Bộ GD-ĐT nói gì về nghi vấn đề Toán đăng lên mạng trong giờ thi?

08/07/2022 - 17:50

PNO - Chiều 8/7, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

 

Toàn cảnh buổi họp báo - Ảnh: Đại Minh
Toàn cảnh buổi họp báo - Ảnh: Đại Minh

Tại buổi họp báo, ông  Lê Mỹ Phong - Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, theo báo cáo của các địa phương, công tác coi thi của kỳ thi tại các điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch.

Theo báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy trong cả kỳ thi có 50 thí sinh vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu, mang điện thoại vào phòng thi; không có cán bộ vi phạm quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Đối với thông tin phản ánh lộ đề thi môn Ngữ văn được đăng trên báo chí và mạng xã hội trước giờ thi, Bộ GD-ĐT khẳng định đây chỉ là việc dự đoán tên tác phẩm, không phải lộ đề thi; đồng thời Bộ GD-ĐT cũng đã chuyển đơn vị chức năng của Bộ Công an để xác minh.

Đối với nghi vấn đề thi môn Toán được đăng trên mạng xã hội trong giờ thi, ngay khi nhận được thông tin, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an cũng đã chủ động vào cuộc để xác minh thông tin. Các đơn vị chức năng của Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ các thông tin liên quan để xử lý theo đúng quy định.

Cũng theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là: 1.002.432. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 933.510, chiếm 93,12%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 68.922, chiếm 6,88%. Tổng số thí sinh tự do là 43.373, chiếm 4,33%. Tổng số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 83.134, chiếm 8,29%.

Tổng số thí sinh chỉ xét tuyển sinh là 39.184, chiếm 31,86%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên là 330.357, chiếm 31,86%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội là 555,878, chiếm 55,45%.

Tổng số điểm thi: 2.243; tổng số phòng thi: 42.293. Các điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn. 

Tổng số thí sinh dự thi: 989.863, đạt tỷ lệ 98,75% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi (trong đó, môn Ngữ văn: 99,6%; Toán: 99,59%; Khoa học tự nhiên: 99,68%; Khoa học xã hội: 99,59%; Ngoại ngữ: 97,2%).

Số thí sinh thuộc diện F0: 79 thí sinh thuộc 20 hội đồng thi. Trong đó, số thí sinh đến dự thi: 18; số thí sinh không đến dự thi: 61.

Số thí sinh vi phạm quy chế thi: 50 thí sinh bị đình chỉ thi (Ngữ văn: 12 thí sinh, Toán: 10 thí sinh; Khoa học tự nhiên: 10; Khoa học xã hội: 11; tiếng Anh: 7. Trong đó có 6 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 43 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi).

Trang mạng xã hội đoán trúng đề Văn tốt nghiệp THPT 3 năm liền: Bộ GD-ĐT nói gì?

Tại buổi họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nhiều người cho rằng trước đó Bộ GD-ĐT có công bố đề thi phù hợp với bối cảnh dịch bệnh nhưng thực tế nhiều thí sinh và giáo viên đánh giá đề thi năm nay khá khó, liệu Bộ GD-ĐT có tiền hậu bất nhất?

Chia sẻ tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, năm nay học sinh do ảnh hưởng dịch bệnh 3 năm liền, kỳ II năm học 2019-2020 đã có công văn về điều chỉnh nội dung dạy học trong bối cảnh dịch bệnh.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ THCS (Bộ GD-ĐT) - Ảnh: Đại Minh
Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) - Ảnh: Đại Minh

“Việc ra đề thi từ đề tham khảo đến đề chính thức đều đảm bảo điều kiện, bối cảnh dạy học dịch bệnh trong năm vừa qua rất đa dạng. Thực tế, có những nơi thời gian dạy học trực tiếp nhiều, hướng dẫn nhà trường ôn tập cho từng nhóm học sinh, điều kiện tổ chức ôn tập cho từng lứa học sinh.

Khi làm đề thi nếu làm cho đối tượng thấp hơn thì không phân loại được thí sinh, về nguyên tắc đề thi phải đảm bảo ma trận theo các mức độ, nhận biết, thông hiểu, vận dụng cao. Tôi cho rằng, với mức độ đề thi như hiện nay đảm bảo sự phân hóa, căn cứ kết quả nhìn lại quá trình tổ chức dạy học, việc ảnh hưởng của dịch bệnh với dạy học như thế nào chứ không hẳn Bộ GD-ĐT ra đề có mức độ phân hóa cao hơn chỉ để phục vụ mục đích cho các trường xét tuyển đại học”.

Ông Nguyễn Xuân Thành cũng giải thích thêm nếu chúng ta giảm mức độ khó của đề thi, dẫn tới nhiều em học tốt hơn không công bằng, vì thực tế rất nhiều thí sinh trình độ khác nhau mà cũng đạt điểm tối đa thì cũng không hợp lý.

Nói về việc một trang mạng xã hội 3 năm liền đoán trúng đề thi môn Văn liệu đề thi đang ra theo “lối mòn” khiến nhiều người dễ dàng đoán trúng? ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: “Với đề thi môn Ngữ Văn, thực ra số người đoán xác xuất đề ra vào tác phẩm văn học nào không nhiều nhưng cũng có người có thể đoán.

Tôi cho rằng cùng đoạn văn, cùng tác phẩm nhưng đề thi hỏi khác, câu hỏi đặt ra với đoạn trích trong tác phẩm như thế nào mới là điều quan trọng chứ mới đoán được tác phẩm thì chưa nói lên điều gì.

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện chương trình phổ thông 2016 với cấu trúc hiện nay có phần đọc hiểu là ngữ liệu mới không có trong sách còn phần nghị luận văn học vẫn là tác phẩm đang học thì có người đoán được.

Còn chương trình 2018 tới đây với 1 chương trình nhiều bộ SGK, lúc bấy giờ việc phân tích đề thi sẽ không thể ở trong một quyển SGK nào cả”.


Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI