Bác sĩ Đào Trung Hiếu - “đôi tay vàng” ngành ngoại nhi

27/02/2024 - 05:29

PNO - Bác sĩ Đào Trung Hiếu là người được mệnh danh có “đôi tay vàng” trong ngành ngoại nhi. Ông không chỉ cải tiến nhiều kỹ thuật mổ cho trẻ em mà còn thúc đẩy, đặt tiền đề để Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiệm cận và tiến tới kỹ thuật can thiệp bào thai.

Những bài học đạo đức, chuyên môn quý báu

Thầy thuốc nhân dân, thạc sĩ, bác sĩ Đào Trung Hiếu - nguyên Phó giám đốc, hiện là chuyên gia cố vấn chuyên môn phẫu thuật nhi Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - được người dân yêu mến đặt cho biệt danh “đôi tay vàng”. Sở dĩ như vậy vì ông đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật vô cùng phức tạp, hy hữu, cứu sống các bệnh nhi thập tử nhất sinh một cách ngoạn mục. 

Ông thi đậu vào Trường đại học Y Dược TPHCM năm 1980. Đây là khóa học sơ bộ y khoa cuối của trường. Học sơ bộ y khoa, các sinh viên y khoa sẽ trải qua 5 năm y đa khoa, năm thứ sáu sẽ học định hướng chuyên khoa. Sau khi kết thúc 5 năm y đa khoa, cậu sinh viên Đào Trung Hiếu lúc ấy đã đăng ký 3 chuyên khoa là ngoại nhi, ngoại tổng hợp và ngoại chấn thương chỉnh hình. Nhà trường dựa trên tiêu chí điểm môn nào cao nhất thì ưu tiên cho sinh viên theo học chuyên khoa đó. 

Vậy là ông đã theo học chuyên khoa ngoại nhi. Lúc nhận kết quả, ông vô cùng vui mừng vì như sở nguyện. Bởi từ khi học năm thứ ba, cậu sinh viên y khoa đã vào Bệnh viện Nhi Đồng 1, thay cha mẹ nuôi bệnh em ruột của mình bị chấn thương do tai nạn suốt 2 tháng. Kể từ đó, sinh viên y khoa Đào Trung Hiếu đã mong ước sau này có thể trở thành bác sĩ ngoại nhi để trực tiếp phẫu thuật, cứu chữa cho những trẻ em bị tai nạn, dị tật.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu (ngồi, bìa trái) và ê kíp phẫu thuật sơ sinh của Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh do bác sĩ Phương Anh cung cấp
Bác sĩ Đào Trung Hiếu (ngồi, bìa trái) và ê kíp phẫu thuật sơ sinh của Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh do bác sĩ Phương Anh cung cấp

 

Bác sĩ Đào Trung Hiếu (thứ hai từ trái sang) cùng ê kíp đang tiến hành phẫu thuật cho một trường hợp sinh non bị hoại tử đường ruột - Ảnh do bác sĩ Phương Anh cung cấp
Bác sĩ Đào Trung Hiếu (thứ hai từ trái sang) cùng ê kíp đang tiến hành phẫu thuật cho một trường hợp sinh non bị hoại tử đường ruột - Ảnh do bác sĩ Phương Anh cung cấp

Bước trên hành trình làm bác sĩ ngoại nhi, bác sĩ Đào Trung Hiếu ngày càng nhận ra mình đã lựa chọn đúng. Ông vẫn nhớ như in những bài học xương máu đầu đời của thuở mới ra trường. Bác sĩ Đào Trung Hiếu chính thức đi làm hưởng lương tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 từ năm 1987. Lúc ấy, ông được phân công vị trí phụ mổ thứ ba trong ca phẫu thuật do giáo sư Văn Tần chủ trì. Nhiệm vụ của bác sĩ phụ mổ thứ ba là tiếp dụng cụ cho bác sĩ mổ chính. Giáo sư Văn Tần vô cùng điêu luyện, thao tác rất nhanh khiến bác sĩ trẻ Đào Trung Hiếu xỏ chỉ vào kim không kịp. Thời ấy, kim may vết thương chỉ có vài ba cỡ, bác sĩ phụ mổ phải đứng xỏ từng cọng chỉ vào lỗ kim chứ không như ngày nay có rất nhiều cỡ kim và kim liền chỉ. Phối hợp chậm trễ nên bác sĩ Đào Trung Hiếu bị giáo sư Văn Tần la rầy. 

Sau ca mổ ấy, bác sĩ Đào Trung Hiếu đã rút kinh nghiệm sâu sắc. Trước mỗi cuộc mổ, ông tính toán, chuẩn bị dụng cụ rất chu đáo, xỏ sẵn chỉ vào kim để lúc ca phẫu thuật diễn ra, bản thân không cập rập. Sau này, ông cũng luôn nhắc nhở các bác sĩ trẻ như vậy. Đặc biệt, với những ca báo động đỏ, chỉ cần một thành viên của ê kíp chưa chuẩn bị chu đáo sẽ gây ảnh hưởng tới cả nhóm, thậm chí là tính mạng của bệnh nhân.

Thời của ông, bác sĩ phải tự xỏ kim, lưỡi dao mổ cũng thiếu nên hấp đi hấp lại để dùng. Lúc ấy, chẳng có máy siêu âm nên khi chẩn đoán toàn chỉ dựa vào kiến thức y khoa và kinh nghiệm chuyên môn. Tài liệu, sách vở thì phải để dành tiền cả năm mới mua được nhưng cũng chỉ là cuốn sách photo. Thiếu thốn đủ thứ nhưng thế hệ bác sĩ thời đó vẫn tùy cơ ứng biến và chưa bao giờ vơi đi nhiệt huyết, tình yêu nghề. 

Cống hiến lớn lao cho ngành ngoại nhi và sơ sinh

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thị Phương Anh - Phụ trách Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 1 - vừa là học trò vừa là đồng nghiệp của bác sĩ Đào Trung Hiếu. Công tác tại bệnh viện hơn 20 năm nay, chị chứng kiến lĩnh vực ngoại khoa sơ sinh của bệnh viện chuyển mình một cách ngoạn mục. Thành quả đó không thể không nhắc đến sự quan tâm, sâu sát của ban lãnh đạo bệnh viện nói chung và bác sĩ Đào Trung Hiếu nói riêng. Năm 2002, khi đang là bác sĩ nội trú tại bệnh viện, chính thầy Đào Trung Hiếu đã khuyên chị đi theo chuyên ngành ngoại khoa sơ sinh. Lĩnh vực này ít người chọn, điều kiện làm việc thời điểm ấy vẫn còn thiếu thốn, nên nhiều ca tử vong. Từ đó, bác sĩ Phương Anh đã sát cánh bên người thầy, người đồng nghiệp của mình, cùng các thế hệ bác sĩ kế thừa phát triển ngành ngoại khoa sơ sinh. 

Vào năm 2006, Trung tâm Sơ sinh của Bệnh viện Nhi Đồng 1 chính thức ra đời. Đây là trung tâm sơ sinh đầu tiên trên cả nước, bao gồm phẫu thuật sơ sinh và hồi sức. Mỗi năm, trung bình có khoảng 300 trẻ sơ sinh được phẫu thuật tại đây. Trường hợp nhẹ cân nhất được phẫu thuật cứu sống là bé gái sinh non nặng 700g. Ba mẹ phải làm thụ tinh ống nghiệm 9 lần mới sinh được bé. Do sinh non, cơ thể phát triển chưa kiện toàn nên bệnh nhi bị viêm ruột hoại tử sơ sinh. Phẫu thuật cho bé sơ sinh nặng dưới 1kg vô cùng khó, thời gian tiến hành phải dưới 25 phút. Tuy nhiên, với sự phối hợp ăn ý của ê kíp, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, ca phẫu thuật đã đạt được kết quả ngoài mong đợi.

2 ngày trước kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2024, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã làm phẫu thuật cho 1 bé sinh non có đường ruột không thông. Ruột non của bé bị hư 2/3 nên cứ ăn vào là ói ra. Bé nằm tại bệnh viện từ khi sinh ra cho tới lúc 6 tháng tuổi và chỉ nặng 3kg. Bác sĩ Đào Trung Hiếu cùng ê kíp đã quyết định phẫu thuật tạo hình để ruột của bệnh nhi dài ra gấp đôi bằng kỹ thuật chẻ và nối ruột tự thân. Như vậy, tuy khẩu kính của ruột có hẹp lại nhưng về chiều dài sẽ tăng lên, bé sẽ tiêu hóa được thức ăn. Sau tết, bác sĩ Đào Trung Hiếu xuống thăm thì thấy bé đã tự ăn uống và đi tiêu được. Dự kiến, bé cần trải qua 1 cuộc mổ nữa nhằm đóng lỗ mở hậu môn ra da để đi tiêu qua đường hậu môn. 

Theo bác sĩ Phương Anh, bác sĩ Đào Trung Hiếu đã tiên phong cải tiến nhiều kỹ thuật ngoại khoa. Đơn cử, trước đây, khi xử trí một ca phình đại tràng bẩm sinh sẽ phải mổ cả bụng lẫn hậu môn thì nay chỉ cần mổ qua ngã hậu môn. Không chỉ thế, vừa qua cả nước biết đến ca phẫu thuật can thiệp tim bẩm sinh bào thai đầu tiên thành công do Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ phối hợp. Để đi tới được vạch đích đó không thể quên kỹ thuật mổ bướu to vùng cổ, kiểm soát hỗ trợ đường thở ở trẻ sơ sinh khi chưa rời khỏi bụng mẹ của bác sĩ Đào Trung Hiếu. 

Có thể nói, độ tuổi của ca phẫu thuật trẻ em ngày càng rút ngắn hơn từ sơ sinh - sơ sinh ngay khi chào đời còn chưa rời mẹ và cuối cùng là can thiệp bào thai. Trong 20 công trình vào vòng bình chọn giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam năm nay, Bệnh viện Nhi Đồng 1 được đề cử 4 kỹ thuật: thông tim xuyên tử cung cứu sống bào thai dị tật tim nặng không lỗ van động mạch phổi, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh - hành trình tìm lại sự sống, can thiệp điện sinh lý tim - bước đột phá trong phòng ngừa đột tử do rối loạn nhịp tim ở trẻ em, can thiệp ngoài tử cung lúc sinh cứu sống trẻ sơ sinh khi chưa rời khỏi bụng mẹ. Trong đó không thể không kể đến những đóng góp của bác sĩ Đào Trung Hiếu. 

“Chúng tôi học được ở thầy rất nhiều điều. Nhờ có thầy mà lĩnh vực ngoại khoa sơ sinh của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã mang một diện mạo hoàn toàn mới. Có những tình huống không có thầy thì bản thân tôi cũng không dám quả quyết như vậy” - bác sĩ Huỳnh Thị Phương Anh.

Mổ cho trẻ em còn phải tính đến chất lượng sống sau này
Bác sĩ Đào Trung Hiếu luôn tâm niệm và khuyên các thế hệ bác sĩ phẫu thuật sơ sinh và nhi khoa đừng coi trẻ em là bệnh nhân mà hãy coi đó là một sinh mạng. Có như vậy, vị bác sĩ mới toàn tâm, toàn lực tư duy, tìm đủ cách để bệnh nhi được sống. Phẫu thuật có nhiều cách để làm chứ không phải chỉ có 1 lựa chọn duy nhất. Mổ cho trẻ em không chỉ là phẫu thuật cứu mạng mà người bác sĩ còn phải tính được chất lượng sống của bé 1 tháng, 1 năm, 10 năm, 20 năm sau như thế nào vì cuộc đời của bé còn rất dài, cả tương lai chờ đợi ở phía trước.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI