Bận rộn nhưng đừng lơ là bữa cơm gia đình

04/11/2022 - 06:46

PNO - Một bữa cơm ngon, an toàn, đầy đủ chất dinh dưỡng không chỉ nâng cao sức khỏe cho mỗi thành viên trong gia đình mà còn giúp vợ chồng, con cái “xích lại gần nhau” hơn sau bao bộn bề cuộc sống.

 

Khẩu phần của mỗi người cần có một chén cơm, nửa chén thực phẩm giàu đạm như thịt, cá… một chén rau, trứng và nửa chén trái cây - ẢNH: ĐOÀN PHÚ
Khẩu phần của mỗi người cần có một chén cơm, nửa chén thực phẩm giàu đạm như thịt, cá… một chén rau, trứng và nửa chén trái cây - Ảnh: Đoàn Phú

Bà nội trợ đau đầu 

Thường xuyên nấu ăn cho gia đình, chị Nguyễn Thị Dung (32 tuổi, ở quận 3, TPHCM) phải đi chợ từ rất sớm để mua được thịt, cá, rau củ còn tươi, bảo quản trong tủ lạnh để nấu bữa tối. “Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, các con cũng học tới tối muộn nên chỉ ngồi ăn với nhau được buổi tối. Vì vậy, tôi muốn bữa cơm phải thật ngon, đầy đủ chất để bù lại một ngày mệt mỏi” - chị Dung chia sẻ.

Tuy nhiên, sau mỗi bữa ăn, chị Dung luôn đau đầu vì đồ ăn dư thừa quá nhiều. Bỏ thì tiếc nhưng giữ lại thì phải hâm đi hâm lại sợ bị… ung thư. Chị ngán ngẩm: “Phải ăn nhiều thịt, cá mới có nhiều năng lượng để học tập. Vậy mà ép bao nhiêu các con tôi cũng chỉ gắp vài miếng rồi thôi. Mẹ đã không tiếc công dậy sớm, chiều tranh thủ chạy nhanh về nấu cho nóng. Vậy mà…”.

Còn chị Thanh Tâm (36 tuổi, ở TP. Thủ Đức, TPHCM) lại chuộng việc nấu ăn theo khoa học. Chị luôn đặt ra tiêu chuẩn bữa ăn dinh dưỡng là bữa ăn có đầy đủ thịt hoặc cá, rau và trái cây, thật ít tinh bột. Nhưng chị vẫn phiền não bởi cả hai con của mình đều bị dư cân. Gần đây, chị chuyển sang nấu thực dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho cả nhà. Tuy nhiên, cả chồng và hai con đều không… theo nổi những thực đơn khắt khe trên bàn ăn. 

“Mỗi lần ăn cơm, nhà tôi như đánh trận, từ năn nỉ, đến la mắng, cả hai đứa con tôi đều chỉ ăn đúng một chén cơm, còn chồng thì cứ chan canh đầy chén lùa cho xong bữa. Tối muộn lại mở tủ lạnh tìm đồ ăn vặt, khi tôi không trữ thức ăn nữa thì cha con lại chở nhau đi ăn ngoài. Tôi không tiếc tiền nhưng tôi muốn rèn cho cả nhà ăn uống dưỡng sinh mà sao khó quá” - chị Tâm tâm sự.

Về vấn đề này, tiến sĩ - bác sĩ Đào Thị Yến Phi - nguyên Trưởng bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết, khi chúng ta nói về dưỡng sinh thì hầu hết mọi người đều nghĩ đến tập thể dục, hít thở… Tuy nhiên, ý nghĩa của dưỡng sinh là sống khoa học và sự tác động đến sức khỏe qua các hoạt động thể dục, ăn uống, sinh hoạt… một cách đúng đắn.

Theo đó, bản thân mỗi người được cấu tạo bởi rất nhiều tế bào, mỗi cơ quan khác nhau sẽ có những tế bào khác nhau và đều bắt đầu từ tế bào phôi. Như vậy, nuôi dưỡng chăm sóc toàn bộ đơn vị sống của tế bào sẽ giúp các thành viên trong gia đình khỏe mạnh, nhiều năng lượng. Bên cạnh tập thể dục đều đặn, còn là ăn uống an toàn, đầy đủ chất dinh dưỡng. Hơn hết, sự khỏe mạnh không dừng ở ăn no mà cần cân đối và phù hợp với nhu cầu từng cá thể.

Một bữa ăn cân đối cần có đủ bốn nhóm thực phẩm là nhóm bột đường chủ yếu từ các loại ngũ cốc, nhóm chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu… nhóm chất béo gồm mỡ động vật, dầu thực vật, nhóm vitamin và khoáng chất có trong các loại rau, củ, quả… 

Ăn như thế nào mới an toàn, đủ chất? 

Một bữa ăn đủ chất, cân đối dinh dưỡng rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe gia đình - ẢNH: TAM NGUYÊN
Một bữa ăn đủ chất, cân đối dinh dưỡng rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe gia đình - Ảnh: Tam Nguyên

Theo bác sĩ Đào Thị Yến Phi, mọi thực phẩm đều có những lợi ích và cả tác dụng bất lợi nếu sử dụng quá nhiều. Do đó nên đa dạng các loại thực phẩm trong từng món ăn để có đủ dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe. Bên cạnh đó, các bà mẹ lưu ý về vấn đề vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm để có những bữa ăn an toàn cho gia đình. 

“Mỗi người nên có một thực đơn riêng theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn cho các gia đình khi phải cân đong, nấu nướng cho từng thành viên. Vì vậy, chúng ta chỉ cần nhớ ăn đúng giờ, ăn đủ ngày ba bữa, khẩu phần mỗi bữa ăn cần có một chén cơm, nửa chén thực phẩm giàu đạm như thịt, cá… một chén rau, trứng và nửa chén trái cây. Theo công thức này, chúng ta có thể cân đối và thay đổi thực đơn theo các nhóm thức ăn. Đối với người có nhu cầu ăn nhiều hơn thì có thể ăn thêm nhưng vẫn phải căn cứ vào tỷ lệ như trên và điều chỉnh hợp lý” - bác sĩ Đào Thị Yến Phi chia sẻ.

Chọn lựa thực phẩm có nhiều cách, nhưng các bà mẹ nên chọn thịt, cá, rau… càng gần với thiên nhiên, còn tươi mới càng tốt, bởi các thực phẩm này sẽ ít chất độc hại. Phân loại thức ăn tươi và thức ăn khô để bảo quản đúng cách. Mua vừa đủ sẽ giúp thực phẩm giữ được lượng dinh dưỡng tốt, ngon và an toàn nhất.

Quan trọng, khi chế biến món ăn, cần nấu bằng dụng cụ phù hợp, nhất là các món ăn có tính a-xít (trong thành phần có chanh, tắc, thơm…) hay tính kiềm (nước tro tàu, đậu hũ, súp lơ…) nên nấu bằng nồi gốm sứ, nồi đất bởi nếu nấu bằng nồi, chảo kim loại sẽ xảy ra hiện tượng thôi nhiễm. Lúc này, các nguyên liệu có thể tương tác với nồi và tạo ra những chất bất lợi cho cơ thể.

Trong khi nấu, một trong những điều cần chú ý là phải làm sao để tất cả thực phẩm giữ được chất dinh dưỡng trong tự nhiên, giữ được màu sắc tươi mới của nguyên liệu, không tạo ra độc chất mới sau quá trình chế biến. Đây là hai yếu tố quan trọng cho bữa ăn an toàn.

Bác sĩ Yến Phi lưu ý: “Để đạt được điều đó, người chế biến cần nấu thức ăn với nhiệt độ thấp nhằm giữ được cấu trúc chất dinh dưỡng vốn có của thực phẩm, để dù nấu thực phẩm có cấu trúc nhạy cảm nhất cũng không bị ảnh hưởng. Ngược lại, nếu chúng ta nấu với nhiệt độ quá cao, khả năng các cấu trúc dinh dưỡng sẽ chuyển biến thành dạng không tốt, dễ nhận biết nhất là thực phẩm bị cháy đen. Đây là các chất oxy hóa, khi chất này đi vào cơ thể sẽ làm ảnh hưởng các tế bào. Như vậy, nếu sau khi nấu thức ăn vẫn giữ được màu sắc như tự nhiên và hương vị vốn có của chúng thì mới an toàn, đảm bảo dinh dưỡng”. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI