Bài học phía sau hàng rào kẽm gai

06/12/2020 - 06:00

PNO - Không quốc tịch, không danh tính, không tự do, không nghề nghiệp, không cả tương lai nhưng người dân nơi đây lại đầy ắp tình thương và hy vọng.

Khi theo chân Tommaso, anh bạn nhiếp ảnh gia người Ý đến Mae La, tôi hình dung trong đầu về một nơi nghèo nàn, nặng nề, ảm đạm với những khuôn mặt tuyệt vọng, khắc khổ, đau thương. Thế nhưng…

Cảm ơn những thương đau

Nằm cách biên giới Thái Lan - Myanmar chừng 8km, trại tỵ nạn Mae La là mái nhà chung của gần 40.000 người dân tộc Karen chạy trốn những cuộc tấn công quân sự trực tiếp của chính phủ Myanmar từ năm 1984 đến nay.

Chiếc xe tuk tuk thả chúng tôi xuống phía trước một hàng rào dây kẽm gai, bên trong là những khu nhà mái lá lụp xụp, sơ sài nằm e ấp bên triền núi nhấp nhô. Người phụ nữ đang tựa lưng vào tường tiến về phía hàng rào ra vẻ muốn bắt chuyện.

Chúng tôi ngồi cách nhau khoảng một mét nhưng đây là khoảng cách một mét dài nhất mà tôi từng biết. Người bên ngoài hàng rào, kẻ bên trong hàng rào, chúng tôi trò chuyện bằng thứ ngôn ngữ quốc tế là nụ cười và cử chỉ tay chân. Lẽ ra sẽ rất vui nếu không có những sợi dây kẽm gai lạnh lùng cắt đôi hai thế giới. Chưa bao giờ tôi phải thực hiện cuộc đối thoại trong một bối cảnh đau lòng như thế.

Dòng suối - nơi diễn ra sinh hoạt hằng ngày  của người dân
Dòng suối - nơi diễn ra sinh hoạt hằng ngày của người dân

Phần sau của cuộc trò chuyện trở nên dễ dàng hơn hẳn với sự xuất hiện của cô con gái lớn May Zee. Cô bé nói tiếng Anh trôi chảy vì vừa đi thực tập sáu tháng ở Mỹ về theo một chương trình học bổng tài trợ cho học sinh trong trại tỵ nạn. Nhờ May Zee, chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống trong trại. Mọi người ở đây không có quốc tịch, không danh tính, không có quyền công dân, không có việc làm và cũng không được tự do đi lại. Người trong trại nếu muốn ra ngoài phải có lý do chính đáng (như đi bệnh viện) thì đơn mới được ký duyệt và thời hạn chỉ được 24 giờ.

Tập tục treo nước và cát trước nhà để ngăn ngừa tà ma
Tập tục treo nước và cát trước nhà để ngăn ngừa tà ma

May Zee sinh ra và lớn lên trong trại tỵ nạn này, chứng kiến nhiều người già chết đi chưa một lần rời trại. “Nếu không có chuyến đi Mỹ vừa rồi, không biết đến khi nào em mới có cơ hội trải nghiệm cuộc sống thật sự bên ngoài” - cô nói. Người già mong mỏi tự do để trở về cố hương, còn người trẻ khao khát tự do để được theo đuổi những hoài bão, khát vọng của mình. Nhìn chị gái May Zee, một tay ẵm đứa con gái nhỏ, một tay dắt cậu con trai lớn đứng khép nép ở một góc sân, chúng tôi tự hỏi rồi các em sẽ lớn lên như thế nào. Người phạm tội đi tù còn biết ngày ra, còn người sống trong trại tỵ nạn này dù không có tội nhưng án cứ treo lơ lửng. 

Tương lai của các em sẽ về đâu?
Tương lai của các em sẽ về đâu?

Trước khi tạm biệt, Tommaso gợi ý chụp cho mẹ của May Zee một tấm ảnh chân dung làm kỷ niệm. Người đàn bà ấy tỏ ra rất vui nhưng sâu trong ánh mắt là cả sự khắc khoải khôn nguôi. Ánh mắt bà dõi theo cho đến khi chúng tôi khuất bóng. Có thể những năm tháng dài mòn mỏi đã làm thui chột niềm tin trong bà nhưng không vì vậy mà bà ngừng hy vọng, không phải cho bản thân mà cho con, cháu của bà. 

Khi được hỏi, điều gì làm cho mọi người có thể tồn tại được trong điều kiện “không ngày mai” như thế, Joseph, giáo viên của khu trại tỵ nạn, cho biết: “Chúng tôi tin rằng mọi sự kiện xảy ra trong đời mình đều ẩn chứa một bài học. Hơn 30 năm sống trong khu trại tỵ nạn, chúng tôi học cách chấp nhận, học cách kiên nhẫn, học cách chia sẻ, yêu thương lẫn nhau và học cách không ngừng hy vọng vào ngày mai. Nói cách khác, chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn nhờ những đau thương”. 

Ung dung trong ràng buộc

Được sự cho phép của một người lính gác, chúng tôi bước vào bên trong trại trong tiếng nhạc guitar vọng lại từ phía xa. Tiếng nhạc dẫn lối chúng tôi đến cái lán nhỏ nơi một nhóm thanh niên đang hăng say luyện tập một bản nhạc Myanmar truyền thống. Phụ nữ và trẻ con vẫn bôi bột thanaka lên má. Họ vẫn giữ tập tục treo 20 túi nước và cát trước cửa nhà để ngăn chặn những nguồn năng lượng xấu. Dù đã mấy mươi năm trôi qua, dù không được ai công nhận, họ vẫn là người Myanmar.

Nói là khu trại tỵ nạn nhưng nơi đây giống như một thị trấn nhỏ. Dễ dàng nhận thấy người dân ở đây rất nghèo qua những ngôi nhà tre lợp mái lá đơn sơ, dòng suối nước đục ngầu nơi mọi người tắm rửa giặt giũ, những con đường đất sơ sài, cách họ ăn vận, giá cả các món ăn được bày bán… Tuy nhiên, trái với hình dung của chúng tôi về một nơi u uất, buồn tẻ, không khí bên trong trại khá thoải mái, dễ chịu. Trong căn nhà sàn ọp ẹp, những phụ nữ Karen truyền thống nhẹ nhàng dệt vải bên khung cửi. Trước sân nhà, nhiều phụ nữ e thẹn ngồi dệt mái lá. Nhịp sống chầm chậm, nhẹ nhàng cùng những nụ cười chân chất của mọi người ở đây khiến tôi liên tưởng đến cuộc sống ở một làng chài hơn là một khu trại tỵ nạn.

Phụ nữ Karen đang dệt mái lá
Phụ nữ Karen đang dệt mái lá

Chúng tôi ghé vào một hàng quán nhỏ uống một cốc trà sữa đỏ Myanmar và ăn vài chiếc bánh handmade nhỏ xinh. Ông chủ nhà hàng với vốn tiếng Anh giao tiếp vừa đủ, vừa nhào bột vừa tâm sự: “Trại được hỗ trợ bởi Liên Hiệp Quốc, chính phủ Thái Lan và nhiều tổ chức phi chính phủ khác nhưng mức hỗ trợ ngày càng ít so với mức sống hiện tại nên người trong trại cố gắng tìm việc làm để kiếm thêm tiền. Tuy nhiên, ở đây không có việc cho mọi người làm. Ban đêm, đàn ông thường lẻn ra ngoài chặt cây về cho phụ nữ đan lá làm mái nhà bán. Nếu bị phát hiện chặt cây trái phép, họ sẽ bị phạt rất nặng nhưng đó gần như là cách duy nhất để kiếm tiền nên dù biết có thể bị phạt, họ vẫn làm”.

Các hàng quán, cửa hàng hằng tháng sẽ đóng một khoản thuế tượng trưng cho nhà nước, thu nhập còn lại chẳng đáng là bao nhưng mọi người vẫn cần mẫn làm việc vì ít ra cũng có đồng ra đồng vào và quan trọng là thấy mình còn có ích. Người dân ở đây dù nghèo nhưng rất tự trọng, hiếm khi xin xỏ, trộm cắp. Mọi người đều tìm cách làm ăn chân chính. 

Hàng rào kẽm gai lạnh lùng cắt đôi hai thế giới
Hàng rào kẽm gai lạnh lùng cắt đôi hai thế giới

Trước khi rời trại, chúng tôi ghé vào tiệm tạp hóa nhỏ mua một miếng dưa hấu. Chị chủ quán xinh đẹp có đôi mắt biết cười đưa tay lên ra hiệu quả dưa hấu có giá 24 baht Thái. Chị bị câm, điếc. Thông qua ngôn ngữ cơ thể, chị cho biết chị 34 tuổi và có ba đứa con, hai trai một gái. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự lạc quan trong một hoàn cảnh kinh tế không mấy dễ chịu của chị, song xúc động nhất là khi chị một mực từ chối không nhận tiền chúng tôi trả. Cách hành xử bất ngờ của chị khiến tôi nhớ đến câu nói của ai đó, rằng: “Những người nghèo là những người hào phóng nhất”. Tôi nghĩ, chị hào phóng vì chị hiểu được ý nghĩa của sự sẻ chia. 

Nếu chiếu theo định nghĩa của thiền sư Viên Minh: “Tự do chính là ung dung trong ràng buộc. Hạnh phúc chính là tự tại giữa khổ đau” thì những người ở trong trại tỵ nạn này đã có tự do và hạnh phúc, điều mà nhiều người bên ngoài hàng rào kẽm gai vẫn đang mải miết kiếm tìm. 

Yên Thảo - Tomaso (từ Mae La). Ảnh: Tommaso Gioa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI