Ba khía cạnh quan trọng từ đại dịch: Vắc-xin, công việc và khai thác bền vững

14/09/2020 - 10:00

PNO - Để đảm bảo sự hồi phục sau đại dịch, có ba mục tiêu để các quốc gia hướng tới. Đó là vắc-xin, công việc và khai thác bền vững.

Trong hơn sáu tháng thế giới chật vật ứng phó đại dịch COVID-19, khoảng 85% nền kinh tế toàn cầu bị đóng băng. Để đảm bảo sự hồi phục, có ba mục tiêu để các quốc gia hướng tới. Đó là vắc-xin, công việc và khai thác bền vững.

Một giải pháp y tế lâu dài

Hiện tại, với hơn 80% quốc gia trên thế giới nới lỏng các hạn chế giãn cách xã hội, nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên, sự không chắc chắn về dịch bệnh kéo dài và nỗi lo tái phát đang đè nặng lên niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Do đó, thành công của vắc-xin phòng COVID-19 hoặc các liệu pháp điều trị là điều kiện tiên quyết giúp nâng tầm triển vọng toàn cầu.

Đại dịch COVID-19 kéo dài đi kèm những tác động về sức khỏe, việc làm và bất bình đẳng xã hội
Đại dịch COVID-19 kéo dài đi kèm những tác động về sức khỏe, việc làm và bất bình đẳng xã hội

Tính đến ngày 8/9, ít nhất 128 loại vắc-xin phòng COVID-19 đang được phát triển trên thế giới và 37 loại đã được thử nghiệm trên người. Bằng chứng lịch sử cho thấy nỗ lực toàn cầu ở quy mô này có 90% cơ hội phát triển một sản phẩm thành công. Nhưng khi bàn đến vắc-xin, có ba thách thức đang tồn tại: sản xuất kịp thời, cung cấp đầy đủ và phân phối công bằng.

Việc trì hoãn sản xuất cho đến khi một loại vắc-xin vượt qua tất cả các thử nghiệm y tế thành công có thể kéo dài khoảng 18 tháng. Giữa lúc các quốc gia giàu có trên thế giới đạt được thỏa thuận mua vắc-xin - vốn có khả năng làm giảm nguồn cung cho phần còn lại của thế giới, một số tổ chức toàn cầu đã phát triển COVAX - kế hoạch chia sẻ rủi ro để phân phối vắc-xin nhanh chóng và công bằng cho tất cả các quốc gia.

Tiếp cận cơ hội làm việc hiệu quả

Tình trạng mất việc làm ảnh hưởng nặng nề đến những người lao động trẻ hoặc có kỹ năng thấp. Trên toàn cầu, Tổ chức Lao động quốc tế ước tính, khoảng 400 triệu việc làm toàn thời gian biến mất trong quý II năm 2020.

Các công ty cần nhiều hỗ trợ từ chính phủ để bảo toàn việc làm. Trong một cuộc suy thoái, mục tiêu là cung cấp thanh khoản cho các công ty, đồng thời tái cấu trúc các công ty mất khả năng thanh toán để nguồn vốn và lao động có thể được sử dụng hiệu quả hơn. Nhưng trong cuộc khủng hoảng đặc biệt này, hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đều bị ảnh hưởng đột ngột và đồng thời trên diện rộng, khiến nguồn lực chính phủ phải dàn trải.

Mặt khác, một số ngành đòi hỏi sự tiếp xúc gần gũi giữa con người với nhau, chẳng hạn như du lịch, có thể rơi vào tình trạng đình trệ kéo dài. Điều này đòi hỏi biện pháp khắc phục, hỗ trợ lâu dài để lao động và vốn có thể tái phân bổ sang các lĩnh vực đang phát triển như bán lẻ trực tuyến và thương mại điện tử.

Các nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia như Cộng hòa Séc, Đức, Mỹ và Tây Ban Nha đã phản ứng nhanh chóng bằng cách sửa đổi luật phá sản, điều chỉnh các thủ tục và cơ chế giải quyết cho phù hợp với nhu cầu của cuộc khủng hoảng hiện nay. Riêng ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, nơi khu vực lao động phi chính thức lớn, các chính sách có thể hướng tới việc mở rộng việc làm trong khu vực chính thức thông qua trợ cấp thuê mướn có mục tiêu.

Phát triển bền vững 

Giá năng lượng thấp hiện nay tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách loại bỏ các khoản trợ cấp nhiên liệu, giải phóng các quỹ này để đẩy nhanh đầu tư “xanh” và thực hiện các chiến lược giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Điều này đòi hỏi ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng thông minh và các chiến lược thích ứng khác. Khi biến đổi khí hậu và các cú sốc thời tiết ảnh hưởng nặng nề đến năng suất nông nghiệp và an ninh lương thực ở một số vùng, các mạng lưới an toàn được thiết kế tốt đóng vai trò rất quan trọng.

Bên cạnh đó, vì tác động của cuộc khủng hoảng làm nới rộng tình trạng bất bình đẳng trên phạm vi rộng, mỗi quốc gia phải đảm bảo cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu, tiếp cận đáng tin cậy với thực phẩm giá cả phải chăng, mở rộng mạng lưới an toàn xã hội, cho phép phân phối nhanh chóng và công bằng vắc-xin. Ngoài ra, duy trì khả năng tiếp cận trường học cho tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học giúp tránh tác động lâu dài về chất lượng cuộc sống của cả một thế hệ. 

Tấn Vĩ (theo Foreign Policy)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI