Những “cái bẫy” mạo danh nghệ thuật

Bài 2: Bát nháo “chợ” workshop

10/07/2020 - 08:26

PNO - Một trong những ưu điểm của workshop chính là việc kết nối những người trong cùng lĩnh vực điện ảnh, thời trang, âm nhạc… Người tham dự có thể tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, cập nhật xu hướng cũng như những mối quan hệ cùng sở thích, nghề nghiệp.

Những “cái bẫy” mạo danh nghệ thuật

Nghệ thuật Việt Nam (bao gồm nhiều lĩnh vực: mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghệ thuật đương đại hay phim ảnh…) đang trên đà phát triển, kéo theo đó, nhiều mô hình, tổ chức hỗ trợ ra đời với các phương thức, tiêu chí hoạt động riêng. Rất nhiều nghệ sĩ độc lập, nhà làm phim của Việt Nam, đặc biệt là các gương mặt trẻ, nhờ nhận được sự hỗ trợ đúng thời điểm của các tổ chức nghệ thuật này mà tài năng được phát lộ. Tuy nhiên, bên cạnh các tổ chức/vườn ươm nghệ thuật, những chương trình giảng dạy uy tín, có quy trình rõ ràng, minh bạch như Sàn Art, The Factory, các quỹ hỗ trợ nghệ thuật đương đại từ các tổ chức phi chính phủ… thì vẫn có không ít chương trình thiếu minh bạch ở khâu tổ chức hoặc vận hành.

Bài 1: Vườn ươm nghệ thuật: Cái áo quá khổ hay tổ chức “ma”?

1. Hiện, phổ biến nhất là các workshop, lớp học về phim ảnh, vì đây là loại hình đặc thù về cả độ phổ biến lẫn tính kết nối cao. Ở một workshop phim ảnh ngắn thì một buổi kéo dài khoảng 2-3 tiếng, dài hơn thì vài ba buổi, tạo thành chuỗi, có khi thành một khóa học một hai tháng.

Bên cạnh những workshop, những khóa học định kỳ do các cá nhân/trung tâm/câu lạc bộ như câu lạc bộ  Điện ảnh trường Hoa Sen, Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh TPD, Xinê House… tổ chức, còn có rất nhiều workshop mọc lên với đủ mọi giá thành, đáp ứng đủ nhu cầu khác nhau. Cùng với đó là sự xuất hiện của hàng loạt “nhà phê bình tự xưng”.

Theo tìm hiểu, có hai nhóm workshop phim ảnh, bên cạnh những workshop từ các nhà làm phim/phê bình có uy tín tổ chức: 

Hình thức thứ nhất, người chia sẻ có liên quan đến lĩnh vực phim ảnh, từng tham gia hoạt động ở đoàn phim hoặc học về điện ảnh, và dùng đó làm hồ sơ quảng bá để mở workshop, lớp học dù không đúng chuyên môn của họ.

Lê Hải Nam trong một khóa học do Nam tổ chức
Lê Hải Nam trong một khóa học do Nam tổ chức

Chẳng hạn trường hợp Lê Hải Nam, tự nhận đạo diễn, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Lý luận phê bình điện ảnh, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội với Facebook Make Films. Not War - chuyên quảng bá và mở nhiều khóa học với học phí 5-6 triệu đồng/khóa, gồm: quay phim, dựng phim, đạo diễn, làm phim quảng cáo, âm thanh… Các khóa học dạng này kéo dài suốt hai năm nay, và được tổ chức, quảng bá vô cùng bài bản. Tuy nhiên, Lê Hải Nam chưa hề tốt nghiệp thạc sĩ mà bỏ dở giữa chừng. Nam cũng không có bất kỳ sản phẩm nào liên quan đến phim ảnh. Liệu một người chưa hề làm phim, chưa hề có kịch bản nào được dựng thành phim, thì có đủ tư cách để dạy người khác làm phim và viết kịch bản? Đó là hoài nghi của rất nhiều người trong nghề.

Hình thức thứ hai, mạo danh hoàn toàn với thủ thuật lừa đảo tinh vi: dựng hẳn video clip, chèn tên vào đoạn credit (đoạn chữ chạy cuối phim, ghi tên những thành viên có đóng góp cho bộ phim) như trường hợp của H.N. - người tự nhận làm thiết kế âm thanh cho siêu phẩm Black Panther của Marvel. Hay mới đây là trường hợp Huỳnh Hồng Giang mạo danh Christopher Wong, nhà soạn nhạc phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc… “lừa” cả trung tâm tổ chức MAAC, mở workshop chia sẻ kinh nghiệm soạn nhạc phim và những trải nghiệm làm nhạc cho các bộ phim nổi tiếng.

Sự việc được chính Christopher Wong phát hiện, chia sẻ và kêu gọi cảnh báo trên Facebook cá nhân. Dù MAAC đã lên tiếng xin lỗi và gỡ toàn bộ hình ảnh liên quan đến người mạo danh; song chắc chắn, niềm tin dành cho trung tâm đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chuyện này ngoài sức tưởng tượng của không ít người nên thậm chí, có ý kiến còn đặt dấu hỏi: có hay không cái “bắt tay” ma quỷ đó?  

Trước khi mạo danh Christopher Wong, năm 2009 - 2010, Huỳnh Hồng Giang từng mạo danh người của công ty Blue Music trục lợi fan Westlife và Shane Filan bằng việc bán đĩa lậu nhưng gắn mác hãng đĩa của nhóm. Năm 2017, người này cũng dùng danh nghĩa Blue Music ký hợp đồng với nghệ sĩ quốc tế tới biểu diễn tại Việt Nam. Sau khi lịch diễn bị hủy, Giang vẫn tiếp tục bán vé, thậm chí còn đại diện nghệ sĩ trả lời câu hỏi của fan.

2. Với những trường hợp rõ mười mươi như Huỳnh Hồng Giang, chẳng lẽ tất cả các chế tài đều vô hiệu, để cho hành vi giả mạo lặp lại từ năm này tới năm khác? Có cung ắt có cầu, “chợ” workshop loạn sẽ loạn hơn, nếu không có một ràng buộc nào đó về mặt quản lý nhà nước. 

Tất nhiên, nói như cây bút phê bình Nguyễn Văn Tuấn, việc đưa workshop vào quản lý là rất khó, vì tính cởi mở, sẻ chia, kết nối của workshop là hình thức khá hay. Chưa kể, những cá nhân/tổ chức thực hiện workshop không hoạt động theo mô hình trường học. Rất nhiều trong số đó được thực hiện miễn phí.

Vì thế, trước khi có một chế tài phù hợp để dẹp loạn “chợ” workshop, người học trước khi quan tâm đến việc workshop có đúng nhu cầu và giá cả hợp lý, thì hãy chịu khó tìm hiểu kỹ những người đứng lớp, nhất là những cá nhân tự xưng danh. Đồng thời cần biết trung tâm/tổ chức/cá nhân tổ chức workshop đó có đáng tin cậy không.

Thực tế cho thấy, số lượng nhà làm phim Việt tài năng khá đông, nhưng rất ít người đủ tự tin làm khách mời trò chuyện, trao đổi với người học, ngoài một vài cái tên thân thuộc như Phan Đăng Di, Trần Thị Bích Ngọc, Phan Gia Nhật Linh, Trần Khánh Hoàng… Vì để đứng lớp được lại là chuyện không hề đơn giản. Nó đòi hỏi rất nhiều thứ, gồm cả kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tế và tinh thần muốn sẻ chia, tạo dựng một cộng đồng hơn là trục lợi. 

Hoàng Linh Lan

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI