Xin lỗi anh, chúng ta chỉ có thể là bạn

31/08/2023 - 11:39

PNO - Mới giai đoạn yêu đương mà anh đã tính toán vậy, sau này chị dám mong gì hơn?

Giờ mới giai đoạn yêu đương mà anh đã tính toán vậy, sau này chị dám mong gì hơn? (Ảnh minh hoạ)
Giờ mới giai đoạn yêu đương mà anh đã tính toán vậy, sau này chị dám mong gì hơn? (Ảnh minh hoạ)

Anh là khách quen của cửa tiệm nơi chị làm việc. Cả anh và chị đều trải qua một lần đò nên khá thận trọng, e dè trước những mối quan hệ khác giới. Anh đã ngấp nghé 50, chị cũng không còn trẻ để cho phép mình dễ dãi, hời hợt.

Chị theo gia đình sang Mỹ định cư chưa lâu. Còn anh qua đây từ khi còn trẻ nên đôi lúc chị lúng túng vì sự khác biệt trong cách cư xử của 2 người. Mặc dù vậy, cảm nhận đầu tiên về anh là sự trầm tĩnh, dịu dàng của một người đàn ông từng trải khiến chị có cảm giác nhẹ nhàng khi ở bên - điều chị hằng ao ước ở gã chồng cũ vũ phu, cục súc. 

Anh ngọt ngào, nâng niu chị trong cả những việc nhỏ nhặt. Có lúc chị mừng thầm vì dường như ông trời đang bù đắp cho thời thanh xuân đầy thiệt thòi của chị.

Anh ly hôn khi chưa có con, còn chị có con trai 10 tuổi, cái tuổi nghịch ngợm, táy máy hiếu động. Vài lần dắt con theo trong những lần hẹn gặp để thăm dò cảm xúc của anh, chị nhận ra rằng anh đã quen sống một mình nên không thích trẻ con. Chúng khiến anh có cảm giác bị quấy rầy, kể cả khi đó là con chị, người anh đang muốn gá nghĩa lâu dài. 

Đến nhà anh, chị để ý mỗi khi thằng bé cầm món gì lên ngắm nghía tò mò là y rằng anh sẽ lập tức đặt món ấy lại chỗ cũ. Thằng bé mở vòi nước rửa tay hơi lâu, anh lại tắt ngay, như để tiết kiệm nước. Khi thằng bé tháo giày để ở cửa, anh sẽ để lên kệ giày cho ngay ngắn. Nếu anh làm những việc ấy khuất mắt chị, hoặc anh làm với nét mặt nhẹ nhàng thay vì cau có, hẳn chị đã không nghĩ ngợi lăn tăn.

Những đứa trẻ hiếu động chỉ khiến anh thấy phiền hà, khó chịu (ảnh minh hoạ)
Đứa trẻ hiếu động khiến anh thấy phiền hà, khó chịu (ảnh minh hoạ)

Lần nọ, anh rủ chị đi cắt tóc. Lúc trả tiền, anh thản nhiên trả phần mình, tỉnh bơ trước nét mặt ngơ ngác của chị dù rất nhanh sau đó, chị kịp hiểu ra và tự trả cho phần mình.

Trong những câu chuyện, anh hay chủ ý nhắc về những người bạn, người quen. Mỗi câu chuyện dường như đều được anh gửi gắm một thông điệp nào đó. Khi là chuyện anh A. bạn anh đang ở cùng chị B (cả 2 đều từng ly hôn). Căn nhà là của anh A. nên chị B. không phải lo tiền nhà, nhưng bù lại, chị lo phần ăn uống, điện nước, internet. Khi khác, anh lại kể về anh X. và chị Y. chung sống với nhau đã lâu nhưng mỗi người đều tự lo cho con riêng, bố mẹ phía mình, chẳng ai biết thu nhập người kia...

Chị là người tự trọng. Dù không có tài sản gì, nhà cửa riêng cũng chưa, nhưng chị luôn có ý thức tự lập để nuôi con mà không dựa vào ai. Thế nhưng, hiểu ra ẩn ý đằng sau những câu chuyện của anh, chị thấy chờn chợn.

Chị biết mức sống đắt đỏ cũng như văn hoá sống xứ này khiến người ta rạch ròi tiền bạc, dù với họ, tình và tiền có vẻ chẳng liên quan với nhau. Trong khi chị vẫn quen với cuộc sống ở quê nhà, nơi phụ nữ thường quan niệm "đàn ông đặt tâm ở đâu sẽ dốc tiền vào đó".

Chị nghĩ trách nhiệm san sẻ gánh nặng mưu sinh khi quyết định về chung nhà với ai đó vẫn tốt hơn sự phân chia sòng phẳng, rạch ròi một cách lạnh lùng, vô cảm. Chị sợ, bởi con còn nhỏ, vẫn cần sự bảo bọc của chị. Mới giai đoạn yêu đương mà anh đã tính toán vậy, sau này chị dám mong gì hơn?

Chưa kể, cái cách anh tỏ ra "trên cơ" vì có cơ ngơi đầy đủ, trong khi chị mới chân ướt chân ráo sang Mỹ, lại có con riêng, khiến chị mang cảm giác lép vế. Sau vài lần ngạc nhiên khi chị từ chối hẹn hò, anh có vẻ phật ý với lời giải thích ngắn gọn: "Em e là mình không hợp để có thể tiến xa hơn. Hy vọng chúng ta sẽ là bạn tốt của nhau, anh nhé!".

Nói chị không buồn là không đúng, chị vẫn rất lưu luyến anh, nhưng với chị, con trai chính là tình yêu lớn nhất vào lúc này. Những gì tốt đẹp hơn nhất định sẽ đến vào một thời điểm nào đó. Vững tin như vậy nên chị nhẹ nhõm hơn khi quyết định.

Hoài Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI