‘Misaki, đừng bỏ cuộc! Chúng tôi sẽ giúp chị’

24/10/2019 - 08:00

PNO - Tuyệt vọng, buông xuôi, đầu hàng số phận vì nhiều lần điều trị hiếm-muộn thất bại, Misaki gần như quyết định dừng lại. Thế rồi cái siết tay chia sẻ và câu nói chân tình của bác sĩ đã giúp Misaki có động lực bước tiếp và kết-quả-vượt-ngoài-mong-đợi.

Suy sụp vì “tìm” hoài không thấy con

5 năm dài đằng đẵng từ khi kết hôn, ngôi nhà của vợ chồng chị Misaki (30 tuổi, người Nhật Bản) vẫn quạnh quẽ vì thiếu tiếng khóc, tiếng nô đùa trẻ thơ. Anh chị cũng đối diện với áp lực nặng nề khi họ hàng hai bên đều mong cháu để bồng bế.

“Đỉnh điểm là lúc nhìn những người thân của mình lần lượt sinh con, tôi rơi vào khủng hoảng. Năm 2017, tôi và chồng quyết định đi khám. Bác sĩ nói tôi bị bệnh lạc nội mạc tử cung. Được điều trị bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (IUI) 4 lần nhưng đều thất bại, tôi hoàn toàn suy sụp”, chị Misaki nói.

Đã định buông xuôi, phó mặc số phận thì một người bạn cũng bị hiếm muộn nhưng không tìm ra được nguyên nhân đã an ủi Misaki, khiến chị thấy mình may mắn hơn nhiều bởi vẫn còn cơ hội. Tìm được động lực, Misaki bước tiếp, tìm cách chữa trị.

7 năm sống ở Việt Nam, vợ chồng chị Misaki đều ưu tiên chọn bệnh viện tại đây để điều trị. Qua giới thiệu của một người bạn, Misaki tìm đến Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc nhờ giúp đỡ.

Chị chia sẻ: “Ban đầu tôi hơi e ngại bởi vốn tiếng Anh ít ỏi của mình. Nhưng may mắn, các bác sĩ của Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Khi tôi không hiểu những thuật ngữ y khoa, bác sĩ đã cố gắng vẽ, ra hiệu, thậm chí thuê người phiên dịch cho tôi. Ngay cả những nhân viên y tế khác cũng rất vui vẻ để tôi thoải mái, không bị áp lực”.

Sau khi thăm khám cho chị Misaki, bác sĩ Phạm Thị Thanh Thủy - chuyên khoa Hiếm muộn và Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc - phát hiện, ngoài bệnh lạc nội mạc tử cung, chị Misaki còn mắc phải bệnh giảm dự trữ buồng trứng nặng. Bên cạnh đó, chồng chị Misaki cũng bị hiếm muộn do tỷ lệ tinh trùng bình thường rất thấp, chỉ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) mới có khả năng có con.

Bác sĩ Thủy nhớ lại: “Khi đến thăm khám, tỷ lệ dự trữ buồng trứng của chị Misaki đã ở mức dưới 1, có nghĩa nguy cơ hết trứng rất cao. Lúc đó, chị Misaki hoang mang vô cùng, luôn hỏi bác sĩ “liệu tôi còn cơ hội làm mẹ không?”. Thậm chí chị ấy đã nghĩ đến việc phải quay về Nhật Bản xin trứng, nhưng điều đó không hề dễ dàng”.

Dù biết hành trình tìm con gặp vô vàn khó khăn, chị Misaki vẫn chấp nhận thử lần cuối. Để làm IVF cho chị, bác sĩ lên phác đồ kích thích buồng trứng nhưng đáp ứng thuốc quá thấp, sau nhiều lần chọc hút trứng, bác sĩ chỉ lấy được 2 phôi.

 “Biết tỷ lệ dự trữ trứng của mình thấp hơn mức mình thường, rất khó để lấy được trứng nhưng tôi không ngờ kết quả tệ như vậy. Tôi rất thất vọng về bản thân mình. Sau lần lấy trứng thứ 3 thất bại, tôi gần như từ bỏ vì rất sợ cảm giác đau khổ ấy”, chị Misaki xúc động kể lại.

“Misaki, đừng bỏ cuộc! Chúng tôi vẫn có cách giúp chị”

Nhìn ánh mắt tuyệt vọng của người phụ nữ mong mỏi được làm mẹ, bác sĩ Thủy bước tới, nắm chặt tay Misaki, giọng nghẹn lại vì đồng cảm: “Misaki, đừng bỏ cuộc! Chúng tôi vẫn có cách giúp chị. Chị cứ nghỉ ngơi thật tốt. Chúng tôi sẽ đến gặp chị vào tháng tới”.

Nhớ lại giây phút được tiếp thêm niềm tin và hy vọng ấy, chị Misaki cười mà mắt rưng rưng: “Nhìn đôi mắt đỏ hoe gần như muốn khóc của bác sĩ Thủy, tôi được khích lệ rất nhiều. Tôi tự nhủ, ngay cả bác sĩ cũng luôn cố hết sức để giúp mình, tại sao mình lại bỏ cuộc? Phải tin tưởng bác Thủy và chiến đấu tiếp”.

Được bác sĩ Thủy “lên tinh thần”, chị Misaki không còn sợ hãi, chấp nhận điều trị lạc nội mạc tử cung để bước vào lần chuyển phôi cuối cùng.

Thế rồi, hành trình tìm con với bao cung bậc vui buồn cùng niềm mong mỏi bấy lâu của vợ chồng Misaki đã được đền đáp: Chị không chỉ đậu thai mà còn là song thai.

Nghe bác sĩ báo tin, Misaki lắc đầu không tin, vui mừng, sợ hãi, hạnh phúc, nghi ngờ đan xen lẫn lộn. Chỉ đến khi bác sĩ khẳng định đã có tim thai, chị mới hồ hởi thông báo cho gia đình khiến ai cũng hạnh phúc.

‘Misaki, dung bo cuoc! Chung toi se giup chi’
Misaki hạnh phúc với 2 thiên thần sắp ra đời. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bác sĩ Thủy xúc động chia sẻ: “Lúc đó tôi cũng không biết có thể giúp được cho Misaki không, nhưng thấy bệnh nhân của mình mất hết tinh thần, muốn buông xuôi, tôi không chịu được. Tôi tin rằng, dù bất đồng về ngôn ngữ hay địa lý, chị ấy cũng như tôi, muốn được làm mẹ, thế nên chúng tôi đồng cảm với nhau không chỉ bằng lời nói. Tôi muốn Misaki biết rằng, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp chị ấy, chỉ cần Misaki đừng từ bỏ”.

Để được gần gia đình, Misaki quyết định về Nhật Bản chờ ngày sinh nở. Trong suốt giai đoạn mang thai, chị vẫn tin tưởng, chia sẻ với bác sĩ Thủy những niềm vui, cảm xúc của mình khi cảm nhận rõ rệt sự lớn lên từng ngày của hai thiên thần.

“Càng gần đến ngày sinh, tôi càng nhớ Việt Nam, nhớ bác sĩ Thủy và nhân viên của Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc. Tôi muốn được khoe ngay với họ những đứa con của mình. Sau khi sinh xong, tôi sẽ trở lại Việt Nam sinh sống. Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc cũng sẽ là nơi chăm sóc sức khỏe cho những đứa con của tôi”, chị Misaki bày tỏ trong niềm hạnh phúc của người sắp làm mẹ.

Chị Misaki khuyên những người phụ nữ đang trên đường tìm con của mình, đừng bỏ cuộc mà hãy tìm một bệnh viện, bác sĩ đáng tin cậy. Quan trọng nhất, người bạn đời đừng bao giờ nghĩ mình đang giúp đỡ đối phương, mà hãy bên cạnh người vợ, người chồng của mình để giải quyết vấn đề, vì đó là gia đình của bạn.

‘Misaki, dung bo cuoc! Chung toi se giup chi’
 

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Ngọc Ẩn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI