Bệnh viện Chợ Rẫy dùng trí tuệ nhân tạo để chẩn đoán bệnh

17/12/2022 - 18:50

PNO - Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích hình ảnh tế bào máu, sử dụng công nghệ thông tin vào quản lý xét nghiệm... giúp Bệnh viện Chợ Rẫy tối ưu hóa công tác chẩn đoán, điều trị.

Với số lượng bệnh nhân khổng lồ, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực đã giúp các bác sĩ rất nhiều trong việc chẩn đoán và điều trị
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã giúp các bác sĩ rất nhiều trong việc chẩn đoán, điều trị

Ngày 17/12, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM đã tổ chức hội nghị khoa học cận lâm sàng lần 1 năm 2022 với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị” với hơn 20 bài báo cáo trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm.

Theo các báo cáo viên, bên cạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, các giải pháp về công nghệ thông tin còn nâng cao hiệu suất quản lý chất lượng xét nghiệm, giảm thiểu sai sót khi quản lý bệnh.

Thạc sĩ - bác sĩ Quách Châu Tài (khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, mặc dù việc phân tích các thành phần tế bào của hệ tạo máu ngày càng trở nên chính xác hơn với sự phát triển của các hệ thống xét nghiệm máu tự động, tuy nhiên vai trò của khảo sát hình thái tế bào trực tiếp trên lam vẫn khó thay thế và được xem là tiêu chuẩn vàng trong nhiều trường hợp.

“Hạn chế của việc phân tích thủ công các lam huyết tủy đồ làm tốn thời gian và tăng tính chủ quan của người đọc, khó lưu trữ thông tin, khó đào tạo lượng lớn học viên và hội chẩn chuyên gia từ xa. Do đó, việc tự động hóa quá trình đọc lam là rất cần thiết” - bác sĩ Quách Châu Tài nói.

Hiện nay, ứng dụng trí tuệ nhân tạo từng bước đọc lam dần dần được tự động hóa các hệ thống phết lam, nhuộm lam, kính hiển vi chụp ảnh tự động và khó khăn nhất là thiết lập các hệ thống phân tích hình ảnh tế bào. 

Dựa trên nhiều cơ sở dữ liệu lớn về hình ảnh tế bào máu đã được xây dựng bởi các chuyên gia về hình thái tế bào, ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp các hệ thống máy tính có thể nhận diện các đặc điểm của tế bào như kích thước, hình dạng, màu sắc, cấu trúc nhân, các cấu trúc trong bào tương. Từ đó phân nhóm và định danh các tế bào hệ máu khác nhau trả về độ chính xác và độ tương quan khá cao khi so sánh với các phương pháp thủ công giúp nâng cao hiệu suất đọc lam, chẩn đoán hiệu quả hơn.

Ngoài ra, hệ thống còn giúp các bác sĩ lưu trữ và trao đổi thông tin phục vụ cho tra cứu, đào tạo nhân lực và hội chẩn chuyên gia.

Theo tiến sĩ Lê Văn Thanh (khoa Sinh hóa của bệnh viện), quản lý xét nghiệm là một trong những thách thức lớn của phòng xét nghiệm hiện đại. Trong đó, giai đoạn thẩm định kết quả rất quan trọng, nhằm đưa ra kết quả chính xác cho bác sĩ lâm sàng và bệnh nhân. 

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trước đây giai đoạn này được đánh giá thủ công 100%, do đó có nguy cơ bỏ sót kết quả lỗi, kết quả cần kiểm tra lại. Không những vậy, khoa Sinh hóa còn phải cần nhiều nhân lực hơn trong việc thẩm định kết quả. Ngoài ra, để đánh giá tình trạng bệnh nhân một cách toàn diện thì việc chỉ định xét nghiệm có liên quan tới nhau trong thực hành lâm sàng cũng cần được chuẩn hóa để tối ưu quy trình và chi phí xét nghiệm cho bệnh nhân.

Để giải quyết vấn đề này, khoa đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS) nhằm tự động hóa giai đoạn thẩm định kết quả giúp nâng cao quản lý chất lượng xét nghiệm, giảm thiểu sai sót và giảm thiểu nhân lực. Theo đó, công nghệ thông tin giúp tự động hóa 90% quy trình xét nghiệm, tự động thẩm định kết quả giảm khoảng 50% kết quả cần xem xét lại và lỗi kết quả. Tỉ lệ xét nghiệm cần kiểm tra lại sau khi gửi lên LIS giảm 70% so với trước đây, cải thiện thời gian trả kết quả xét nghiệm trung bình gần 2 giờ đồng hồ.

Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp kết quả xét nghiệm đáng tin cậy hơn, mà thời gian trả kết quả cũng nhanh hơn, và còn tối ưu hóa nguồn nhân lực. Ngoài ra còn giúp theo dõi tình trạng mẫu bệnh phẩm, QC tại mọi thời điểm. Vì thế chất lượng phục vụ bệnh nhân tăng lên và tiết kiệm chi phí cho bệnh viện. 

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI