Bộ GD-ĐT yêu cầu địa phương đặt hàng đào tạo, chăm lo giáo viên vùng khó

28/07/2025 - 20:44

PNO - Nhiều địa phương chưa tuyển đủ biên chế được giao, một phần do giữ lại để thực hiện tinh giản 10% biên chế theo yêu cầu chung.

Cục trưởng Vũ Minh Đức trình bày tại hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp
Cục trưởng Vũ Minh Đức trình bày tại hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp

Tại Hội nghị Giám đốc Sở GD-ĐT năm 2025 tổ chức vào ngày 28 và 29/7, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) - nhấn mạnh việc phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là yếu tố then chốt để triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non, phổ thông hiện hành.

Tính đến tháng 5/2025, các địa phương đã tuyển dụng được 19.246 giáo viên cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Tổng số giáo viên mầm non, phổ thông cả nước hiện đạt hơn 1,27 triệu người, tăng gần 22.000 người so với năm học trước.

Bộ GD-ĐT cũng đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung thêm 10.304 biên chế giáo viên cho năm học 2024-2025, thuộc phần còn lại trong tổng số 65.980 biên chế được bổ sung giai đoạn 2022-2026. Trong giai đoạn tới (2026-2030), Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát để đề xuất tăng biên chế, bảo đảm đủ nhân lực cho triển khai chương trình mới.

Theo báo cáo, tuy đạt nhiều kết quả tích cực, ngành giáo dục vẫn đối mặt không ít thách thức. Nhiều địa phương chưa tuyển đủ biên chế được giao, một phần do giữ lại để thực hiện tinh giản 10% biên chế theo yêu cầu chung. Tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, nhất là các môn đặc thù như ngoại ngữ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật… vẫn diễn ra phổ biến.

Chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Một bộ phận giáo viên chưa sẵn sàng đổi mới, việc bồi dưỡng thường xuyên còn hình thức, đối phó. Kho học liệu số tuy đã được phát triển trên nền tảng TEMIS nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập, tự bồi dưỡng.

Để khắc phục những tồn tại, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh nhiều giải pháp đồng bộ: đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, khuyến khích doanh nghiệp - cá nhân thành lập trường ngoài công lập; thí điểm tự chủ tài chính với các cơ sở giáo dục công lập ở vùng thuận lợi; tổ chức sắp xếp lại mạng lưới trường lớp tinh gọn, hợp lý.

Bộ cũng đề nghị các địa phương xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên dài hạn, chủ động đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116, thực hiện đầy đủ chính sách ưu tiên với giáo viên vùng khó, đảm bảo quyền lợi chính đáng để họ yên tâm công tác.

Đặc biệt, ngành giáo dục được yêu cầu nghiêm túc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo, đồng thời có biện pháp bảo vệ uy tín, danh dự của giáo viên trong các vụ việc tiêu cực nếu có.

Cũng tại hội nghị, Bộ GD-ĐT cho biết Bộ đang hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để hỗ trợ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có các cơ chế về lương, phụ cấp, thăng hạng, công nhận danh hiệu, khen thưởng nhà giáo.

Bích Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI