Ai đặt Hồ Văn Cường trước mũi giáo dư luận?

13/06/2021 - 07:08

PNO - 7 năm trước, khi hình ảnh cô bé đeo bảng "Tôi là người ăn trộm" diễn ra, nhiều người đã tự hỏi liệu những người tròng vào cổ em tấm bảng kia có đối xử như thế nếu đó là con mình? Với Cường, có lẽ sẽ rất nhiều người có cùng câu hỏi tương tự.

Năm 2014, dư luận một phen sửng sốt trước hình ảnh một đứa bé bị đeo bảng "Tôi là người ăn trộm" ở Gia Lai.

Đứa bé 11 tuổi, bị phát hiện cầm 2 món đồ ở siêu thị trị giá khoảng 20 ngàn đồng trên tay mà "không định trả tiền" (nhận định của siêu thị), và người ta trừng phạt đứa bé ấy bằng cách "bêu đầu thị chúng", cho đeo bảng "Tôi là người ăn trộm" rồi chụp ảnh, chia sẻ khắp nơi như một cách răn đe kẻ khác. 

Hồ Văn Cường đứng khoanh tay xin lỗi Phi Nhung, với sự chứng kiến của ba mẹ ruột em
Hồ Văn Cường đứng khoanh tay xin lỗi Phi Nhung, với sự chứng kiến của ba mẹ ruột 

Không ai nghĩ đứa trẻ ấy sẽ tổn thương ra sao, chấn động tâm lý thế nào với trò răn đe ấy. Quan trọng hơn, điều đó cho thấy sự tàn nhẫn cùng cực của người lớn trong câu chuyện. Những người lớn mà, nếu đứa trẻ đó là con của họ, sẽ không bao giờ họ có hành vi trừng phạt bất nhẫn thế.

Hồ Văn Cường, trong mâu thuẫn với ca sĩ Phi Nhung, cũng khiến người ta có sự chua xót đó. 2 lần Cường - Nhung gây ồn ào, là 2 lần Cường đứng ra xin lỗi.

Tệ hại hơn cả là lần xin lỗi gần đây nhất, Cường đứng khoanh tay xin lỗi cho "người ta" quay hình, bên cạnh là sự có mặt của ba mẹ ruột Cường. Và Cường có "nhiệm vụ" đăng clip ấy lên trang cá nhân. 

Là Cường, không phải là Phi Nhung đứng ra xử lý sự việc, đưa ra câu trả lời trắng - đen. Là cậu bé vừa chạm 18 tuổi, 5 năm qua không hề được biết catse mỗi lần biểu diễn của mình là bao nhiêu, trong đó phần Cường có thể nhận được là bao nhiêu. Thật khó để tin rằng cái clip khoanh tay xin lỗi kia, lôi cả ba mẹ ruột Cường vào cuộc kia, là chủ đích của cậu.

Dù ở phía sau đó Cường từng có suy nghĩ khác đến thế nào (ngay cả trong clip xin lỗi Cường cũng không phủ nhận những điều mình đã nói trong các đoạn chat, thể hiện một suy nghĩ của em rất khác về Phi Nhung), trước công chúng, Cường vẫn cứ là người nhận lỗi, và nói những lời có cánh với mẹ nuôi. 

Sự việc của Hồ Văn Cường khiến nhiều người nghĩ đến hình ảnh của cô bé ở Gia Lai ngày nào, với câu hỏi: Liệu đứa trẻ này có bị đối xử thế nếu đó là con của họ?
Sự việc của Hồ Văn Cường khiến nhiều người nghĩ đến hình ảnh của cô bé ở Gia Lai ngày nào, với câu hỏi: Liệu đứa trẻ này có bị đối xử như thế nếu đó là con của họ?

Nhưng, mẹ nuôi - là mẹ, chỉ không sinh ra - người ta tự hỏi rằng trong bao nhiêu lần ồn ào, có bao giờ đứng ra trước tiên, với vai trò người mẹ. Không nhất thiết mẹ phải là kẻ chịu sào như xã hội vốn mặc định, nhưng cũng không người mẹ nào đẩy con đứng trước mũi giáo dư luận.

Kể cả khi thị phi diễn ra giữa 2 người xa lạ, thì kẻ đóng vai người trưởng thành cũng nên hành xử như một người trưởng thành, nghĩa là đường hoàng bước ra, là chủ thể xử lý. Một người, với tâm thế người mẹ, càng sẽ vội vàng đứng ra trước tiên. 

Vậy mà, cả 2 lần, người ta đều thấy Phi Nhung đẩy đứa trẻ mà cô hằng ngày xưng mẹ ra phía trước, để nó hứng lằn roi của dư luận, rằng, thằng bé đã vô ơn với người giúp đỡ mình.

Lần đầu, khi Cường chưa đủ tuổi thành niên, cô "tố cáo" Cường bao điều hư hỏng trên mạng xã hội, mục đích là "để công chúng dạy con" (nguyên văn lời Phi Nhung).

Người mẹ nào cũng ôm con vào lòng, xoay lưng che chắn cho con khi bão táp dội xuống. Cha mẹ nào cũng thường âm thầm nén lại các bất hoà với con khi đứng trước người khác, vì không muốn con trở thành kẻ bị công kích, còn Phi Nhung thì khác.

Không phải ngẫu nhiều người đã đã có sự so sánh, Cường và Phương Mỹ Chi - một cô bé cùng tuổi, cùng dòng nhạc, cùng được nhiều người yêu thích và cùng được sự giúp đỡ từ cây đa cây đề của làng nhạc.

Phương Mỹ Chi khác, cái khác lớn nhất là cô bé và người thân của cô không phải là những nông dân lầm lụi quanh năm, không hề biết đến showbiz là gì như Cường và ba mẹ Cường.

Ở đất Sài Gòn, Cường và ba mẹ không quen biết ai ngoài Phi Nhung, không như Phương Mỹ Chi. Và có lẽ, hiện tại của Cường và Chi khác nhau quá nhiều, như nhiều người đã nhắc, xuất phát từ những điều không hề giống nhau đó. 

Hồ Văn Cường năm nay 18 tuổi, lứa tuổi không dễ dàng cho bất kỳ bậc làm cha mẹ nào. Công chúng vì thế cũng không vội vàng  phán đúng - sai về lý trong những tình tiết mang tên "mẹ nuôi", "con nuôi". Chỉ có một điều ai cũng nhìn thấy, Cường luôn là đứa trẻ phải đối đầu công luận, một mình. Tệ hơn, như thể đã có ai đó luôn đặt Cường ở vị trí hứng chịu đó. 

7 năm trước, khi hình ảnh cô bé đeo bảng "Tôi là ăn trộm" xảy ra, nhiều người đã tự hỏi, liệu những người đã tròng vào cổ em tấm bảng kia có đối xử như thế nếu đó là con mình? Với Cường, có lẽ sẽ rất nhiều người cũng có câu hỏi tương tự.

Phương Di

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(7)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI