Yêu thương con rơi của chồng

31/12/2023 - 20:53

PNO - Chuyện vợ chấp nhận nuôi "con rơi" của chồng không hiếm. Nhưng có thể bao dung với người chồng say nắng, và yêu thương cả "hậu quả" của cơn say nắng thì có lẽ không nhiều.

Hồi đó, gia đình nội tôi còn sống ở quê. Cuộc sống tuy khó khăn vất vả nhưng lúc nào cũng trong ấm ngoài êm, trên thuận dưới hòa. Bà nội tôi được lòng hết thảy mọi người. Ai cũng nói ông nội tôi có phước lắm mới lấy được bà.

Vậy mà rồi ông rơi vào vòng tay một người đàn bà khác.

Chẳng biết bà nội tôi khi nghe cái tin ông nội tôi có người thứ ba, và người ấy đang mang trong bụng giọt máu của ông; bà có sốc dữ dội không. Nhưng bác tôi kể, bà vẫn thăm nom người phụ nữ kia. Và khi người thứ ba ấy trở dạ, nội tôi đã thức đêm giã gạo để sáng sớm hôm sau đội gạo lên trạm xá xã giữa trời mưa giông, chăm sóc người phụ nữ ấy.

Nội tôi luôn yêu thương và cố gắng bù đắp cho chú (Ảnh minh họa)
Nội tôi luôn yêu thương và cố gắng bù đắp cho chú (ảnh minh họa)

Khi chú tôi được 9 tháng, mẹ chú bồng sang nhà “trả” cho ông nội tôi để bà đi xứ khác làm ăn. Em gái ông tôi nhất định không chịu nhận cháu, vì "chắc gì nó đã là người nhà mình". Nhưng bà nội tôi cương quyết: "Nó có tội tình gì đâu. Mình không có công đẻ thì có công nuôi. Cứ để tôi nuôi nó". Vậy là nội tôi đã dang tay ôm lấy chú như chính khúc ruột của mình.

Từ nhỏ, chú đau ốm liên miên nên bà nội tôi nuôi chú rất cực. Bác tôi kể, mạng sống của chú là do bà tôi giữ gìn, bằng không, chú đã mất ngay từ khi còn nhỏ. Chú còi cọc, yếu ớt, lại là "con rơi" nên thường bị các anh chị và họ hàng ghét bỏ, hắt hủi. Chính vì thế, bà nội tôi lại càng thương chú và cố gắng bù đắp cho chú hơn. Đến nỗi, các bác và ba tôi phải ganh tị ra mặt. Bà khổ cả thân lẫn tâm vì chú không ít, nhưng không một lời kể công hay than vãn.

Cho đến khi chú được 11 tuổi, mẹ chú về xin phép đón chú đi chơi ít hôm, rồi bà ấy đưa chú đi biệt tăm biệt tích. Bà nội tôi đã rơi bao nhiêu nước mắt, trách mình vì cả tin, để mất đứa con mà bà coi như máu mủ của mình.

Hơn 10 năm sau, chú tìm vào nhà tôi. Khi đó, cả gia đình tôi đã rời quê vào Nam lập nghiệp. Ông bà nội tôi mừng mừng tủi tủi đón chú, vui như cây liền cành. Nhưng chú chỉ ở được hơn 1 năm rồi đi. Lúc đi, chú hẹn vài hôm sẽ về. Rồi chú đi mãi. Cái hẹn vài hôm biến thành 28 năm trời đằng đẵng.

28 năm, chú chỉ biên thư về đúng một lần, rồi mất hút. Ông bà nội tôi đều không đợi được cái hẹn của chú, đành phải lần lượt về miền khói sương. Bà đi trước, ông đi sau. Chẳng biết ông bà có thanh thản nhắm mắt hay không, khi đứa con mình mỏi mòn ngóng trông vẫn còn như bóng chim tăm cá.

Thế rồi, bỗng nhiên chú tìm về. Đứng trước bàn thờ ông bà, chú khóc. Tuổi trẻ nông nổi của chú đã trôi qua vô tư lự. Đến khi mái đầu điểm bạc, chú mới giật mình nhận ra mình đã quá vô tình. Giọt nước mắt của chú chẳng thể lấp đầy những gì đã mất. Nhưng nó có thể làm mềm trái tim những người anh em từng hắt hủi chú.

Ở thế giới bên kia, hẳn là ông bà nội tôi cũng mỉm cười mãn nguyện.

Ngọc Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI