Xỉn quanh năm vì hệ tiêu hóa tự lên men đường bột thành rượu bia

25/10/2019 - 14:00

PNO - Suốt nhiều năm, người đàn ông ngoài 40 tuổi tại Mỹ liên tục gặp rắc rối với pháp luật và bị gia đình, bạn bè cho là “đệ tử lưu linh” dù anh chẳng hề uống một giọt bia rượu.

Trong một nghiên cứu gần đây trên Tạp chí BMJ Open Gastroenterology, các bác sĩ kể lại triệu chứng kỳ lạ của hội chứng tự động sản xuất bia (ABS) - một tình trạng y tế hiếm gặp, trong đó bạn chỉ cần ăn carbohydrate là sẽ bị say. Tệ hơn nữa, sẽ không ai tin bạn khi bạn nói rằng mình chưa hề uống rượu.

Đó là trường hợp của một bệnh nhân 46 tuổi, một người đàn ông khỏe mạnh chỉ thỉnh thoảng uống rượu.

Xin quanh nam vi he tieu hoa tu len men duong bot thanh ruou bia
Với hội chứng tự sản xuất bia, bạn sẽ rơi vào tình trạng say xỉn nếu ăn bất kỳ thực phẩm nào chứa đường, tinh bột.

Những rắc rối của anh này bắt đầu vào năm 2011, sau khi hoàn thành đợt điều trị kháng sinh vì chấn thương ngón tay cái. Trong vòng một tuần sau khi ngưng thuốc, anh báo cáo những thay đổi về tính cách không bình thường, bao gồm trầm cảm, suy nghĩ chậm, hành vi hung hăng và mất trí nhớ.

Cuối cùng anh được chuyển đến một bác sĩ tâm thần và dùng thuốc chống trầm cảm, nhưng chỉ đến khi người đàn ông bị cảnh sát bắt vào một buổi sáng về hành vi lái xe trong tình trạng say rượu, bản chất thực sự của căn bệnh mới bắt đầu lộ diện.

Khi bị bắt, bệnh nhân từ chối làm xét nghiệm hơi thở và phải nhập viện; các xét nghiệm cho thấy anh có nồng độ cồn trong máu là 200 mg/dL, tương đương với việc uống khoảng 10 ly rượu và đủ để gây nhầm lẫn, mất phương hướng, mất cân bằng, và nói lắp.

Nhóm nhà nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Đại học Richmond lưu ý trong báo cáo về trường hợp kỳ lạ này: "Các nhân viên bệnh viện và cảnh sát không tin anh ấy, dù bệnh nhân liên tục nói rằng mình không uống rượu".

Sau khi xuất viện, bệnh nhân tìm cách điều trị tại một phòng khám ở bang Ohio. Trong các thử nghiệm y tế, hầu hết các chỉ số của anh ta trông bình thường, nhưng mẫu phân cho thấy sự hiện diện của Saccharomyces cerevisiae (còn được gọi là men bia) và một loại nấm có liên quan.

S. cerevisiae đóng góp rất nhiều trong lịch sử ngành sản xuất bia và làm rượu vang, vì nó giúp lên men carbohydrate và sản xuất rượu.

Lúc điều trị tại bệnh viện, nồng độ cồn trong máu của anh tăng vọt lên tới 400 mg/dL - gấp đôi nồng độ được ghi nhận khi anh bị cảnh sát bắt - nhưng "nhân viên y tế vẫn từ chối tin rằng bệnh nhân không uống rượu".

May mắn cho người đàn ông, các chuyên gia của Đại học Richmond đã “minh oan” và sử dụng kết hợp các liệu pháp chống nấm, men vi sinh để điều trị hệ vi sinh đường ruột cho anh.

Ngoại trừ một lần tái phát - do ăn bánh pizza và uống soda - sự phát triển nấm của bệnh nhân dường như đã được điều trị thành công.

Xin quanh nam vi he tieu hoa tu len men duong bot thanh ruou bia
Nấm men Saccharomyces cerevisiae là nguyên liệu quan trọng trong ngành sản xuất bia rượu.

Các nhà nghiên cứu giải thích: "Khoảng 1,5 năm sau điều trị, bệnh nhân không thể hiện triệu chứng khác biệt và tiếp tục lối sống trước đây, bao gồm một chế độ ăn bình thường và kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở thường xuyên".

Đó là một kết thúc có hậu cho bệnh nhân, giúp anh thoát khỏi chứng say rượu triền miên (và các vấn đề sức khỏe liên quan), cũng như xóa tan hoài nghi từ những người xung quanh.

Nhóm tác giả nhận xét: "Cảnh sát, bác sĩ, y tá và thậm chí gia đình đều nghĩ rằng rằng anh ta đã nói dối, và là một người nghiện rượu nặng".

Linh La (Theo Science Alert)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI