100 năm cải lương - Chuyện những người thừa kế - Bài 4: Hồng Nga - gió bụi mềm theo khúc tương sầu

17/09/2018 - 06:44

PNO - Gió bụi mềm theo khúc tương sầu hay chính điệu buồn vọng cổ đã làm đường xa ngắn lại, bụi cũng thôi thốc vì gió cuốn, để người nghệ sĩ rong ruổi, ngân nga mà trao gửi chút tình còn lại cho nhân gian.

Nghe và chìm đắm trong những bài vọng cổ của nghệ sĩ Hồng Nga, không hiểu những đoạn trường mà bà đi qua đã chắt chiu nên nỗi buồn, khổ ải, đa đoan trong mỗi âm sắc hay bấy nhiêu cung điệu, chừng đó nhân vật đã vận vào cuộc đời bà.

100 nam cai luong - Chuyen nhung nguoi thua ke - Bai 4: Hong Nga - gio bui mem theo khuc tuong sau

Thôi thì, những buồn vui, khóc cười, vinh nhục, được mất cứ như chiếc-mặt-nạ-đời, chả cần phải diễn, cũng không ai muốn được thăng hoa, nhưng là thứ chất liệu khốc liệt nhất, để nửa thế kỷ cầm ca, Hồng Nga đã sống và hát trên chính đường đi của số phận mình.

Trong Tuyệt tình ca, soạn giả Hoa Phượng - Ngọc Điệp có viết về loài chim dương nga, để so sánh với nhân vật cô giáo Lan: “Sanh con ra đời lúc trời mới vào đông. Chim trống đã cất cánh bay xa vào sương gió mịt mùng, chim mái ở vậy nuôi con cho tròn phận mẹ. Mảnh đất trải giá băng, thức ăn không có, chim mẹ phải mổ thịt mình mà nuôi dưỡng các con…”.

 

Chim dương nga ứng vào cuộc đời của Kim Nga, nghệ danh Hồng Nga, đúng như lời của soạn giả tài hoa Hoa Phượng đã nói: “Tôi cho cô vai diễn này, nó sẽ theo cô suốt đời”. Nhưng người mẹ nào lại chẳng muốn tròn phận mẹ, càng trong mịt mùng gió sương, bản năng làm mẹ càng dữ dội, nên tôi đoan chắc điều mà Hoa Phượng trao cho Hồng Nga chính là khai phóng sở trường đào mụ ở một diễn viên chỉ mới 18 tuổi; để gần 20 năm sau, ông lại tiếp tục cùng đạo diễn Lưu Chi Lăng đặt để Hồng Nga vào vai cố mẫu trong Thái hậu Dương Vân Nga. Đó là một chỉ dấu tài năng của người nghệ sĩ này.

100 nam cai luong - Chuyen nhung nguoi thua ke - Bai 4: Hong Nga - gio bui mem theo khuc tuong sau
Nghệ sĩ Hồng Nga trên sân khấu Kim Chung

Cùng đảm nhận vai cô giáo Lan, cùng là chất giọng đào mùi, nhưng ở sầu nữ Út Bạch Lan - đúng như biệt danh của bà, nỗi buồn lọt lòng từ trong bụng mẹ - vừa thê thiết, não nùng, vừa thanh tao, trong vắt. Còn ở Hồng Nga, nỗi buồn đắp đổi qua năm tháng, da diết, đoạn trường, chát đắng. Như thể là một chọn lựa khắc nghiệt, bẽ bàng: “Trưa nào ngồi vá áo cho thằng Hồ với con An, tôi cũng nghe văng vẳng tiếng người hàng xóm hát ru con… Ầu ơ, gió đưa bụi chuối sau hè/ Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ. Nghe tủi phận mình, làm lệ phải trào tuôn. Làm thân vợ bé, chồng đã bỏ về với vợ lớn, phải sống vất vả nuôi con mà bia đời còn nguyền rủa. Người ta sao không tha thứ một kiếp hồng nhan khổ lụy vì tình?”.

Dứt câu 5 ở chữ xê, dày và chắc, giữ độ ngân rung trong âm giọng, biến nó thành sức biểu đạt chiều sâu tâm lý nhân vật. Đó là Hồng Nga. Chất giọng thiên phú không phải để bà khoe mà lái làn hơi, độ ngân hay những cú bỏ nhỏ điệu nghệ đều thuộc về tâm trạng nhân vật, tình huống kịch hay tương tác bạn diễn.

 

Trong Thái hậu Dương Vân Nga, lớp cố mẫu giáo huấn con dâu ở Sơn Lăng, sau cú xuống hò, bà vô vọng cổ câu 1 bằng 8 chữ liên tục không dấu: “Chung quanh ta xưa kia hoa lau san sát non ngàn…”. Rải chữ rõ nét tròn vành, giữ độ ngân rung theo nhịp phách, dấu không (thanh ngang) mà lại chứa đầy nhạc tính. Cảm giác Hồng Nga không cần phải ca theo đàn mà trong làn hơi bà đã sẵn nhạc; trong ca từ đã chứa hẳn điệu thức. Cải lương rất lạ: ca hay là thiên bẩm, nhưng chắc nhịp cũng là trời cho, không hiếm nghệ sĩ tài danh lại… yếu nhịp, thầy đờn chỉ cần đảo dây là rớt lộp độp.

Trong vở diễn này, có lẽ đây là lớp vừa vặn nhất của nghệ sĩ Hồng Nga. Bà tiết chế chất nam tính trong điệu bộ, mềm mại và sâu lắng trong diễn đạt tâm trạng. Dẫu có là “người mẹ góa đầu đội mưa nguồn, chân leo dốc vắng” nhưng Đàm phu nhân lại là người nhìn thấy tiền đồ của con trai mình từ thuở “thằng bé bẻ lau làm cờ tập trận”, để đến ngày “nó mang về cho hang động nghèo xưa cả một cơ đồ gấm dệt hoa thêu”. Nên, bên cạnh chất mộc mạc nông điền thì vẫn ẩn nhẫn cái thần thái của một bậc mẫu nghi nuôi chí lớn nghiệp cả. Điều này góp phần lý giải cuộc chuyển giao quyền lực từ Đinh sang Lê là thuận thiên - không chỉ là ý chí của thái hậu Dương Vân Nga mà là của cố mẫu cùng quân thần nhà Đinh.

100 nam cai luong - Chuyen nhung nguoi thua ke - Bai 4: Hong Nga - gio bui mem theo khuc tuong sau
Nghệ sĩ Hồng Nga trong vở Tình cha

Khả năng biến hóa của Hồng Nga thật đa dạng. Bà diễn vai ác khá… dữ. Tính cách nhân vật lồ lộ, nghệ sĩ cứ thế mà phô diễn. Bà diễn hài hay diễn kịch nói đều ổn, bởi cả hai loại hình này, bà khai triển trên nền kịch hát. Bà thoại kịch (nói) bằng ngữ điệu của ca kịch, lại đủ thông minh để tiết chế âm giọng, trình thức; nên dù có 10 năm rẽ bước sang kịch nói, Hồng Nga vẫn giữ giọng cho cải lương. Bởi, không một ai có thể thay thế tiếng hát của Hân Ly (Cô gái Đồ Long) - ở cái tuổi 17, đã làm nức lòng khán giả mộ điệu nhờ kiểu nói lối gối bài ca thần sầu mà có lẽ bà học được từ danh ca Thanh Hương và vua vọng cổ Út Trà Ôn: “Vô Kỵ đại ca ơi, Hân Ly đã tìm dấu chân anh khắp núi rừng Tây Vực. Nơi cát vàng làm bão sông đọng thành băng. Em đã gọi tên anh hết vùng đất Giang Nam. Chốn sông rộng biển khơi hoa vàng cùng lá thắm…”.

Hân Ly cũng là vai diễn ứng cho một đoạn trường đa đoan của Hồng Nga. Cú dứt câu 6 hay là cuộc chơi âm sắc từ bản vọng cổ [Chưởng lực như Thái Sơn đè lên trí nhớ, kỷ niệm bay vèo như cánh nhạn vào sương] đã đưa đẩy cuộc đời người ca kỹ chìm nổi những đắng cay.

Sau này, bà vẫn hay tếu táo, đời bà bị xoay vòng giữa các con số: là 5 núm ruột của mình thì hết 2 đứa đã thất lạc, là số 1 của phần đời sống thui thủi trong ngôi nhà không có đàn ông. Nhưng bù đắp, hay có khi là sự đánh đổi của con tạo lá lay, Hồng Nga đã sở hữu một hằng số bất biến, ấy là chữ tình của khán giả. Họ thủy chung và trọn vẹn với bà, như bà luôn trọn vẹn với cải lương.

Lê Huyền Ái Mỹ

Bài 5: Bạch Tuyết - Người đi ngược gió

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI