Ba Lan xử gián điệp Trung Quốc, Romania cấm mạng 5G của Huawei

01/06/2021 - 18:28

PNO - Phiên tòa xét xử vụ án gián điệp liên quan đến cựu nhân viên mật vụ Ba Lan và cựu nhân viên của Huawei bắt đầu hôm 1/6 tại một tòa án ở Warsaw, khi một số quốc gia châu Âu khác đang xem xét liệu có nên loại trừ thiết bị của tập Huawei khỏi mạng viễn thông 5G quốc gia hay không.

 

Một số quốc gia châu Âu đang xem xét liệu có nên loại trừ thiết bị của tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc khỏi mạng viễn thông 5G quốc gia hay không - Ảnh minh họa: Reuters
Một số quốc gia châu Âu đang xem xét liệu có nên loại trừ thiết bị của Huawei khỏi mạng viễn thông 5G quốc gia hay không - Ảnh minh họa: Reuters

Ba Lan bắt giữ hai nghi phạm này hồi tháng 1/2019 vì nghi ngờ họ làm gián điệp cho Bắc Kinh.

Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận thiết bị của Huawei có thể được sử dụng cho hoạt động gián điệp. Tuy nhiên Hoa Kỳ đã gây áp lực để các quốc gia cấm sử dụng Huawei. Ở châu Âu, cho đến nay mới chỉ có Anh và Thụy Điển loại bỏ Huawei khỏi mạng viễn thông 5G quốc gia.

Các công tố viên Ba Lan cáo buộc rằng Wang Weijing, 39 tuổi, với vỏ bọc là giám đốc điều hành của Huawei, đã hơn 7 năm làm gián điệp cho Trung Quốc nhằm tăng cường khả năng ảnh hưởng đến chính phủ Ba Lan của Huawei và "trao quyền cho công ty quản lý cơ sở hạ tầng công nghệ của Ba Lan”, theo hồ sơ phiên tòa.

Theo các công tố viên, Wang - bị giam giữ kể từ khi bị bắt - cũng bị buộc tội tuyển dụng một cựu nhân viên mật vụ Ba Lan, là người đã thông báo cho anh ta về những cách thức ảnh hưởng đến mạng lưới vô tuyến dịch vụ cứu hộ và an toàn công cộng của nước này.

Bị cáo người Ba Lan, Piotr D. đã nhiều năm làm việc bên cạnh các cấp lãnh đạo cao nhất của chính phủ, bị buộc tội "trở thành nguồn cung cấp thông tin” liên quan đến hành chính công.

Các công tố viên cho rằng Piotr D. đã thông báo cho Wang về hệ thống giám sát để bảo vệ chống lại những kẻ xâm nhập truy cập thông tin mật qua mạng liên lạc cáp quang do Trường đại học quân sự Warsaw thiết lập.

Logo Huawei tại Đại hội Thế giới Di động (MWC) ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 23/2/2021 - Ảnh: Reuters
Logo Huawei tại Đại hội Thế giới di động (MWC) ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 23/2/2021 - Ảnh: Reuters

Cả hai nghi phạm đều phủ nhận mọi hành vi sai trái của mình. Luật sư của Wang, Bartlomiej Jankowski, cho biết các công tố viên không có bằng chứng về bất kỳ hoạt động gián điệp nào của thân chủ ông ta.

Sau khi Wang bị bắt, Huawei đã sa thải anh ta nhưng vẫn hỗ trợ tài chính cho các chi phí pháp lý phát sinh. Trong một tuyên bố hồi tháng trước, Huawei nói rằng hoạt động của họ "luôn tuân theo các tiêu chuẩn cao nhất về tính minh bạch và tuân thủ luật pháp cũng như quy định của nước sở tại”.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã ca ngợi Ba Lan về việc đã bắt giữ hai nghi phạm. Cũng vào thời điểm đó, Warsaw tìm cách thuyết phục Hoa Kỳ tăng cường hiện diện quân sự ở Ba Lan, khi Moscow gia tăng mạnh vai trò ở khu vực Đông Âu.

Năm ngoái, chính phủ của Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã đề xuất dự luật có thể dẫn đến việc loại trừ Huawei khỏi việc xây dựng mạng 5G, nhưng đề xuất này vẫn chưa được Quốc hội thảo luận.

Các nhà khai thác di động châu Âu từ lâu đã miễn cưỡng đầu tư vào mạng 5G (được cho là có thể hỗ trợ các nhà máy thông minh và ô tô tự lái) vì nguyên nhân chính trị, vì họ cân nhắc có phải tuân theo yêu cầu của Mỹ trong việc loại trừ Huawei và các nhà cung cấp khác của Trung Quốc hay không.

Huawei cho biết việc loại bỏ 5G đồng nghĩa rằng nền kinh tế Ba Lan phải gánh chịu khoản lỗ gần 44 tỷ zloty (12 tỷ USD) cũng như dẫn đến việc triển khai 5G bị trì hoãn trong vài năm.

Đối với quyết định của Thụy Điển, Huawei đã đâm đơn kiện lệnh cấm của nước này và hiện đang chờ phán quyết từ một tòa án địa phương.

Tháng 4 vừa qua, chính phủ Romania cũng đã thông qua một dự luật có hiệu lực ngăn cản Trung Quốc và Huawei tham gia vào việc phát triển mạng 5G quốc gia của nước này, nhưng dự luật vẫn cần sự chấp thuận của Thượng viện, như một sự phê chuẩn cuối cùng.

Thời gian qua, châu Âu nổi lên như một chiến trường “chiến tranh lạnh” về công nghệ giữa Trung Quốc và Washington. Các đối thủ cạnh tranh của Huawei ở châu Âu - Ericsson và Nokia - có thể trở thành nhà cung cấp độc quyền nếu công ty Trung Quốc bị cấm cửa.

Tô Châu (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI