Tôi thực lòng muốn mẹ tái hôn để không còn những cái tết lủi thủi, cô độc nữa

27/01/2023 - 09:15

PNO - Thực tế mẹ không cần phải có sự “cho phép” của con cái hay không để tái hôn. Tuy nhiên, bà có thể rất cảm kích sự khuyến khích của bạn.

Thân gửi chị Hạnh Dung,

Cha mẹ em đã ly dị nhau từ lúc em đang học cấp ba. Suốt hơn 7 năm nay, mẹ cứ ở vậy nuôi tụi em khôn lớn. Giờ chị hai đã làm dâu bên chồng, thằng út cũng ra riêng. Chỉ còn em mà mẹ.

Công việc của em ở một công ty tổ chức sự kiện cũng khiến em vắng nhà thường xuyên. Nếu không phải là những chuyến công tác xa thì ngày thường em cũng về nhà muộn.

Một mình mẹ ở nhà, hết dọn dẹp, cơm nước thì lại xem tivi chờ em về. Thấy em bà mới yên tâm đi nghỉ. Chị và em em cứ mỗi tuần lại qua chơi. Bà rất thương cháu ngoại năm nay vừa tròn 6 tuổi. Lúc nào cũng muốn giữ cháu ở lại đến sáng thứ hai và rối rít hứa với ba mẹ nó là sẽ chở đi học đúng giờ chào cờ. Chiều thứ sáu thôi là đã nhắn tin, gọi điện nhắc sáng hôm sau phải chở cháu qua thật sớm.

Tụi em biết mẹ rất cô đơn. Tết đến, sau ngày Mùng 1 rôm rả là bà lại lủi thủi một mình. Năm nay cũng vậy, em có nhiều show phải thực hiện nên đi suốt. Thú thật là chứng kiến những cái Tết cô độc của mẹ từ ngày ba bỏ đi, em chỉ muốn mẹ tái hôn để có một chỗ dựa lúc về già.

Cũng có nhiều người thương, ngỏ lời với mẹ, nhưng bà chưa bao giờ sẵn sàng cho điều đó. Bà luôn lấy lý do là đợi con cái lớn… Nhưng nếu không bây giờ thì chẳng còn biết đến khi nào, vì năm nay mẹ đã ngoài 50 tuổi. Chị Hạnh Dung thấy suy nghĩ của tụi em có gì chệch choạc hay không ạ? Em cảm ơn nhiều.

Trần Thị Ánh Loan (TPHCM)

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

 

Ánh Loan thân mến,

Cảm ơn bạn đã có quan niệm tiến bộ về nan đề “đi bước nữa” của đấng sinh thành. Ít có con cái nào dám nghĩ đến hạnh phúc riêng của cha, mẹ như vậy. Hiện nhiều người vẫn ngay lập tức phản đối ý tưởng ba hoặc mẹ mình tái hôn. Vì sao?

Chúng ta bắt đầu từ điểm này để cùng nhau xác định nguyên nhân đằng sau việc người ta thường không thích có cha hoặc mẹ kế. Từ đó hy vọng giúp cho bạn những điều cần lưu ý, nên- không nên một khi đã có suy nghĩ tích cực cho hạnh phúc của mẹ mình.

Trước hết, nếu mẹ có bạn trai và đang trong giai đoạn tìm hiểu, bạn không thể không dành nhiều thời gian hơn cho cặp đôi mới. Không ít người lo ngại về điều này. Thế nhưng, khi con cái quan tâm tình yêu mới của mẹ, thì mới giúp xoa dịu mọi định kiến về cha dượng, và hiểu rõ người này khiến mẹ mình hạnh phúc như thế nào.

Một tình huống cần đặt ra, nếu cha dượng tương lai trẻ hơn so với mẹ, chị em bạn có bị định kiến về mối quan hệ lệch tuổi không? Một số người còn lo lắng rằng người đó chỉ đến với mẹ bạn vì vật chất? Để giải tỏa chuyện này, bạn cần dành thời gian trò chuyện với mẹ để loại bỏ những lo lắng của mình càng sớm càng tốt.

Thực tế mẹ không cần phải có sự “cho phép” của con cái hay không để tái hôn. Tuy nhiên, bà có thể rất cảm kích sự khuyến khích của bạn. Con cái cần luôn thể hiện sự tôn trọng quyền quyết định của cha, mẹ. Trong thực tế còn quá hiếm.

Một sai lầm khác là so sánh. Nhớ rằng ta sẽ khiến bản thân thất vọng nếu liên tục so sánh người mới của mẹ với cha ruột. Hãy cố gắng nhắc nhở bản thân rằng chồng mới của mẹ là bạn đồng hành của bà. Bạn cũng có thể giảm thiểu sự so sánh bằng cách tìm điểm tích cực ở họ. Tập nghĩ về tất cả những việc làm tốt đẹp của cha dượng trong cuộc sống với mẹ bạn.

Con cái trưởng thành còn phản đối việc cha mẹ tái hôn vì cho rằng cuộc hôn nhân mới là sự “phản bội” đối với cha hoặc mẹ đã qua đời hoặc đã ly hôn. Nhiều người còn nặng nề khi cho rằng nếu không phản đối thì đã là một cách “tiếp tay”. Rất mừng vì bạn không phải là người nêu trên.

Quan điểm phản đối cha mẹ đi bước nữa là sự “sợ hãi” phải tương tác với vợ, chồng mới của họ. Trường hợp bạn ủng hộ thì vẫn cần lưu ý sự gần gũi với chồng mới của mẹ để giúp bạn tìm ra vai trò của người này trong cuộc sống của bạn. Nó còn chứng minh cho mẹ bạn thấy rằng, bạn chào đón tình yêu của họ bằng tất cả sự chân tình chứ không phải chỉ vì muốn bà vui.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

 

Nỗi sợ hãi thường gặp đối với những người con trưởng thành là họ sẽ đánh mất sự quan tâm của ba hoặc mẹ vì người bạn đời mới này. Bạn cũng cần chuẩn bị tâm lý vượt qua rào cản này đối với gia đình mới của mình, bằng cách sắp xếp thời gian hiện diện thường xuyên với mẹ.

Bạn cũng cần hết sức trung thực với mẹ và cha dượng tương lai về những chủ đề nhạy cảm. Ví dụ cuộc hôn nhân mới đã ảnh hưởng thế nào đến các vấn đề tài chính, các thay đổi trong quyền thừa kế tài sản... Đây cũng là một lý do phổ biến khác khiến người ta ngần ngại chào đón “người mới” vào gia đình.

Cuối cùng, đừng hối thúc, vì mọi sự tùy duyên. Chúc các bạn và mẹ luôn hạnh phúc.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(10)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI