trong nương rẫy hàng tuần, có khi hàng tháng nên việc chăm sóc em nhỏ ở nhà thì giao cho anh, chị lớn hơn. Dù vậy, được đến trường là điều các em mong chờ, háo hức nhất. Em Ven Thị Thu (học sinh lớp 1, bản Khánh Thành) chia sẻ: “Bố mẹ em đi nương rẫy cuối tháng mới về, gạo thì bố mẹ đã chuẩn bị cho rồi, khi hết thì chúng em ăn khoai, em chỉ cần hái rau nấu ăn là được. Được đi học vui lắm, đến trường có nhiều bạn chơi, không để em ở nhà được nên em địu em trai đi cùng”.

 Cô giáo nấu cơm trưa để học sinh ở lại lên lớp buổi chiều 

Cách thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) khoảng 40 km, trường Tiểu học Bảo Nam 2 nằm sâu giữa núi rừng. Giống như các ngôi trường khác, giáo viên nơi đây đang bận rộn chuẩn bị cho ngày lễ tựu trường. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà năm nào giáo viên Tiểu học Bảo Nam 2 cũng thực hiện đó là vào nương rẫy vận động phụ huynh cho con tới lớp. Được biết, hầu hết người dân xã Bảo Nam là dân tộc Khơ Mú, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, việc đói ăn, đói mặc là chuyện xưa nay của họ. Do thiếu thốn nên người dân thường xuyên ở trong nương rẫy kiếm sống qua ngày. Nhiều hộ gia đình còn có con nhỏ nên dẫn đến các em trong độ tuổi đi học cũng phải theo bố mẹ để vào trông giữ em. Chính vì thế, việc thiếu vắng học sinh là điều không tránh khỏi.

Bo me len ray, chi diu em vuot cai lanh han hoan di tuu truong

Để cho các em tới lớp, giáo viên phải gặp riêng phụ huynh động viên họ gửi con ở nhà, nếu như gia đình khó khăn quá thì có thể gửi cho anh em, họ hàng. Cô Nguyễn Bích Thủy (Giáo viên trường Tiểu học Bảo Nam 2) cho biết: “Không chỉ lên nương rẫy để động viên, mấy ngày nay, giáo viên trong trường còn nấu ăn buổi trưa cho học sinh nữa. Chúng tôi phải tạo cho các em cảm giác thân thiết “cô giáo như người mẹ”. Ở đây, màu thu đã lạnh lắm rồi, người dân lại nghèo nên không có áo mặc cho con. Gặp trời mưa thì các em ngồi trong lớp run người, rên lên vì lạnh. Hôm trước, lao động dọn vệ sinh khuôn viên chuẩn bị cho khai giảng, giáo viên còn nhóm lửa cho các em sưởi ấm”. Để có được lương thực thì giáo viên trường Tiểu học Bảo Nam 2 phải vượt 15 km, còn muốn mua thịt thì vượt 20 km đường rừng. 

Bo me len ray, chi diu em vuot cai lanh han hoan di tuu truong

61 học sinh Tiểu học Yên Tĩnh học lớp tạm

Cơn bão số 3 đã qua để lại nhiều khó khăn cho người dân, giáo viên Yên Tĩnh 2 (huyện Tương Dương, Nghệ An) khi điểm trường bị sập. Để có trường lớp cho các em học sinh bước vào năm học mới, các phụ huynh, giáo viên nơi đây phải dựng lại ngôi trường tạm bằng tre, nứa. Được biết, năm học 2016 -2017, điểm trường này có 61 học sinh. 

Trước đó, mỗi bản tại xã Yên Tĩnh có một điểm trường nhưng hầu hết đều xuống cấp trầm trọng. Ở bản Huồi Pai có 5 phòng học bằng gỗ, có thể bị sập bất cứ lúc nào. Bản Pà Khốm có 2 phòng học nên không đủ, phải mượn nhà văn hóa cộng đồng. Điều này làm cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh thêm khó khăn. Giải pháp tạm thời được đưa ra là dựng một ngôi trường tạm giữa hai bản. Phụ huynh, giáo viên cùng nhau đưa tre nứa dựng trường, dây thép gai bảo vệ trường thì chung tiền mua. Các giáo viên đến trước thời điểm ngày khai giảng nhiều ngày để tạo khuôn viên.  

Bo me len ray, chi diu em vuot cai lanh han hoan di tuu truong
Ngôi trường tạm bằng tre nứa tại Tiểu học Yên Tĩnh (Tương Dương).

Hiện ngôi trường đã được hoàn thành, bàn ghế đã vận chuyển vào trong mỗi lớp. Mái lá, nền đất, bàn ghế trở nên khập khiễng mới thấu hiểu hết khó khăn của giáo viên Tiểu học Yên Tĩnh 2. Dù vậy, sự hào hứng chào đón năm học mới vẫn rộn ràng sau mỗi ô cửa lớp. Tiếng trẻ ê a tập đọc đang là động lực lớn cho những giáo viên trẻ nơi vùng cao. 

Phan Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI