Những “cái bẫy” mạo danh nghệ thuật

Bài 1: Vườn ươm nghệ thuật: Cái áo quá khổ hay tổ chức “ma”?

08/07/2020 - 07:53

PNO - Đầu tháng 7/2020, một số nghệ sĩ trẻ có tác phẩm xin tài trợ từ tổ chức Vườn ươm nghệ thuật (VƯNT) lên tiếng trên trang cá nhân về việc hoạt động thiếu minh bạch của tổ chức này trong việc xét duyệt và làm việc với nghệ sĩ.

Những “cái bẫy” mạo danh nghệ thuật

Nghệ thuật Việt Nam (bao gồm nhiều lĩnh vực: mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghệ thuật đương đại hay phim ảnh…) đang trên đà phát triển, kéo theo đó, nhiều mô hình, tổ chức hỗ trợ ra đời với các phương thức, tiêu chí hoạt động riêng. Rất nhiều nghệ sĩ độc lập, nhà làm phim của Việt Nam, đặc biệt là các gương mặt trẻ, nhờ nhận được sự hỗ trợ đúng thời điểm của các tổ chức nghệ thuật này mà tài năng được phát lộ. Tuy nhiên, bên cạnh các tổ chức/vườn ươm nghệ thuật, những chương trình giảng dạy uy tín, có quy trình rõ ràng, minh bạch như Sàn Art, The Factory, các quỹ hỗ trợ nghệ thuật đương đại từ các tổ chức phi chính phủ… thì vẫn có không ít chương trình thiếu minh bạch ở khâu tổ chức hoặc vận hành.

1.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, nghệ sĩ Phạm Khắc Thắng (cùng với nghệ sĩ Ngô Kỳ Duyên, có tác phẩm điêu khắc mang tên Nhìn lọt qua vòng 2 của VƯNT) cho biết: “Có rất nhiều điều không rõ ràng và thiếu chuyên nghiệp từ VƯNT trong cách làm việc với nghệ sĩ như: chuyển pitching online từ Zoom qua Zalo, không thông báo thời gian di chuyển, làm việc cụ thể cho nghệ sĩ, dù chúng tôi đã nhiều lần liên hệ…”. Anh Thắng cũng cho biết thêm, ngoài việc lo ý tưởng bị ăn cắp, anh và các bạn lên tiếng để những nghệ sĩ trẻ cùng biết và tránh những tổ chức có hoạt động tương tự.

Một số thông báo trên trang Fanpage Vườn ươm nghệ thuật
Một số thông báo trên trang Fanpage Vườn ươm nghệ thuật

Được thành lập cách đây một năm, tự giới thiệu là dự án phi chính phủ thuộc sự quản lý của Công ty Connect Việt Nam - VCC, VƯNT hiện do đạo diễn Bùi Phương Thảo làm đại diện. Khác với những trung tâm hỗ trợ nghệ thuật khác, thay vì tập trung vào một lĩnh vực cụ thể như phim ảnh, nghệ thuật đương đại, mỹ thuật, tổ chức sự kiện nghệ thuật… VƯNT bao hàm nhiều lĩnh vực kể trên.

Phản hồi những thắc mắc của anh Thắng và một nhóm nghệ sĩ trẻ, đạo diễn Bùi Phương Thảo cho biết: “Chúng tôi xét duyệt tác phẩm dựa trên nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố đó là tác phẩm đăng ký tham gia phải có bảo hộ tác giả, tác phẩm để tránh tranh chấp về sau. Chúng tôi đã thông báo điều này ngay từ đầu nên những tác phẩm không đủ điều kiện sẽ bị loại. Phần nữa, mọi hoạt động của VƯNT đều được thông báo trên Facebook và Zalo do diễn ra trong thời điểm cách ly xã hội. Thay vì cài đặt thêm phần mềm Zalo để nhận tin, các bạn lại nói rằng không dùng Zalo nên không biết. Tôi nghĩ vấn đề nằm ở việc chậm thích ứng và sự lơ là, hờ hững của các bạn”.

Cũng theo chia sẻ từ bà Thảo, VƯNT đóng vai trò là cầu nối giữa các nguồn tài trợ (đến từ Nga) và các dự án nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ trẻ được chính VƯNT tuyển chọn. Năm 2020, VƯNT khởi động mùa 2 với số vốn tài trợ lên đến 100.000 USD cho 10 dự án đạt yêu cầu. Đây là số tiền cực kỳ lớn nên không khó để giải thích tại sao VƯNT thu hút đông đảo sự quan tâm của người trẻ yêu nghệ thuật tại Hà Nội, mặc dù ban tổ chức không công khai nguồn tài trợ. 

2.

Bỏ qua những tranh cãi cá nhân, xét ở thái độ làm việc dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc giữa VƯNT và một số nghệ sĩ trẻ, điểm đáng lưu ý nhất của VƯNT là, mặc dù nuôi tham vọng với nhiều dự án nghệ thuật ở các lĩnh vực trình diễn, sắp đặt, điêu khắc… nhưng thành viên tham gia Hội đồng xét duyệt các dự án xin tài trợ chỉ có ba “chuyên gia” theo chia sẻ của đạo diễn Bùi Phương Thảo là anh Nguyễn Đức Ngà (từng tốt nghiệp cử nhân ngành đạo diễn truyền hình), nghệ sĩ Vũ Khánh (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam), và bản thân chị Thảo. Đây cũng là ba cá nhân làm việc trực tiếp với các nhóm nghệ sĩ gửi dự án vì “các chuyên gia từ Nga không thể gặp gỡ, trao đổi do ảnh hưởng của COVID-19”.

Rõ ràng, nếu xét về mặt chuyên môn và chức năng, ba thành viên trên chỉ đủ khả năng đánh giá các dự án thuộc lĩnh vực phim truyền hình, nhiếp ảnh hoặc rộng hơn là phim ảnh nói chung (dù mỗi thể loại đều có đặc điểm riêng). Không phải ngẫu nhiên mà Dự án phim ngắn CJ do CGV tổ chức phải mời cho kỳ được các tên tuổi lớn của làng phim độc lập như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp… Làm phim 48h thì có Phan Gia Nhật Linh, Ken Ochiai… còn cuộc thi Nhà Biên kịch tài năng lại chọn những tên tuổi gắn liền với dòng phim giải trí, thương mại như Đức Thịnh, Nguyễn Khánh Hoàng…

Nghệ sĩ Phạm Khắc Thắng “tố” VUNT hoạt động không rõ ràng và thiếu chuyên nghiệp
Nghệ sĩ Phạm Khắc Thắng “tố” VUNT hoạt động không rõ ràng và thiếu chuyên nghiệp

Trong khi đó, các dự án thiên về nhiếp ảnh, nghệ thuật đương đại, kiến trúc… lại do những tổ chức chuyên về lĩnh vực này thực hiện. Điều này âu cũng không hề khó hiểu, bởi họ cần đảm bảo uy tín của cuộc thi và cần sự xác tín, bảo chứng từ những cái tên đã thành danh, có kinh nghiệm trong lĩnh vực họ theo đuổi.

Trở lại câu chuyện của VƯNT, cũng cần phải nói thêm rằng, chính các nghệ sĩ tham gia xin tài trợ từ dự án này có một phần trách nhiệm với bản thân và tác phẩm của họ khi không tìm hiểu kỹ càng và đủ đầy thông tin. Bởi trong mùa đầu tiên, VƯNT dù đã chọn được ba tác phẩm để cấp kinh phí tài trợ thì cả ba dự án khi vào đến vòng tập huấn, các nhóm nghệ sĩ phát hiện ra họ chưa đủ khả năng quản lý dự án và tự rút lui. Một tổ chức không đủ cả chức năng đánh giá lẫn hỗ trợ nghệ sĩ thực hành nghệ thuật, có đáng để tin cậy?

Cũng có thể nói, ý định của VƯNT lúc khởi đầu là tốt, nhưng việc thiếu năng lực, khả năng quản lý đã dẫn đến hiện trạng như trên. Có lẽ đã nhận ra điểm yếu này nên đạo diễn Bùi Phương Thảo cho biết, ở mùa thứ 3, VƯNT sẽ chuyển hướng hỗ trợ các nghệ sĩ hoạt động chuyên nghiệp. Tuy nhiên, rất khó để đánh giá được đâu mới là cái đích mà VƯNT hướng đến, khi vẫn chưa có quả ngọt nào ra đời từ khu vườn của họ. 

Hoàng Linh Lan

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI