Cách ly tại nhà - F0, F1 làm gì để ổn định sức khỏe, tinh thần?

20/08/2021 - 06:54

PNO - Với F0, F1 không triệu chứng, không bệnh nền, cách ly y tế, điều trị tại nhà là cách giảm tải cho cơ sở điều trị, đỡ tốn kém, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Nhưng trong thời gian cách ly tại nhà, nên làm gì để giữ tinh thần sảng khoái và cơ thể khỏe mạnh?

Chiến thắng COVID-19 sau mười ngày cách ly, chăm sóc sức khỏe tại nhà

Chúng tôi trò chuyện từ xa với Lại Vũ Tuấn Anh (sinh năm 1993) vào một ngày đầu tháng Tám, khi anh đã dần hồi phục sau những ngày đối mặt với COVID-19.

Vài tuần trước, con hẻm trên đường Lý Chính Thắng, Q.3, TPHCM - nơi Tuấn Anh sinh sống - có năm ca nhiễm SARS-CoV-2. Vài ngày sau, thêm một người cạnh nhà anh cũng thành F0, không rõ nguồn lây. Càng về sau, số ca nhiễm càng tăng. Hầu hết các nhà có người mắc bệnh đều gần sát nhau, buộc phải phong tỏa cả khu vực.

Theo lời Tuấn Anh, những ngày sau đó, người dân trong khu vực đều được lấy mẫu xét nghiệm theo đợt. Tuy nhiên, không giống với kết quả âm tính ở hai lần lấy mẫu trước, trong lần xét nghiệm thứ ba, Tuấn Anh nhận kết quả dương tính, được Viện Pasteur TPHCM khẳng định.

Bằng sự bình tĩnh, lạc quan, cách xử lý khoa học kết hợp với việc tham khảo những nguồn tin chính thống, anh Lại Vũ Tuấn Anh đã chiến thắng COVID-19 sau thời gian tự cách ly tại nhà
Bằng sự bình tĩnh, lạc quan, cách xử lý khoa học kết hợp với việc tham khảo những nguồn tin chính thống, anh Lại Vũ Tuấn Anh đã chiến thắng COVID-19 sau thời gian tự cách ly tại nhà

“Sáng 23/7, tôi nhận được kết quả dương tính chính thức. Trao đổi qua điện thoại, tôi được hướng dẫn tự cách ly tại nhà, sinh hoạt bình thường, ở yên trong phòng riêng, không quá lo lắng và hẹn sau năm ngày sẽ có nhân viên y tế quay lại xét nghiệm”.

Khi nghe tin bản thân nhiễm SARS-CoV-2, Tuấn Anh khá lo lắng song không bất ngờ bởi trước đó vài ngày anh liên tục hắt hơi, sốt nhẹ, mỏi cơ, ăn uống không ngon miệng. Nhưng Tuấn Anh quyết không đầu hàng.

“Tôi chủ trương sống vui khỏe, không lo lắng; chỉ vẽ vời, hát hò, trò chuyện online với bạn bè, người thân, lướt mạng xã hội, sinh hoạt ăn uống bình thường. Mỗi ngày tôi tắm hai lần, súc miệng nước muối loãng hai lần, khè mũi bằng nước muối sinh lý hoặc nước biển sâu (mua ở nhà thuốc). Tôi cũng uống các thức uống đơn giản để tăng sức đề kháng như nước cam, sả, mật ong, quế... Ngày nào tôi cũng tự xông hơi ở nhà bằng cam, chanh, sả, quế, vỏ cam, vỏ bưởi... Theo tôi, bí quyết chiến thắng COVID-19 là không than trách mà lắng nghe cơ thể, duy trì các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà” - Tuấn Anh nói.

Từ kinh nghiệm bản thân, Tuấn Anh chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và F1 nên tự cách ly, điều trị ở nhà nếu gia đình đáp ứng các điều kiện như hướng dẫn của Bộ Y tế”.

Công thức dinh dưỡng đặc biệt kết hợp vận động là "lá chắn thép" 

Câu chuyện của Lại Vũ Tuấn Anh đã truyền cảm hứng và niềm tin cho nhiều người trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

F0, F1 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly và điều trị tại nhà, tâm lý chung sẽ buồn, lo lắng, hoang mang. Tuy nhiên, nếu người bệnh biết cách giữ sức khỏe, tinh thần thoải mái sẽ giúp cơ thể mạnh mẽ, đủ sức chiến thắng bệnh tật.

Theo tiến sĩ - bác sĩ Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, để người bệnh giữ được sức khỏe tinh thần cần rất nhiều yếu tố; đặc biệt cần có sự phối hợp hỗ trợ giữa các yếu tố như tâm lý, vận động, dinh dưỡng… Việc áp dụng tốt công thức dinh dưỡng 4-5-1 vào bữa ăn hằng ngày cùng với việc tăng cường vận động và giữ gìn vệ sinh cá nhân sẽ là "lá chắn thép" vững chắc nhằm chiến đấu với COVID-19.

Chế độ dinh dưỡng của F0, F1 cần đạt sự cân đối của bốn yếu tố: giữa các nhóm sinh năng lượng, giữa đạm động vật và thực vật, giữa chất béo động vật và thực vật, giữa vitamin và khoáng chất
Chế độ dinh dưỡng của F0, F1 cần đạt sự cân đối của bốn yếu tố: giữa các nhóm sinh năng lượng, giữa đạm động vật và thực vật, giữa chất béo động vật và thực vật, giữa vitamin và khoáng chất

Theo tiến sĩ - bác sĩ Trương Hồng Sơn, chế độ dinh dưỡng của F0, F1 cần đạt sự cân đối của bốn yếu tố: giữa các nhóm sinh năng lượng, giữa đạm động vật và thực vật, giữa chất béo động vật và thực vật, giữa vitamin và khoáng chất.

Theo chuyên gia, chế độ dinh dưỡng ấy phải có ít nhất năm trong tám nhóm thực phẩm. (trong đó nhóm thực phẩm cung cấp chất béo là bắt buộc), gồm: lương thực (gạo, mì ăn liền, ngô, khoai…); các loại hạt: (đậu, vừng, lạc…); thịt cá các loại; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa và các sản phẩm từ sữa; củ quả màu vàng, cam, đỏ như cà rốt, bí đỏ, gấc, cà chua hoặc rau tươi có màu xanh thẫm (các loại rau càng sẫm màu càng có giá trị dinh dưỡng); nhóm rau củ quả khác (su hào, củ cải…); dầu ăn, mỡ các loại.

“Một bữa ăn hài hòa, cân đối, dinh dưỡng trong một ngày phải có sự kết hợp giữa bốn yếu tố, năm nhóm thực phẩm nói trên. Nên kết hợp lựa chọn thực phẩm an toàn kể cả tươi sống và thực phẩm công nghiệp” - tiến sĩ - bác sĩ Trương Hồng Sơn nói.

Việc bổ sung nước cho cơ thể là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần tránh các loại nước có đường, đồ uống thể thao và thức uống tăng lực. Người trưởng thành khỏe mạnh nên uống ít nhất 2 lít nước/ngày. Tuyệt đối không kiêng khem quá mức, nên ăn đủ ba bữa mỗi ngày.

Nếu áp dụng tốt các lưu ý trên thì công thức 4-5-1 sẽ đạt hiệu quả tối ưu. Để bệnh nhân dễ nhớ, công thức trên được diễn đạt lại thành 5-4-3-2-1, bao gồm: tối thiểu năm nhóm thực phẩm, cân đối bốn nhóm dinh dưỡng, nên ăn ba bữa/ngày, uống đủ hai lít nước/ngày.

Để cơ thể nhanh hồi phục và nâng cao sức đề kháng, ngoài vấn đề dinh dưỡng, F0, F1 cần xây dựng lối sống, tập luyện, sinh hoạt lành mạnh. Trước hết, cần ngủ đủ giấc. Nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi ngày, tránh căng thẳng, lo âu quá mức.

Người bệnh cần thường xuyên vận động ngay cả khi phải cách ly trong phòng riêng, áp dụng công thức 5+2: trong một tuần có năm ngày thể dục và hai ngày thể thao; ít nhất 30 phút/ngày (cường độ vừa phải tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe).

Đồng tình với những quan điểm trên, bạn Trương Phan Hồng Hà - Trường đại học VinUniversity (từng tốt nghiệp Đại học Washington (Mỹ) chuyên ngành sức khỏe) lưu ý: “F0, F1 cần thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn và tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Nên tắm nước ấm dưới vòi tắm hoặc ngâm mình trong bồn nước ấm sẽ giúp thư giãn thần kinh và giải phóng năng lượng tiêu cực ra khỏi cơ thể”.

Để giữ tinh thần lạc quan, nên suy nghĩ về những điều tích cực, tránh lo lắng thái quá. F0, F1 cần lên lịch xây dựng các hoạt động tinh thần, không nghĩ nhiều đến bệnh tật mà tập trung vào các việc nhẹ nhàng, thư giãn như ca hát, tập yoga, thiền, đọc sách, xem các chương trình giải trí, trò chuyện với bạn bè, gia đình qua mạng... Tuy nhiên, nên tránh dành quá nhiều thời gian vào các thiết bị thông minh.

Với các F0 cách ly, chăm sóc sức khỏe tại nhà khi đã có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19, vẫn nên cách ly tại nhà ít nhất thêm một tuần để được xét nghiệm khẳng định khỏi bệnh. Với các F1, trong quá trình tự theo dõi sức khỏe, nếu có các triệu chứng như: sốt, ho, mệt mỏi, đau cơ... cần báo cho bác sĩ hay nhân viên y tế để được theo dõi và có quyết định về y học chính xác nhất. 

Trong trường hợp F1 hoặc người thân xuất hiện các triệu chứng: khó thở nhiều, sốt, ho, đau ngực nhiều, tinh thần hoảng loạn, mê sảng hay có bất thường về vấn đề sức khỏe, cần báo với nhân viên y tế để có phương án xử trí kịp thời. 

Với F0, F1 là trẻ nhỏ cách ly tại nhà, người lớn cần tổ chức nhiều hoạt động vui chơi (có thể kết hợp học tập thông qua trò chơi). Nên có nhiều đồ chơi cho trẻ, tránh việc để trẻ lạm dụng thiết bị điện tử quá lâu, ảnh hưởng đến sức khỏe.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI