1917: 'Sự sống nảy sinh từ trong cái chết'

08/02/2020 - 14:43

PNO - Giữa chiến trường, món quà ý nghĩa nhất và thứ đáng để bám trụ nhất chính là sự sống.

Không phải là The Irishman của cái tên lẫy lừng Martin Scorsese hay Joker với màn độc diễn của Joaquin Phoenix, 1917 - cuốn phim về chiến tranh thế giới thứ nhất hay đúng hơn là một lát cắt trong cuộc chiến ấy của đạo diễn Sam Mendes - lặng lẽ tạo nên bất ngờ khi giành giải Phim điện ảnh chính kịch xuất sắc tại Quả cầu vàng 2020 và vừa thắng lớn tại lễ trao giải của Viện hàn lâm Ðiện ảnh và Truyền hình Anh (BAFTA) lần thứ 73 với 7 giải thưởng, bao gồm các giải quan trọng như Phim truyện xuất sắc, Phim Anh xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc nhất.

Chưa dừng lại ở đó, bộ phim này còn liên tục giành được nhiều giải quan trọng của giới chuyên môn như Phim truyện xuất sắc tại sự kiện thường niên PGA của Hiệp hội sản xuất Mỹ, giải DGA của Hiệp hội Đạo diễn Mỹ - hai giải tiền Oscar chủ chốt. Chính vì điều này, 1917 được dự đoán sẽ làm nên kỳ tích tại Oscar 2020.

1917 gần như hội tụ tất cả những yếu tố làm nên một bộ phim hay: nội dung chặt chẽ, kỹ thuật quay điêu luyện, âm thanh hòa trộn ấn tượng, nhiều cảnh quay khó quên và diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên. Về kỹ thuật quay, bộ phim mang lại cho người xem cảm giác của một long-shot (cú quay dài, duy nhất) dù thực tế phim được dựng từ nhiều góc khác nhau, nhằm đảm bảo tính thống nhất về hình ảnh.

Kỹ thuật này cuốn người xem vào hành trình xuyên suốt của hai người lính Tom Blake (Dean-Charles Chapman) và Will Schofield (George MacKay) - vượt qua chiến tuyến và vành đai trắng, mang mật thư hủy cuộc tổng tấn công vào quân Đức đến Trung đoàn Devonshire cho đại tá Mackenzie trước bình minh. Nếu đến kịp, lực lượng đồng minh Anh - Pháp sẽ tránh được cái bẫy của quân Đức, 1.600 người lính sẽ không phải bỏ mạng oan uổng.

Từng tham gia và giành được huân chương tại chiến trường ở Somme - “cối xay thịt” khủng khiếp của thế chiến thứ nhất, Schofield hiểu rõ hiểm nguy, cái chết đang rình rập và ngần ngừ khi nhận nhiệm vụ. Nhưng trách nhiệm của một người bạn, một đồng đội khiến Schofield không thể bỏ mặc Tom - chàng trai quyết tâm vượt chiến tuyến với lý do đơn giản, trong 1.600 người lính sắp ra trận, có trung úy Joseph Blake (Richard Madden) - anh trai cậu. Nhưng sự diệt vong trong 1917 không chỉ đến trực tiếp từ bom đạn mà còn đến từ bệnh tật, đói rét và áp lực tâm lý chẳng biết khi nào cuộc chiến kết thúc.

Hành trình của Blake và Schofield khắc họa những quang cảnh đối lập nhau: chiến tuyến đầy xác người, dây kẽm gai và bầy quạ lúc nào cũng quang quác, những cây cherry nở hoa trắng xóa bị quân Đức chặt trước khi rút quân mà Blake tài tình phân biệt được từng giống khác nhau. Cậu nhớ về khu vườn thuở ấu thơ của mẹ, nơi cậu và anh trai nô đùa, phụ giúp mẹ thu hoạch cherry. Nếu chiến tranh không xảy ra, Blake có thể đã trở thành một nông dân thực thụ. Bất cứ lúc nào, khi cái chết hiện lên đầy ám ảnh, thì sự sống, ngay sau đấy sẽ hiện hữu, như những bông cherry nở đầy bên bờ suối.

Như niềm tin kiên định của Schofield mỗi khi ai đó hoài nghi cậu liệu có đi đến Devonshire kịp lúc bình minh, ngay cả khi đã sức cùng lực kiệt thì Schofield vẫn không cho phép mình được ngơi nghỉ. Ấy vậy mà trước đó, cũng chính Schofield đã đem chiếc huân chương dũng cảm từ chiến trường Somme để đổi lấy một chai vang từ người lính Pháp chỉ vì… khát. Và cũng chính Schofield đã vét hết số lương thực đang có để lại cho bà mẹ trẻ.

Hóa ra, giữa chiến trường, món quà ý nghĩa nhất và thứ đáng để bám trụ nhất chính là sự sống. Kể cả khi chỉ sinh tồn bằng một tia hy vọng mong manh. Vì biết đâu, sự sống này sẽ cứu rỗi nhiều sự sống khác.

Minh Nguyễn

 (*) Tiêu đề là câu trích từ tác phẩm Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải.

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI