Chuyên mục Ăn ngon - Sống khỏe

Bí quyết ăn mì gói, miến gói “ngon lành” ở văn phòng

26/09/2022 - 08:08

PNO - Bạn vẫn có thể tạo ra một bữa ăn có giá trị dinh dưỡng với các loại mì, bún, phở… đóng gói bằng cách bổ sung rau lá và phần đạm nhỏ.

Tôi làm công việc văn phòng. Đối với buổi ăn trưa, đồng nghiệp của tôi rủ nhau dậy sớm nấu cơm hộp mang theo. Còn tôi vừa lu bu con cái buổi sáng, lại lo nấu từ sớm thì rau củ không giữ được vitamin. Xin bác sĩ tư vấn giúp, nếu chúng tôi ăn các loại thực phẩm công nghiệp đóng gói sẵn như mì gói, cháo, phở, miến, bún, hủ tíu… thì có đủ năng lượng và dinh dưỡng, hay phải mua thêm một phần trái cây ăn kèm? 

Nguyễn Minh (quận 3, TPHCM)

Thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường, giảng viên bộ môn dinh dưỡng - thực phẩm Trường đại học Y Dược TPHCM trả lời: Các loại thực phẩm như mì gói, cháo, phở, bún, hủ tíu… ăn liền đạt năng lượng nhất định. Bạn cần đọc thông tin dinh dưỡng trên sản phẩm để biết số năng lượng bạn muốn tiêu thụ. Ví dụ, một gói miến khô 55g có thể chứa 190kcal, 2g chất béo, 40g chất bột đường và 2g đạm; hoặc một gói mì thông dụng 75g có thể chứa 300 - 350kcal, 10 - 13g chất béo, 40 - 50g chất bột đường và không ít hơn 6,9g đạm.

Một bữa ăn cân bằng cần sự kết hợp đa dạng của bốn nhóm thực phẩm: nhóm đường bột (cơm, nếp, mì, bún, phở, bắp…), nhóm đạm (thịt, cá, trứng, đậu, sản phẩm từ đậu…), rau củ (ưu tiên rau lá xanh) và trái cây. Bạn cần tập thói quen nhìn vào bảng thành phần trên các sản phẩm đóng gói công nghiệp để bổ sung nhóm còn thiếu. Ví dụ: Nếu bạn là nữ, nặng 50kg, làm công việc văn phòng, mức độ hoạt động thể chất trung bình, bạn có thể cần 240g chất đường bột/ngày, 40 - 50g đạm/ngày, tổng cộng tầm 60g chất bột đường và 10 - 15g đạm cho một bữa ăn. Phần còn lại, bột đường sẽ dành cho bữa phụ hoặc trái cây.

Ngày nay, các nhà sản xuất đã bổ sung vào những sản phẩm ăn liền nhiều thành phần nguyên liệu phong phú như trứng, tôm, thịt gà, rong biển, bắp, giá, cà rốt… để thay đổi khẩu vị và đặc biệt là tăng dưỡng chất. Bạn vẫn tạo ra một bữa ăn có giá trị dinh dưỡng với các loại mì, bún, phở… đóng gói bằng cách bổ sung rau lá và phần đạm nhỏ. Thêm một quả trứng, hoặc 40g thịt/cá/hải sản có thể đáp ứng được nhu cầu đạm cho bữa trưa. Ngoài ra, việc cho thêm rau củ vào bữa ăn là cần thiết. Bạn có thể cho phần rau khoảng 100g đơn giản như giá, cải thảo, cải thìa… cũng không mất nhiều công sức và thời gian chuẩn bị. 

Về phần trái cây, để tiết kiệm thời gian, bạn có thể đem theo một túi táo, hoặc một nải chuối và chia đều các ngày trong tuần. Bằng cách này, bạn có thể đạt được nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị.

Các sản phẩm đóng gói thường có giá trị tiện lợi rất cao và dễ chế biến. Đối với một số người có bệnh lý và tình trạng sức khỏe yêu cầu sử dụng lượng muối hạn chế vẫn có thể dùng được, nhưng cần tham khảo thêm ý kiến chỉ định của bác sĩ. Vì thường trong các sản phẩm này, các gói gia vị được đi kèm riêng, tùy theo khẩu vị và tình trạng sức khỏe của mình, bạn có thể tự gia giảm sao cho phù hợp.

Như thế bạn đã có được một bữa ăn nhanh, tiện lợi và vẫn đa dạng các nguồn thực phẩm cho bữa trưa tại văn phòng. Khi ăn các sản phẩm đóng gói nói chung, bạn cần ăn chậm, nhai kỹ để tăng khả năng tiêu hóa và hấp thu các dưỡng chất. 

B.T. (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI