Bệnh về răng gia tăng vì… dịch

15/10/2021 - 07:09

PNO - Rất nhiều bệnh nhân đang điều trị răng hàm mặt nhưng vì vướng dịch nên phải hoãn tái khám. Việc không được kiểm tra tình trạng răng miệng đúng hẹn đã gây ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị.


Phải nhổ bỏ răng vì trễ tái khám nhiều tháng

Ngày 2/7, anh P.Đ.T., 38 tuổi, ngụ tại TP. Thủ Đức bị đau buốt răng hàm tới mức không thể ngủ được. Tình trạng nghiêm trọng tới mức anh còn bị sốt, sưng nề cả bên má phải. Lúc này, dịch COVID-19 khá căng thẳng, anh T. gọi điện cho một phòng khám răng gần nhà để xin tư vấn thì được bác sĩ hướng dẫn uống thuốc kháng sinh, giảm đau, súc miệng dung dịch sát khuẩn để giảm viêm rồi hẹn sau một tuần tái khám. Chưa tới ngày tái khám nhưng nghe tin TPHCM sẽ áp dụng Chỉ thị 16 vào ngày 9/7, thế là ngày 6/7 anh T. vội vã tới phòng khám răng nhờ bác sĩ xử lý sớm cho mình. 

Một bệnh nhi đang được tái khám răng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
Một bệnh nhi đang được tái khám răng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1

Chiếc răng của anh T. bị viêm tủy nghiêm trọng, phải lấy tủy. Bác sĩ cho biết anh phải đi lại ít nhất ba lần nữa mới lấy xong tủy chiếc răng. Như vậy, lần tái khám tiếp theo của anh sẽ vào ngày 20/7. Nhưng đến ngày 20/7, TPHCM vẫn áp dụng Chỉ thị 16, bác sĩ đã gọi điện hỏi thăm anh T. và bày tỏ quan ngại nếu không điều trị được đúng hẹn, chiếc răng đó mà viêm lại thì khả năng cao phải nhổ bỏ. Cứ thế bẵng đi cho tới ngày 10/10, anh T. mới có thể đi tái khám, trễ hẹn tận 2,5 tháng. Bác sĩ cho biết chiếc răng bị viêm, phim chụp cho thấy có tình trạng bị hủy xương, khả năng cao phải đến bệnh viện (BV) để nhổ bỏ.

Tình trạng răng miệng bị xấu đi do tái khám chậm trễ không chỉ ảnh hưởng người lớn mà cả trẻ em. Bệnh nhi N.T.C.V., 15 tuổi, ngụ tại Q.10 đang điều trị chỉnh nha tại BV Nhi Đồng 1, TPHCM. Cứ cách hai tuần là bé V. đến BV tái khám nhưng vì vướng dịch nên gia đình trì hoãn.

Mãi tới ngày 8/10 bệnh nhi mới tái khám, trễ lịch gần bốn tháng. Khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện dụng cụ chỉnh nha đã bị sút ra (đứt dây), răng miệng bé vệ sinh kém, ăn uống không kiêng cữ nên nướu bị viêm, răng sâu nhiều chỗ. Do không được điều chỉnh dụng cụ chỉnh nha kịp thời nên hiệu quả thẩm mỹ của răng sẽ không được như mong muốn. Bé V. tạm thời không tiếp tục đeo dụng cụ được vì răng sâu và viêm nhiều. Trước mắt, bệnh nhi phải chữa triệt để các vấn đề sức khỏe răng miệng. Nếu bệnh nhi được tái khám đúng lịch thì bác sĩ đã can thiệp kịp thời, quá trình điều trị răng sẽ không bị ảnh hưởng như vậy.

Phát sinh nhiều phức tạp cần xử lý

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt BV Nhi Đồng 1, cho biết: Từ ngày 1 - 7/10, lượng bệnh nhi tới BV khám răng không tăng nhiều, đa số đều là trẻ sống trong khu vực nội thành. Tuy nhiên, từ ngày 8 - 14/10, số lượng bệnh nhi khám răng tăng gấp đôi tuần trước đó, với 20% từ các tỉnh lân cận. Ghi nhận chung, các ca bệnh liên quan tới chỉnh nha là bị trễ lịch tái khám gây viêm nướu và sâu răng. Không chỉ thế, có gần 400 bệnh nhi bị sứt môi hở vòm lẽ ra phải được BV phẫu thuật trong thời gian giãn cách nhưng bị tồn đọng tới tận bây giờ mới có thể từ từ giải quyết.

Theo bác sĩ Đẩu, đối với các bệnh lý khác, khi bệnh nhi tới khám mà không có triệu chứng lâm sàng cũng như yếu tố dịch tễ của bệnh COVID-19 thì không cần làm xét nghiệm. Tuy nhiên, đối với bệnh lý răng hàm mặt thì vẫn yêu cầu bệnh nhi khi tới khám phải làm test nhanh. Đặc thù của quá trình khám bệnh răng hàm mặt có nguy cơ lây nhiễm rất cao vì miệng và họng là nơi virus khu trú.

Đại diện BV Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, đơn vị hoạt động bình thường lại từ ngày 1/10. Tuy nhiên, bệnh nhân tới khám chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất chưa tiêm hoặc mới tiêm một mũi vắc xin COVID-19 sẽ được khám ở một khu riêng. Nhóm thứ hai là bệnh nhân đã tiêm đủ vắc xin COVID-19 thì sẽ được làm test nhanh. Từ ngày 1/10 tới nay, số bệnh nhân tới khám tăng hơn trong mùa dịch, mỗi ngày có khoảng 100 - 200 ca. 

Vấn đề chung của các bệnh nhân từ sau khi thành phố nới lỏng giãn cách là những trường hợp răng sâu đang lấy tủy dở dang, các bệnh nhân chỉnh nha bị trễ lịch do dịch bệnh, một số phẫu thuật bệnh lý hàm mặt phải tái khám nhưng vì dịch nên bây giờ mới tới BV được. Những bệnh nhân chỉnh nha thay vì ba tuần mà nay thành bốn tháng mới tái khám ít nhiều cũng bị ảnh hưởng tới công sức điều trị, phát sinh nhiều phức tạp cần xử lý. 

Phòng khám tư dè dặt nhận khách vì sợ dịch

Theo ghi nhận của phóng viên, các phòng khám nha tư nhân mặc dù đã hoạt động lại nhưng rất dè dặt. Ngày 12/10, tại một phòng khám nha tại Q.7, mặc dù nhiều người tới có nhu cầu khám răng nhưng không đặt hẹn trước hoặc không có giấy xét nghiệm âm tính dù đã tiêm đủ hai mũi vắc xin thì vẫn bị bảo vệ ngăn lại.

Tương tự, ở một phòng khám răng tại phường Bình An, TP.Thủ Đức, cũng nhận bệnh rất giới hạn. Tại thời điểm phóng viên ghi nhận, có người tới khám mà chưa đặt hẹn trước và thiếu các điều kiện như thẻ xanh vắc xin COVID-19, phiếu xét nghiệm âm tính trong vòng 72g thì bảo vệ kiên quyết khước từ. Trong quá trình điều trị răng, bác sĩ của phòng khám này mặc đồ bảo hộ, trang bị khẩu trang chuyên dụng, kính chống giọt bắn, găng tay đầy đủ. Bệnh nhân tới làm răng được nhân viên hẹn theo các khung giờ khác nhau để đảm bảo giãn cách.

 Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI