Bài học cho con từ biến cố

14/03/2020 - 05:31

PNO - Biến cố là cơ hội lớn nhất để phụ huynh làm “giáo án” gia đình, nói với con về cuộc sống vốn không phải luôn êm đềm, nhẹ trôi như dòng sông lười trong công viên nước.

Nếu cuộc sống là cái cầu thang, thì ta sẽ tiến lên một bậc hay lùi lại một bậc sau biến cố? Câu trả lời không dựa vào độ tàn khốc của biến cố, mà chính ở sức bật và khả năng đương đầu của người đi qua nghịch cảnh ấy.

Cha mẹ nên thường xuyên kể cho con nghe những buồn vui, vấp váp, bị hiểu lầm để “dắt” con hiểu và sẵn sàng đối diện với những biến cố… - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock
Cha mẹ nên thường xuyên kể cho con nghe những buồn vui, vấp váp, bị hiểu lầm để “dắt” con hiểu và sẵn sàng đối diện với những biến cố… - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock

Biến cố là cơ hội lớn nhất để phụ huynh làm “giáo án” gia đình, nói với con về cuộc sống vốn không phải luôn êm đềm, nhẹ trôi như dòng sông lười trong công viên nước.

Trong “nguy”, nảy ra “cơ”

Từ những ngày dịch Covid-19 bùng phát, thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương (nhà sáng lập Trường ngoại khóa Tomato, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Trường mầm non - tiểu học ICS) quan tâm, theo dõi cập nhật từng trường hợp rồi vỡ òa niềm vui khi thấy các bệnh nhân lần lượt được xuất viện.

Bé Cà Chua con chị cũng cùng cảm xúc với mẹ. Tuần đầu được nghỉ học, Cà Chua rất hớn hở. Bé hào hứng đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên hơn, và hỏi mẹ con vi-rút đó mặt mũi thế nào, xíu xiu không nhìn thấy được, sao có thể đánh gục con người to lớn thế kia?

Một cách tự nhiên, chị cùng con tìm kiếm các thông tin về dịch bệnh, cùng con chơi các trò mở cửa, bấm thang máy… mà hạn chế thấp nhất việc sử dụng ngón tay. Mẹ con cùng chế biến thức ăn, thức uống dinh dưỡng để tăng đề kháng cơ thể. Và đây cũng là những lần hiếm hoi con tự nguyện, xung phong uống nước cam (trước đây con lười uống).

Thời gian nghỉ học kéo dài, quanh quẩn giữa bốn bức tường, ít vận động thể chất, trẻ sẽ chán, trì trệ, cộng thêm việc tiếp xúc bầu không khí lo lắng của xã hội vì dịch bệnh, cũng khiến tâm lý của gia đình và con trẻ ảnh hưởng tiêu cực. Không chỉ đảo lộn mọi sinh hoạt đời sống, mà cả những mất mát về cảm xúc tinh thần, dấu ấn để lại trong lòng trẻ có thể gây ra những tác động âm thầm khó đánh giá hết được.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông thường nhắc đến biến cố, người ta thường nhìn ở góc độ nguy nan, tàn lụi, mang nghĩa đau buồn nhiều hơn là những bài học rút ra cho mình, cho con để cùng vững vàng, đối mặt. Những điều quý giá ấy, chị Uyên Phương chia sẻ với phụ huynh qua buổi chuyên đề “Dạy con từ biến cố” vào cuối tháng 2/2020 - thời điểm dịch bệnh đang hoành hành nhiều nơi trên thế giới. 

Theo thạc sĩ Uyên Phương, biến cố là một sự kiện mà khi xảy ra sẽ thay đổi đáng kể thế giới quan của mình. Có biến cố cộng đồng như dịch bệnh, thiên tai… có biến cố cá nhân như ly hôn, bị tai nạn, bị xâm hại, thi rớt, thất nghiệp…

Hồi tưởng lại những tháng ngày qua, biến cố nhớ đời của chị Uyên Phương là một biến chứng trong thai kỳ ập đến, buộc chị phải nằm dưỡng thai suốt nhiều tháng, trong khi doanh nghiệp chị thành lập mới nửa tuổi đầu.

Từ một cô gái năng động, tự tin, nghênh chiến với mọi thứ trên đời, chị gần như bị cột chặt vào chiếc giường. Chị bắt đầu ngộ ra “gia đình là quan trọng nhất” - câu nói ra rả trước giờ chị vẫn nghe và thường xuyên sử dụng. Chị dọn sẵn một tâm thế sẵn sàng đặt xuống hết tất cả tiền bạc, mối quan hệ, cơ hội thành đạt… để giữ lấy điều quý giá nhất.

Những thành công trong sự nghiệp rồi cũng mỉm cười với người mẹ trẻ, chị đã vượt qua nỗi sợ hãi rằng “nếu tôi kém hiện diện một nơi nào đó, trong sự kiện nào đó, thì hẳn là tôi đã đánh mất cơ hội”. Về tiền bạc, sự nghiệp, khi cầm lên được thì sẽ đặt xuống được.

Biến cố thai kỳ ngay buổi đầu chập chững làm mẹ giúp chị điềm đạm, nhìn rộng, linh hoạt, và vững tin vào cuộc sống. “Đám mây nào cũng có những tia chớp bạc”. Con chị được hưởng rất nhiều từ sự lạc quan, ấm áp đó của chị. 

“Vùng biển êm đềm không làm nên thủy thủ xuất sắc”

Từ bé, sống trong sự bao bọc của gia đình, anh Hoàng Sơn sinh thói ỷ lại, đua đòi, thích quậy phá. Đùng cái, năm anh 24 tuổi, cha anh bị tai nạn giao thông và mất. Nỗi đau này giục anh Sơn lớn nhanh để kịp trở thành trụ cột, thay cha gánh vác gia đình với hai em đang tuổi ăn tuổi học. Vừa đi làm xây dựng, anh vừa học hỏi tìm tòi, nâng cao tay nghề, để dù có rơi vào khủng hoảng kinh tế, công trình khan hiếm, công ty vẫn giữ lại anh như một cánh tay đắc lực.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Anh tiếc thời gian trước đây chìm ngập trong thú vui nhất thời, để vĩnh viễn cha anh không nhìn thấy được ngày con trai duy nhất của cha thành tài, chín chắn và biết chăm lo cho người thân. Câu chuyện của anh Sơn minh chứng cho triết lý “thứ gì không giết được bạn, sẽ làm cho bạn mạnh mẽ hơn”.

Mới đây, trải qua nỗi bàng hoàng nhà cháy, chị Chiêu Anh cảm nhận sâu sắc hai chữ “biến cố” đầy bất ngờ và không thể lường trước. Khi kết hôn, đâu ai chuẩn bị cho việc ly hôn, đâu ai chuẩn bị cho việc mất con hoặc sinh ra một đứa bé khiếm khuyết, đâu ai dám nghĩ đến cháy nhà ngay khi mình đang sống bình yên trong căn nhà ấy. Sức nén của chiếc lò xo biến cố càng khủng khiếp khi nó ập đến thình lình.

Những kỹ năng, những phẩm chất phải được chuẩn bị sẵn như chiếc phao căng đầy giữa dòng nước dữ. Như trong giai đoạn dịch bệnh, nếu không nắm rõ thông tin, chưa hình dung được, phụ huynh chuyển từ lo lắng sang lo sợ, dẫn đến hành động né tránh, phòng vệ, khủng hoảng, sợ hãi khi chen chân mua khẩu trang, nước rửa tay, gom đầy ứ thực phẩm; dẫn đến hệ lụy có những người trục lợi từ sự khan hiếm ảo.

Những trạng thái đó được trẻ thu vào tầm mắt, tạo thành những ám ảnh, hoang mang thái quá. Thay vì tìm lối ra, cách phòng tránh, người lớn lại để trẻ đi qua biến cố trong nỗi sợ hãi, bất an. 

Chị Chiêu Anh cho rằng, dù khuyến khích con tự lập, nhưng phụ huynh nên cho con khả năng nhìn thấy và tiếp cận sự hỗ trợ cần thiết xung quanh để đi qua nghịch cảnh một cách dễ dàng. Tùy góc nhìn của mỗi người, mỗi lứa tuổi mà cái được gọi là biến cố ấy rất khác nhau mà chỉ có “khổ chủ” mới cảm nhận được.

Một lần bị xúc phạm, bị bắt nạt, bị từ chối tình cảm, kết quả học tập không như mong muốn… thậm chí gương mặt bị nổi mụn cũng có thể trở thành cú sốc với trẻ. Nhưng đôi khi với người khác thì “chuyện nhỏ như con thỏ, có gì đâu phải khóc, phải bực mình…” và phủ định những cảm xúc đó khi nghe trẻ bộc bạch, khiến trẻ bị hẫng nhịp tương tác, dẫn đến việc cứ thu mình trong nỗi niềm riêng.

Thạc sĩ Uyên Phương chia sẻ, để thực sự là người bạn đồng hành với con trong cuộc sống, để con thường xuyên bày tỏ câu chuyện của mình, thì cha mẹ nên thường xuyên kể cho con nghe những vấn đề mình gặp phải, kể cả những buồn lo, vấp váp, bị hiểu lầm, nguy cơ mất việc…

Trình diện cho con mình một chân-dung-con-người nhất có thể, sẽ giúp con rắn rỏi, thấu cảm hơn, đôi khi còn động viên, an ủi, che chở ngược lại cho cha mẹ.

Đừng che giấu cảm xúc yếu đuối của mình. Nhiều vợ chồng chia tay, mang cảm giác tội lỗi, đã giấu con và ngụy biện, lấp liếm. Nhưng nên nói thật với con một cách chân thành, giới hạn vừa đủ theo lứa tuổi và tính cách của con, tránh cho con cảm giác thê lương, choáng ngợp.

Có thể điều đó con không hề mong muốn, nhưng con sẽ tự phục hồi và hiểu rằng tình trạng ly hôn của cha mẹ không hề tước đi của con tình yêu thương.

Cha mẹ lắng nghe con và không phán xét. Do bẫy tâm lý tuổi teen, con thường tự cô lập, cho rằng mình là người duy nhất gặp vấn đề xui rủi đó. Nếu người lớn giúp con nhìn cuộc sống, con người, sự việc không toàn màu hồng và bất biến theo thời gian, trẻ sẽ tôn trọng khách quan đa dạng, dễ chấp nhận và thích nghi.

Khi con đủ mạnh mẽ, vững vàng, thì chúng luôn có cách tự giải thoát mình khỏi mọi trở ngại, thử thách, thậm chí còn kiến tạo ra những giải pháp tích cực cho người thân và cộng đồng xung quanh chúng. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI