Ấm, lạnh cùng Euro 2016

09/06/2016 - 06:53

PNO - Hai giờ sáng ngày 11/6/2016 (tức ngày 10/6 tại Paris) sẽ diễn ra trận đấu mở màn cho vòng chung kết Euro 2016 giữa tuyển Pháp và Romania.

Bữa tiệc bóng đá nào cũng phải đối diện với nạn hooligan, nhưng tại Euro này còn xuất hiện thêm cảnh báo khủng bố và thực tế đã có những vụ bắt giữ liên quan đến khủng bố.

Euro 2016 dự kiến thu hút 2,5 triệu khán giả xem 24 đội bóng thi đấu tổng cộng 51 trận tại 10 sân vận động toàn nước Pháp - đây thực sự là mục tiêu “hấp dẫn” bọn khủng bố. Hôm qua (7/6), một quan chức chống khủng bố Pháp tuyên bố, bất kỳ cuộc tấn công nhỏ nào, hoặc chỉ là âm mưu tấn công, đều có nguy cơ kết thúc Euro 2016. Tuyên bố có vẻ “u ám” của người bảo vệ Euro 2016 cho thấy, nước Pháp đã sẵn sàng để bảo vệ an toàn tuyệt đối các trận đấu.

Am, lanh cung Euro 2016
Pháp tăng cường an ninh tại các ga tàu, sân bay để đón hàng triệu cổ động viên bóng đá và khách du lịch đến nước này dịp Euro 2016 - Ảnh: AFP

Cơ quan tình báo Ukraine (SBU) hôm 6/6 thông báo đã bắt giữ một người Pháp lên kế hoạch 15 cuộc tấn công khủng bố trước và trong thời gian diễn ra Euro 2016. Khi Tổng cục An ninh nội địa Pháp (ISB) rà soát tổng cộng 3.500 cá nhân được thuê bảo đảm an toàn cho du khách thì phát hiện 82 người hiện có tên trong danh sách theo dõi khủng bố. Pháp còn lo ngại về mối họa tiềm ẩn - chiến binh thánh chiến - tấn công “mục tiêu mềm” liên quan hàng triệu du khách, cổ động viên bóng đá, lực lượng truyền thông đổ về Pháp.

Pháp đã triển khai gần 100.000 cảnh sát, binh sĩ và vệ sĩ tư nhân đảm bảo an ninh cho 10 thành phố có thi đấu Euro 2016. Ngày 5/6, các quan chức Anh cũng đến Pháp trong một chiến dịch an ninh chưa từng có tiền lệ nhằm giải quyết các mối họa kép - chủ nghĩa khủng bố và nạn hooligan. Nhà chức trách đã triển khai 1.200 nhân viên an ninh cho trận Anh - Nga tại Marseille (ngày 11/6), nơi cổ động viên Anh từng gây bạo loạn dịp World Cup 1998. Marseille cũng là nơi có cộng đồng người Ả rập và Hồi giáo từng liên quan đến cuộc tấn công khủng bố tháng 11/2015 tại Paris.

Pháp lại còn có thêm nỗi lo dòng người đình công phản đối dự luật cải cách lao động đang gây tranh cãi của Thủ tướng Manuel Valls. Người lao động đã biểu tình quy mô lớn và thông báo đình công trên diện rộng vào ngày 14/6. Cụ thể, công nhân của Công ty Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) đình công vô thời hạn và chỉ chạy 4/10 tuyến đường dài trên cả nước. Đáng nói hơn, SNCF là đối tác chính thức, chịu hoàn toàn trách nhiệm về giao thông đường sắt trong thời gian diễn ra Euro 2016. Các thành viên trong Hiệp hội Phi công quốc gia Pháp (SNPL) cũng tiếp tục đình công từ ngày 11 đến 14/6.

Am, lanh cung Euro 2016
Các nữ cổ động viên người Pháp sẵn sàng chào đón người hâm mộ khắp hành tinh đổ về sự kiện thể thao lớn nhất châu Âu Ảnh: GETTY IMAGES

Trong không khí nóng bỏng này, ban tổ chức Euro 2016 vẫn dự báo tình trạng cháy vé và vé chợ đen lộng hành. Vì thế, từ tháng Tư, họ đã mở bán thêm đợt vé mới để phục vụ người hâm mộ. Vé xem Euro 2016 có bốn mức giá, từ 25 đến 895 EUR. Mỗi khán giả được mua tối đa bố n vé của một trận, hoặc có thể mua cả gói “Follow My Team” để xem tất cả trận đấu của đội tuyển quốc gia nước mình. Ban tổ chức dành riêng 20.000 vé để tặng trẻ em nghèo và người thu nhập thấp.

Michel Platini hẳn phải quan tâm đến chuyện mua vé Euro 2016, vì ông chỉ có thể lẳng lặng vào sân với tư cách khán giả, thay vì ngồi ở chiếc ghế Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) trong những ngày hội bóng đá diễn ra ngay trên quê hương ông. Với nước Pháp, Michel Platini (60 tuổi) được mệnh danh “Le Roi” (nhà vua), vì từng là cầu thủ duy nhất đoạt Quả bóng vàng châu Âu ba năm liên tiếp, từng được ca ngợi là nhà cải cách của Liên đoàn Bóng đá châu Âu UEFA và lãnh đạo UEFA từ năm 2007 đến khi xảy ra án phạt dành cho ông vào tháng 12/2015 liên quan đế n khoản tiền “bất chính” trị giá 1,3 triệu Euro mà Blatter trả cho Platini vào năm 2011.

Càng cận kề ngày khai mạc, khách sạn và nhà trọ cũng đồng loạt tăng giá ít nhất gấp ba lần. Các cổ động viên đến muộn có thể khó khăn trong việc tìm chỗ ở. Ở thành phố Marseille, hai màn hình cực lớn đã được dựng sẵn. Hàng dài những thùng bia lớn của các hãng cũng tập kết về đây từ đầu tuần trong không khí như mùa lễ hội. Người dân Marseille háo hức chờ đến giờ G để hòa cùng Euro 2016. Ở thủ đô Paris, anh Henri cho biết: “An ninh vẫn đặt trong tình trạng khẩn cấp nhưng chúng tôi không từ bỏ thói quen xuống đường, tụ tập cùng nhau bên những màn hình lớn dõi theo các trận đấu yêu thích, đặc biệt khi có tuyển Pháp”. Nữ cổ động viên Alison phấn khích: “Chúng tôi yên tâm đến sân bóng vì tin tưởng lực lượng an ninh. Không khí những ngày này rất tuyệt, mọi người bắt đầu hóa trang, xuống đường, bỏ lỡ thì rất tiếc”.

Euro 2016 đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của khu vực, khơi gợi sự quan tâm của mọi người dân châu Âu. Đó cũng là lý do cuộc thi Hoa hậu EURO khai sinh từ năm 2006 và diễn ra trước giờ khai mạc mỗi vòng chung kết bóng đá ở châu lục này. Hoa hậu Iceland năm 2015 Arna Yr Jonsdotti vừa đoạt ngôi vị cao nhất trong cuộc tranh tài năm nay. Arna từng là vận động viên nhảy sào nên rất coi trọng việc luyện tập thể thao và xem đây là biện pháp hữu hiệu để chăm sóc sức khỏe, duy trì vẻ đẹp toàn diện. Đoạt danh hiệu cao quý Hoa hậu EURO năm nay, với Arna, là cơ hội lớn giúp cô giới thiệu đất nước mình cũng như bày tỏ tình yêu dành cho bóng đá.

Đến với Euro 2016, các cổ động viên nữ còn có thêm “đai bảo vệ”, vì đầu năm nay, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua các điều luật mới để bảo vệ công dân trước hành vi bạo lực, đặc biệt đối với nữ giới là vấn đề bị xâm hại tình dục. Tội phạm thực hiện hành vi trái pháp luật ở bất cứ quốc gia nào thuộc EU cũng bị lập hồ sơ xuyên khu vực để bắt giữ.

Linh - Như - Đạo (Theo AFP, Express, Sky News, BBC, Independent, RT, IBT, Mirror, Dreamteam FC, euractiv)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI