“Ai mượn mẹ đẻ con ra chi?”

09/04/2016 - 09:01

PNO - Quả thật, mỗi khi trách mắng con, tôi thường kể chặng đường đơn thân nuôi con vất vả để cháu ý thức và cố gắng hơn. Nhưng, cháu tỏ vẻ khó chịu...

Tuần rồi, tôi bận việc không đưa con trai (lớp 7) đi học thêm như thường ngày, tôi cho tiền để cháu đi xe ôm. Vậy mà làm xong việc, về đến nhà, thấy cháu vẫn nằm ngủ. Tôi tức điên, lay cháu dậy, mắng một trận: “Con học hành kiểu gì vậy? Con học cho con hay cho ai? Học thêm đóng tiền rất nhiều, mẹ cũng nhịn ăn nhịn mặc vì con, vì tương lai của con. Ba bỏ đi, mẹ chỉ có một thân một mình, làm việc cực khổ kiếm từng đồng mà con không biết quý công sức của mẹ…”. Cháu im lặng nhưng vẻ mặt hầm hầm. Rồi cháu đóng sập cửa, bước ra, nói: “Nữa! Nói đi nói lại cũng chỉ nhiêu đó! Ai mượn mẹ đẻ con ra chi rồi hở chút là kể công?”.

Quả thật, mỗi khi trách mắng con, tôi thường kể chặng đường đơn thân nuôi con vất vả để cháu ý thức và cố gắng hơn. Nhưng, cháu cứ tỏ vẻ khó chịu và lần này phản ứng gay gắt. Biết mình quá đáng với mẹ, mấy hôm sau, cháu xuống nước, kiếm chuyện hỏi han. Tôi vẫn chưa nuốt trôi những lời bất hiếu, phủi ơn đó. Nhà chỉ có hai mẹ con, không giao tiếp càng lạnh lẽo, không khí càng căng thẳng nhưng tôi không thể dễ dàng bỏ qua thái độ của cháu. Tôi chẳng biết phải làm gì.

Ngọc Hạnh (Q.9, TP. HCM)

“Ai muon me de con ra chi?”
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Nguyễn Hoàng V. SV năm III, Trường ĐH Dân lập Văn Lang: Bức tường ngăn cách

Những lời kể công của cha mẹ như bức tường ngăn cách khiến tôi thương cha mẹ nhưng lại không thể gần. Tôi cảm thấy mình là gánh nặng, thậm chí một tội đồ gây ra những bất hạnh, vất vả trong cuộc đời cha mẹ. Từ đó, tôi càng mất động lực, thoái chí, buông xuôi. Nếu tôi có thành công gì thì cũng là tất nhiên vì cha mẹ đã đổ công quá nhiều. Rốt cuộc nỗ lực của tôi không được ghi nhận gì cả. Cha mẹ đã chủ động chọn lựa việc chăm lo, nâng đỡ con mình trên đường đời, đường học vấn, sao lại còn kể lể cho phiền lòng con?

Yến Oanh, nhân viên văn phòng, P. Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM: Con càng mất động lực, buông xuôi

Chân thành chia sẻ gánh nặng đơn thân nuôi con của chị vì tôi cũng là người đồng cảnh. Tôi cũng giống chị, lời kể lể, than trách dường như được gắn sẵn nơi cửa miệng nên thường là phần mào đầu cho những cuộc trò chuyện, tương tác, dạy dỗ, uốn nắn con. Cũng có chủ ý muốn kể lể thế để con bớt vô tâm, con thấu hiểu mong muốn, kỳ vọng của mẹ.

Nhưng thật ra, “lợi bất cập hại”, làm cho “nghề làm mẹ” của chúng ta nặng nhọc hơn, chông gai hơn có phải không? Con chị thì nói “Ai mượn mẹ sinh ra con chi?”, con tôi thì gắt: “Vậy chứ giờ mẹ muốn con nghỉ học, ra đời sớm phải không?”. Câu nói của con khiến tôi tỉnh. Thôi thì muốn con sửa chữa điều gì, người mẹ cứ đi thẳng vào chủ đề chính. Không nói vòng vo, lạc đề và hai bên mất cảm hứng giao tiếp.

Hãy “nghe con nói” trước khi “nói con nghe”

Nếu có cuộc khảo sát “tật” nào của cha mẹ mà con cái “ngán” nhất, chắc tật “ưa càm ràm” sẽ được xếp đầu bảng. Ai trong chúng ta, dù có cố gắng làm “con ngoan trò giỏi” đến đâu cũng từng ít nhất một lần trong đời bị nghe “giảng đạo đức” từ bậc song thân.

Gọi là “giảng đạo đức”, vì con cứ phải nghe đi nghe lại những điều cũ mèm, nhưng không có lấy một cơ hội để bày tỏ những điều mình nghĩ hay đính chính cái “tội” mà tự dưng mình bị gán cho. Khi phải nghe như vậy nhiều quá, tâm trạng chán nản của con sẽ chuyển dần sang ức chế, có khi sẽ nổi quạu lên mà quát lại cha mẹ. Hay nặng hơn, là bỏ nhà đi bụi.

u
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI