Bạn có chắc sẽ không dính bẫy lừa công nghệ?

02/03/2018 - 12:30

PNO - Gần đây, tại TP.HCM liên tục diễn ra các vụ sử dụng mạng xã hội để lừa đảo.

Công an TP.HCM đã gửi cảnh báo tới các cơ quan chức năng liên quan, hệ thống ngân hàng và cả tổng đài 1080 nhằm giúp người dân cảnh giác trước các chiêu lừa ngày càng tinh vi. Còn chính người dân đã chuẩn bị những gì để không “sập bẫy lừa công nghệ” của kẻ xấu?

Tạo đầu số tổng đài VNPT, công an, Viện kiểm sát để lừa đảo

Năm 2017, Viện Kiểm sát nhân dân (VKS ND) TP.HCM tổ chức hội thảo về người nước ngoài phạm tội tại TP.HCM, đã thông tin: trong ba năm (2014-2016) có tổng cộng 108 vụ với 146 bị can của 25 quốc gia, vùng lãnh thổ bị khởi tố, truy tố về tội lừa đảo, sử dụng mạng máy tính nhằm chiếm đoạt tài sản công dân. 

Những người này sử dụng hệ thống cuộc gọi internet để tạo đầu số cuộc gọi là tổng đài VNPT, cơ quan công an, VKS, tòa án... Họ gọi cho nạn nhân, giả danh nhân viên tổng đài báo nợ cước điện thoại, tiếp đó giả danh cán bộ công an, kiểm sát viên thông báo rằng, ngoài nợ cước, nạn nhân còn liên quan đến đường dây tội phạm rửa tiền, ma túy... 

Lợi dụng sự hoang mang, lo sợ của nạn nhân, họ khai thác thông tin tài khoản ngân hàng rồi yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định để kiểm tra nguồn tiền. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, bọn tội phạm lập tức rút hết tiền và chấm dứt liên lạc.

Ban co chac se khong dinh bay lua cong nghe?
 

Ngày 22/1/2018, bà N.T.T.B. (ngụ xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) nhận được cuộc điện thoại nói bà đang liên quan đến đường dây rửa tiền. Nhóm người yêu cầu bà B. mở tài khoản đứng tên bà tại một chi nhánh ngân hàng ở quận 8. 

Chúng yêu cầu bà đăng ký dịch vụ Internet banking bằng số điện thoại do chúng cung cấp, sau đó đưa lại toàn bộ số tài khoản, tên chủ tài khoản, mã kích hoạt…

Nhóm người này còn buộc bà rút hơn 1 tỷ đồng đang gửi tại ngân hàng khác nộp vào tài khoản mới mở. Ngay trong ngày, chúng đã sử dụng dịch vụ Internet banking do bà B. đăng ký để chuyển tiền sang các tài khoản ngân hàng khác và rút ra.

Khoảng 11 giờ ngày 29/1/2018, ông H.C.C. (ngụ đường Nguyễn Biểu, quận 5, TP.HCM) nhận được cuộc điện thoại thông báo đang có một bưu phẩm không thực hiện được, muốn biết thêm thông tin thì bấm số 016. 

Ông C. làm theo thì gặp một người tự xưng là nhân viên bưu điện hỏi tên, địa chỉ của ông để tìm bưu kiện liên quan. “Nhân viên” này thông báo ông có một bưu kiện gửi đi Hà Nội đang bị tạm giữ để điều tra.

Ông C. khẳng định mình không gửi bưu kiện gì đi Hà Nội thì “nhân viên bưu điện” nghiêm giọng: "Đây là vấn đề không nhỏ, ông cần trình báo gấp với cơ quan điều tra Bộ Công an”. Ông C. được nối máy với một “Cục phó Cục Điều tra của Bộ Công an”.

Vị “cục phó” thông báo ông C. có mở thêm một tài khoản 2 tỷ đồng ở Hà Nội, là tiền bất hợp pháp nên sẽ bị đóng băng theo yêu cầu của Bộ Công an, riêng ông C. thì đã có lệnh bắt khẩn cấp ba tháng để điều tra. 

Đang choáng váng thì ông C. được vị “cục phó” mở đường với điều kiện hợp tác tích cực: cung cấp số điện thoại di động, tên tuổi, ngày sinh, số CMND, các thành viên trong gia đình, thông tin giao dịch ở các ngân hàng, số dư tài khoản...

Ông C. làm theo chỉ dẫn, mở tài khoản ở ba ngân hàng thương mại, sử dụng dịch vụ Internet banking theo số điện thoại do nhóm lừa đảo cung cấp và chuyển tiền của mình từ tài khoản cũ, rút từ các sổ tiết kiệm sang ba tài khoản mới để “cơ quan điều tra kiểm tra, xác thực giao dịch”.

Từ đó, nhóm lừa đảo đã chiếm đoạt của ông C. 7 tỷ đồng. Ông cho biết, các đối tượng lừa đảo nói chuyện, gây áp lực và dụ dỗ khiến ông như bị “thôi miên”. Số điện thoại di động gọi cho ông có đầu số 069 (đầu số của lực lượng quân đội, công an)…

Nổi bật không kém là vụ một người Đài Loan phân công cho tên Lưu Tuấn Minh cùng đồng phạm thu mua, cung cấp tài khoản, mã thẻ... để làm phương tiện lừa đảo, đồng thời giữ vai trò rút tiền chuyển cho người cầm đầu. Minh cùng 9 người khác đã dùng 28 CMND giả mở tài khoản, mua 30 thẻ thanh toán trong nước và quốc tế.

Nhóm này đã gọi điện thoại cho các nạn nhân, giả danh công an TP. Hà Nội yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của thanh tra công an để giám định. Tin lời, hàng chục người đã bị lừa hơn 5 tỷ đồng.

Ban co chac se khong dinh bay lua cong nghe?
 

Một đường dây khác có thủ đoạn tương tự, người cầm đầu là Lưu Tuấn Kiệt đã lãnh án 17 năm tù về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức.

Gần đây có vụ Chen Kun Chin và đồng bọn câu kết với người Việt Nam mạo danh công an sử dụng công nghệ cao lừa đảo người Việt. Thủ đoạn của băng nhóm này là sử dụng công nghệ cao Voice IP giả danh nhân viên VNPT thông báo nợ cước điện thoại, từ đây đồng bọn mạo danh công an đe dọa chủ tài khoản liên quan đến đường dây rửa tiền, ma túy lớn… yêu cầu chuyển hết tiền vào tài khoản của chúng để điều tra.

Con mồi mà chúng nhắm tới là những người lớn tuổi, hưu trí, đa phần là phụ nữ. Sáu người đã bị bắt, hơn 2 tỷ đồng được thu hồi kịp thời. 

Đột nhập thông tin thẻ tín dụng, hộp thư điện tử của người khác

Bọn lừa đảo mua thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài được bán trên mạng internet rồi trực tiếp mua hoặc thuê người khác mua hàng điện tử, vé máy bay... từ tài khoản của chủ thẻ để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng quản lý, phát hành thẻ.

Với thủ đoạn này, tên Nguyễn Thanh Sơn thuê hai người lấy cắp thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài để mua hàng điện tử cao cấp qua các trang web trực tuyến tại Mỹ. Sơn thuê người nhận hàng tại Mỹ, sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ với tổng giá trị tương đương 2 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp cũng là nạn nhân của tội phạm công nghệ cao. Công ty NĐHN trong quá trình mua bán đã sử dụng hai email để trao đổi với một công ty ở Mỹ. Hacker đã trộm mật khẩu, xâm nhập vào hộp mail, gửi mail yêu cầu phía công ty Mỹ chuyển hơn 24.000 USD vào tài khoản mang tên PTS, sau đó chiếm đoạt. 

Nhận quà trả phí

Chiều 14/12/2017, Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ đã tuyên phạt Micheal Ikechukwu Leonard (45 tuổi, quốc tịch Nigeria) 18 năm tù và ba bị cáo khác nhận án 10-15 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo đã tham gia vào đường dây người nước ngoài lừa hàng chục phụ nữ Việt Nam với “chiêu” quen thuộc: sau khi làm quen với các phụ nữ, một người nước ngoài ngỏ ý tặng quà, rằng sẽ có nhân viên hàng không gọi điện thoại cho các chị để thông báo nhận quà.

Đúng hẹn, có người xưng là nhân viên công ty vận chuyển hàng không gọi điện thoại nên các chị em tin là có quà thật và làm theo hướng dẫn, chuyển tiền vào hai tài khoản của họ. Khi liên tục bị “nhân viên” này yêu cầu nộp tiền tiếp thì các chị mới tỉnh ngộ.

Nhận diện tội phạm công nghệ cao

Chiêu giả danh cán bộ công an, kiểm sát viên... lừa đảo qua điện thoại có điểm chung là các đối tượng sẽ yêu cầu người bị hại ra một ngân hàng khác để mở tài khoản đứng tên của chính người bị hại. Nạn nhân sẽ đồng thời đăng ký dịch vụ Internet banking cho tài khoản mà mình đã mở bằng số điện thoại do chúng cung cấp.

Các đối tượng làm cho bị hại nghĩ rằng, tiền vẫn trong tài khoản đứng tên mình nên không mất, từ đó dẫn đến mất cảnh giác. Mặt khác, khi khách hàng đến giao dịch chuyển/nộp tiền vào tài khoản của chính khách hàng thì nhân viên ngân hàng khó có thể nghi ngờ vấn đề gì, từ đó không biết để cảnh báo nguy cơ bị lừa đảo.

Cần lưu ý là các công ty điện thoại chỉ gửi thư thông báo nợ cước bằng email hoặc đến địa chỉ mà người dân cung cấp. Khi mời người dân làm việc, công an sẽ có văn bản ghi rõ thời gian, địa điểm. Người dân tới trực tiếp tại cơ quan, trụ sở công an để làm việc.

Đặc biệt, việc thu giữ vật chứng của vụ án, thu tiền hay vật khác đều phải có văn bản, quyết định của cơ quan thẩm quyền, không thể có chuyện công an gọi điện thông báo nộp tiền, chuyển tiền qua tài khoản. Điều quan trọng là phải nâng cao tính cảnh giác của người dân.

Trong kế hoạch công tác 2018, VKSND TP.HCM ưu tiên lựa chọn các vụ án về tội phạm mới, tội phạm sử dụng công nghệ cao để tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Phiên tòa sẽ được truyền trực tiếp đến VKS 24 quận, huyện.

 Luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) 

Nguyên Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI