Biến bãi rác thành vườn cây trái công nghệ cao

22/11/2016 - 07:17

PNO - Mất gần 5 năm, bãi rác Đông Thạnh (H.Hóc Môn, TP.HCM) hiện nay được phủ xanh bởi những vườn cây kiểng, hoa trái tươi xanh. 

Mất gần 5 năm, bãi rác Đông Thạnh (H.Hóc Môn, TP.HCM) hiện nay được phủ xanh bởi những vườn cây kiểng, hoa trái tươi xanh. Ít ai ngờ, trên đồi rác 10 triệu tấn ấy lại có những vườn dưa lưới trồng theo công nghệ cao của israel, vườn hoa lan, những vườn ổi, mãng cầu sai quả, đang cho thu hoạch. Rác cho hoa thơm, trái ngọt

Rác cho hoa thơm, trái ngọt

Kết quả trên là nhờ nỗ lực xanh hóa đồi rác và hạn chế đến mức thấp nhất các ảnh hưởng về môi trường mà Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM thực hiện sau khi bãi rác này chính thức đóng cửa từ năm 2002.

Cách 500m từ cầu Rạch Tra, hướng mắt về phía bãi rác, ta sẽ thấy bên cạnh những công trình xử lý rác là một màu xanh của hoa kiểng, vườn ươm. Thấy chúng tôi chụp hình, một lão nông góp chuyện: “Tuy “chết tên” là bãi rác nhưng mấy năm nay, nơi đây không còn cảnh nhếch nhác, ô nhiễm như trước; trên đỉnh đồi, họ còn trồng mấy vườn dưa lưới công nghệ cao, nghe nói là sạch nhưng không rõ thực hư thế nào”.

Chúng tôi theo chân ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM vào tham quan bãi rác. Nhìn từ đỉnh đồi, toàn bộ khuôn viên bãi rác cơ bản đã được phủ xanh, những con đường dẫn vào bên trong cũng được trồng hoa sứ, cây kiểng, tiểu cảnh, hòn non bộ. Nhiều cây như bưởi, xoài, mít cũng được trồng dọc đường hoặc trên những khoảnh đất trống.

Bien bai rac thanh vuon cay trai cong nghe cao

Ghé thăm nhà kính trồng dưa lưới, chúng tôi ngạc nhiên vì vườn dưa lúc lỉu quả. Trước khi vào nhà kính, chúng tôi được nhân viên yêu cầu mang ủng, để giày dép ở ngoài để đảm bảo môi trường trong sạch cho vườn dưa. “Những trái dưa này sẽ cho thu hoạch trong 10 ngày nữa. Cứ xong một lứa dưa, chúng tôi lại thay giá thể và tính toán thời gian thu hoạch. Toàn bộ dưa được trồng thủy canh, hệ thống tắm tưới, chất dinh dưỡng nuôi cây… tất cả đều theo công nghệ của Israel và được Công ty Môi trường đô thị TP.HCM phối hợp với Công ty Nông Phát trồng trên tổng diện tích 15.000m2 ”, một nhân viên trực tiếp quản lý vườn dưa giải thích.

Cũng theo nhân viên này, đều đặn mỗi nhà kính sẽ cho 7 tấn/vụ, cứ 60 - 70 ngày thì thu hoạch một vụ, toàn bộ sản lượng đều cung cấp cho hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố với giá dao động từ 40.000 - 50.000đ/kg.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, để có được sáu nhà kính dưa lưới cho năng suất cao như thế, phải kể đến nỗ lực lớn của tập thể công nhân và cán bộ công ty, bởi từ sau năm 2002, công ty được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ xử lý môi trường và cải tạo khu xử lý rác Đông Thạnh.

Lúc mới về, ở đây toàn rác và rác, nhiều nơi rác chất cao như núi và phải mất gần 5 năm, công ty mới phủ đất xong toàn bộ bãi rác, có nơi độ phủ đất dày đến 2m. Từ ý định dùng cây cỏ tự nhiên để xanh hóa đồi rác thì công nhân đã nảy ra ý tưởng dùng cây kiểng, hoa lan, cây ăn trái… để phủ dần, vừa đẹp mắt lại cho thu nhập.

Từ một nhà kính, đến nay đã có sáu nhà kính trồng dưa lưới cho năng suất đều đặn và thu nhập ổn định. Ngoài vườn dưa lưới, còn có vườn hoa lan, hoa mai, cây lấy lá, vườn ổi và mãng cầu với diện tích khoảng 10ha/40,4ha tổng diện tích bãi rác”.

Nhìn những cây ổi sai trĩu cành dưới chân đồi rác, nhiều công nhân ở đây không giấu được niềm vui: “Vườn ổi này cho thu hoạch khoảng 100kg mỗi ngày, ổi được bao bọc từ khi trái còn nhỏ để hạn chế sự phá hoại của sâu rầy và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên không chỉ năng suất cao, chất lượng ổn mà còn an toàn cho sức khỏe người dùng”.

Biến bãi rác thành khu sinh thái

Theo Công ty Môi trường đô thị TP.HCM, trước năm 2002, bãi rác Đông Thạnh thuộc Công ty Xử lý chất thải TP.HCM quản lý và vận hành. Khi đó, toàn bộ rác thải của TP.HCM đưa về đây chỉ được xử lý bằng cách chôn lấp tự nhiên, khiến ô nhiễm phát sinh.

Trước thực tế đó, cuối năm 2002, UBND TP.HCM quyết định đóng cửa bãi rác Đông Thạnh và năm 2003, giao công trường xử lý rác Đông Thạnh cho Công ty Môi trường đô thị TP.HCM quản lý và thực hiện các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường cho đến nay.

Công ty đã thường xuyên thực hiện hút nước rỉ rác phát sinh từ bãi rác và chuyển vào hệ thống xử lý nước thải để giảm thiểu mức độ lan truyền ô nhiễm trong nguồn nước. Toàn bộ nước thải được xử lý luôn đảm bảo đạt quy định về tiêu chuẩn môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành trước khi đưa ra môi trường.

Thực hiện phủ đỉnh toàn bộ bãi chôn lấp rác kết hợp với phun xịt chế phẩm sinh học khử mùi và thiết lập vườn nông sản công nghệ cao (trồng dưa lưới theo công nghệ trồng Isarel). Đến nay, toàn bộ bãi rác đã được chuyển biến thành khu vườn sinh thái, không còn phát tán mùi hôi như trước khi công ty tiếp nhận quản lý.

Đến năm 2003, với những nỗ lực cải tạo giảm thiểu ô nhiễm của công ty, bãi chôn lấp rác Đông Thạnh đã được chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm theo Quyết định 64/2003/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện công ty đang đề xuất và nếu được UBND TP.HCM chấp thuận, công ty không chỉ phủ xanh toàn bộ mà còn biến công trường xử lý rác Đông Thạnh thành một khu sinh thái, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao với sân bóng đá, sân tennis, hồ bơi... Tuy nhiên, vấn đề là phải lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm để hiện thực hóa ý tưởng này.

Hải Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI