Bỏ đi khi chồng sắp cưới dương tính

02/09/2021 - 05:57

PNO - Lúc dịch bệnh, việc cần nhất của mọi người là giữ bình tĩnh, kết nối an toàn, giao tiếp tích cực để hỗ trợ nhau.

Chào chị Hạnh Dung,

Tôi ở Long An, con trai tôi sống cùng bạn gái ở TP.HCM. Hiện con tôi đang là F0 cách ly tại nhà. Nghe cháu bệnh, tôi lo lắng, mất ăn mất ngủ 10 ngày nay.

Nhưng giờ tôi mới biết, 10 ngày qua con trai tôi chỉ sống một mình. Bạn gái cháu sau khi test nhanh âm tính thì dọn đồ đi tạm lánh. Tôi cũng hiểu tâm lý lo sợ bệnh tật, nhưng tôi thấy việc bỏ đi khi người yêu mình hoạn nạn như thế là rất đau lòng. 

Nhà con tôi là nhà phố, có hai lầu, do vợ chồng tôi mua, tôi nghĩ cũng đủ không gian để cách ly theo yêu cầu. Nhưng bạn gái cháu không ở lại, cũng không lui tới giúp đỡ suốt 10 ngày qua. 

Hiện tại, ngày cưới dự tính của hai cháu chỉ còn cách hai tháng. Đàng gái cũng thân thiết với nhà tôi như sui gia. Chúng tôi vốn là bạn học ngoài Bắc trước khi vợ chồng tôi vào Nam, con gái họ vào TP.HCM lập nghiệp thì được gia đình tôi giúp đỡ rồi hai đứa nhỏ phải lòng nhau.

Tôi coi cháu như con gái trong nhà nên lần này tôi rất buồn và thất vọng. Nếu không có chuyện này, tôi sẽ lo các thủ tục để làm lễ cưới nội bộ như thời gian đã định.

Nhưng từ khi biết chuyện, tôi không muốn nghe điện thoại của đàng gái, cũng không muốn bàn chuyện cưới xin. Vợ chồng thì cần nhất là lúc hoạn nạn, sao lại bỏ đi khi người yêu mình là F0? 

Tôi nên làm gì bây giờ hả chị? 

Vân Lang (Long An)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Vân Lang mến,

Hạnh Dung xin chia sẻ nỗi lo của chị khi con trai mắc bệnh ở xa. Cháu còn trẻ nên hy vọng cháu sẽ sớm khỏi bệnh.
Trong lúc gia đình đang rối ren, chị có thể xem xét tạm gác chuyện cưới xin lại để tập trung dõi theo và lo liệu cho con trai, khi con bình phục rồi thì tiếp tục tiến hành việc đã định.

Để cân nhắc việc này, gia đình chị có thể chủ động liên hệ với bạn gái cháu để hỏi dự định của đôi trẻ và đề xuất phương án tạm hoãn. Nỗi xót xa và lo lắng khi con bệnh có thể khiến gia đình không đủ sức nhìn nhận, lo liệu những việc khác.

Và thực tế, con trai chị đang nhiễm bệnh mà ngày cưới dự định thì lại khá gần. Để đáp ứng đám cưới, cháu phải bình phục sớm, rồi cũng phải lo chuẩn bị nhiều thứ trong điều kiện giãn cách xã hội chặt chẽ, sẽ có áp lực không nhỏ.

Điều này phía sui gia sẽ hiểu cho chị. Nếu chị không đủ bình tĩnh để trò chuyện, có thể giao việc này cho chồng chị hoặc một người có uy tín nào đó trong gia đình.

Về cô con dâu tương lai, Hạnh Dung chia sẻ nỗi thất vọng cùng chị. Tuy nhiên, chúng ta không ở trong mối quan hệ của hai cháu để biết rõ sự tình chị ạ. Để rõ điều này, chỉ có thể lắng nghe chia sẻ của hai cháu khi mọi chuyện đã ổn hơn.

Rất nhiều khả năng có thể dẫn đến quyết định “tự cách ly nhau” giữa hai cháu. Đó có thể là sự sắp xếp giữa hai cháu căn cứ vào nguy cơ, điều kiện và tình hình thực tế.

Để tránh những lo lắng, xót xa quá mức do tự suy diễn, chị có thể chủ động kết nối với con dâu tương lai để có những thông tin cần thiết. Rất có thể, dù không ở bên cạnh, nhưng hai cháu đã cùng thu xếp để đảm bảo những tiện nghi thiết yếu cho người bệnh. Nếu quả thật vậy thì ta cũng nên tôn trọng sự sắp xếp giữa hai cháu.

Trên đây cũng chỉ là một giả thiết giữa muôn vàn giả thiết. Nếu không thể hỏi sâu hơn lúc này, chị cũng khoan kết luận theo hướng tiêu cực để tránh buồn giận.

Lúc dịch bệnh, việc cần nhất của mọi người là giữ bình tĩnh, kết nối an toàn, giao tiếp tích cực để hỗ trợ nhau. Việc gì chưa thật cần kíp, hãy tạm để nó sang một bên, để ta đủ sức mạnh giải quyết mục tiêu quan trọng nhất, chị nhé!
Chúc chị an lòng để đồng hành tinh thần cùng con vượt qua dịch bệnh!

HẠNH DUNG

(hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI